Dùng điện thoại trước khi đi ngủ có thể khiến bạn bị trầm cảm

Thói quen sử dụng điện thoại nhiều giờ trước khi đi ngủ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của chúng ta.

Rất nhiều người trong số chúng ta có thói quen sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử như laptop, máy tính bảng nhiều giờ trước khi đi ngủ. Đây dường như là một việc rất bình thường trong xã hội hiện đại.

Hành động này đã được chứng minh là dễ gây ra việc mất ngủ, giảm thị lực, giảm trí nhớ. Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học Trung Quốc đã có chứng minh bước đầu rằng thói quen này còn có thể là tác nhân gây ra bệnh trầm cảm.

Thói quen sử dụng điện thoại nhiều giờ trước khi đi ngủ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của chúng ta. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Thí nghiệm trên chuột về việc ánh sáng xanh gây biến đổi hành vi

Theo Daily Mail, một nhóm các nhà khoa học của Đại học An Huy, Hợp Phì, Trung Quốc mới đây đã đăng tải những kết luận về nghiên cứu của họ lên tạp chí Khoa Học Thần Kinh Tự Nhiên (Nature Neuroscience) về việc sử dụng các thiết bị có ánh sáng xanh như điện thoại, máy tính bảng và laptop trước khi đi ngủ có thể gây ra trầm cảm. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã thực hiện thí nghiệm này trên chuột.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện thí nghiệm của mình trên chuột trong ba tuần liền. (Ảnh: Daily Mail)

Họ nhận ra rằng những con chuột được tiếp xúc với ánh sáng xanh hai giờ mỗi tối trong ba tuần liên tục, một số tín hiệu não lạ đã được kích hoạt khiến chúng dần có những thay đổi về hành vi, thường xuyên thể hiện ra những dấu hiệu của việc bị trầm cảm như luôn cố tìm cách chạy trốn và không còn tỏ ra thích thú với đường. Tuy nhiên, khi cho những con chuột này ngừng tiếp xúc với ánh đèn LED ít nhất là ba tuần, chúng đã không còn thể hiện ra các thay đổi về hành vi như vậy nữa.

Ánh sáng LED có thể gây trầm cảm ở người

Những thí nghiệm này đã bước đầu cung cấp những cái nhìn trực quan về việc tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng vào ban đêm sẽ ảnh hưởng tới con người như thế nào. Nguồn ánh sáng mà nghiên cứu đề cập bao gồm bóng đèn huỳnh quang, đèn LED, đèn TV LED, điện thoại thông minh, máy tính bảng và màn hình laptop, máy vi tính.

Ánh sáng LED có thể là tác nhân gây ra triệu chứng trầm cảm. (Ảnh minh họa: Daily Mail)

Qua thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xác định được rằng có một mối liên hệ thần kinh giải thích được hiện tượng này, đó là liên hệ giữa một thụ thể ánh sáng ở võng mạc tới hai vùng não: nhân quanh mắt và nhân tế bào. Khi kết nối giữa hai khu vực này bị chặn lại, các hành vi biến đổi do ánh sáng ban đêm cũng không còn. Nhóm cũng kết luận rằng tương tự ở người, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng vào ban đêm sẽ gây ra triệu chứng trầm cảm.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng việc tăng sự tiếp xúc với các loại ánh sáng nhân tạo đã phá vỡ thói quen ngủ tự nhiên của chúng ta, từ đó gây ra các vấn đề về tâm lý: “Bên cạnh việc hỗ trợ cho tầm nhìn của chúng ta, ánh sáng còn giúp điều chỉnh các chức năng sinh lý khác như tâm trạng. Chúng tôi thấy rằng ánh sáng vào ban đêm gây ra những hành vi giống như trầm cảm nhưng không thay đổi nhịp sinh học”.

Việc sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ còn mang lại nhiều tác hại như giảm thị lực, gây mất ngủ. (Ảnh minh họa: Daily Mail)

Ánh sáng về đêm gây ra các tác động sinh học bất lợi

Ô nhiễm ánh sáng là một tình trạng phổ biến ở những thành phố hiện đại, nơi mà hoàng hôn không còn là tín hiệu để kết thúc một ngày nữa. Ở những nơi này, con người trải qua một cuộc sống về đêm được chiếu sáng quá mức cần thiết, hiện tượng này được các nhà khoa học gọi là “ánh sáng về đêm quá mức” hay LAN. Nguồn gốc của LAN là từ các thiết bị điện tử hoặc các ngôi nhà cao tầng sáng rực rỡ tại các thành phố lớn.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh thêm, nhịp sinh học ở các động vật có vú là một chu kì tự nhiên để điều chỉnh việc ngủ hay thức theo bóng tối hoặc ánh sáng. Nếu ánh sáng về đêm quá mức gây ra sai lệch chu kì ngủ – thức này, nó sẽ là nguyên nhân dẫn tới các triệu chứng trầm cảm ở cả người và động vật.

Các thành phố hiện đại với độ chiếu sáng quá mức là nơi thường bị ô nhiễm ánh sáng. (Ảnh minh họa: 669pic)

Đây là những nghiên cứu bước đầu về sự liên quan giữa ánh sáng LED với các triệu chứng trầm cảm, một căn bệnh nguy hiểm của xã hội hiện đại. Nó đã phần nào chỉ ra được việc liên tục sử dụng điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử với màn hình LED sẽ tác động như thế nào tới nhịp sinh học của con người. Vì vậy hãy cố gắng hạn chế sử dụng những thiết bị này một cách tối đa, nhất là trước giờ đi ngủ để đảm bảo sức khỏe của bạn.

 LƯU Ý GIÚP HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỪ ĐIỆN THOẠI TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

Điện thoại là thiết bị điện tử chúng ta thường sử dụng nhất trước giờ đi ngủ, vì vậy nó cũng là tác nhân gây ra một số ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta. Do đó, các chuyên gia sức khỏe đã đưa ra một số lời khuyên nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ:

1. Chuyển điện thoại về chế độ ban đêm để tránh ảnh hưởng thị lực nếu buộc phải sử dụng.

2. Bật chế độ máy bay, để xa khỏi giường ngủ.

3. Không vừa sạc điện thoại vừa sử dụng. Việc này có thể gây cháy nổ, rất nguy hiểm cho người dùng.

4. Không dùng điện thoại khi nằm nghiêng vì sẽ gây nhức, mỏi mắt, làm máu khó lưu thông lên vùng mắt và gây ra những nốt đen xuất hiện quanh mắt.