Gặp lại người vợ tìm thấy chồng đi lạc 13 năm nhờ xem clip trên TikTok
Sau 13 năm, Tết năm nay nhà chị Cường tổ chức to hơn, sắm sửa cành đào, cây quất, gói nhiều bánh chưng, không khí rộn ràng của mùa đoàn viên.
Tháng 5/2021, câu chuyện người vợ tìm thấy chồng lưu lạc 13 năm nhờ xem clip trên TikTok gây xúc động mạnh mẽ. Đó là một cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt, và như chưa hề có cuộc chia ly, gia đình đoàn tụ sau bao năm xa cách.
Chị Đinh Thị Cường, 51 tuổi, tên thường gọi là Năm, trú xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nói rằng năm nay cả nhà đón một cái Tết đoàn viên, trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Chuyện người vợ tìm được chồng đi lạc 11 năm nhờ xem clip trên TikTok
Vợ tìm thấy chồng đi lạc 13 năm nhờ xem clip trên TikTok
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh Đinh Văn Phú và chị Cường nằm sâu trong con ngõ nhỏ, đường đất quanh co tại xã Yên Lãng. Một ngày cuối năm, chị Cường vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa gọi chồng dậy tắm gội. Cuộc sống gia đình hạnh phúc là điều mà chị hằng mong ước từ ngày chồng bỏ đi.
Chị Cường hơn anh Phú 5 tuổi. Năm 1998, hai người kết hôn khi tuổi đời còn khá trẻ. Hoàn cảnh tuy khó khăn, nhưng vợ chồng hết mực thương yêu nhau, phấn đấu làm ăn. Vợ ở nhà làm ruộng, đi chợ buôn bán lặt vặt. Còn chồng khi là thợ hồ, cày thuê cuốc mướn, khi là công nhân trong mỏ đá.
5 năm trôi qua, hai đứa con khoẻ mạnh lần lượt chào đời. Cho đến khi người con thứ 2 tròn 7 tháng tuổi, anh Phú bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thần kinh không bình thường. Từ đó, tính tình anh dần thay đổi, tâm trí lúc tỉnh lúc mơ, cả ngày chỉ cười nói vu vơ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn lên đôi vai người vợ.
Thương chồng, chị Cường dành dụm, vay mượn người thân để có tiền đưa anh đi chữa trị. Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại càng trở nặng. Những lúc bình thường, anh đỡ đần vợ một số công việc lặt vặt. Nhưng mỗi khi lên cơn, lại đập phá nhà cửa, đuổi đánh vợ con, hàng xóm. Mẹ con chị Cường buộc dắt díu nhau sang nhà người thân lánh tạm.
Chồng bệnh tật, hai con còn nhỏ dại, chẳng thể gánh gượng thêm, chị Cường bàn với người thân gửi anh Phú vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Nhưng được mấy tháng, anh không chịu được, thường xuyên đập phá và tìm cách trốn ra ngoài. Những lúc như vậy, chị Cường lại phải lên trung tâm hỗ trợ tìm chồng.
Sau hơn một năm ở trung tâm, anh Phú trốn ra ngoài, bỏ đi lang thang và mất liên lạc với gia đình. Đằng đẵng 13 năm tìm chồng, ai mách đâu, chị Cường lại lên đường.
“Hy vọng rồi lại thất vọng, hàng chục lần như thế tôi vẫn không bỏ cuộc. Tôi luôn tự nhủ rằng nhất định sẽ tìm được chồng. Trong thâm tâm tôi vẫn luôn tin anh ấy còn sống”, chị Cường bộc bạch.
Từ ngày chồng “bặt vô âm tín”, chị Cường một mình nuôi hai con và kiếm tiền tìm chồng. Chị không ngại công việc nặng nhọc như phụ hồ, “cứ có tiền là nhận làm”, sẵn sàng đương đầu với mọi biến cố.
“Thấy chồng tôi mất tích nhiều người theo đuổi và muốn lấy tôi làm vợ, nhưng yêu chồng, thương con, tôi quyết định ở vậy. Tiền làm được bao nhiêu lo cho các con, còn ít tôi lại đem đi in giấy dán khắp nơi để tìm anh ấy. Tôi cũng chẳng sắm sửa gì cho bản thân”, chị Cường nói.
Thời gian trôi qua, đứa con gái ngày nào chưa đầy 1 tuổi, nay đã lên lớp 12, chị Cường vẫn chưa thôi khắc khoải đợi chồng. Chị tin, anh Phú vẫn còn sống và lưu lạc nơi nào đó. Những ngày bé út sắp thi tốt nghiệp THPT, chị bất ngờ xem được một đoạn clip trên TikTok, nhận thấy người đàn ông rất giống chồng mình.
“Tôi xem clip vào buổi đêm đã thấy người đó giống chồng mình. Trưa hôm sau, tôi lại xem tiếp. Tôi ngắm mãi clip đó đến lúc mà điện thoại tôi hết pin. Tôi bỏ mặc tất cả, chỉ chăm chú xem vào dáng đứng và cách anh ấy gãi vào gò má”, chị Cường kể lại.
Khi hỏi người thân, ai cũng khẳng định người đó chính là anh Phú. Chị Cường mừng quýnh, liên hệ với chủ nhân clip nhờ xác nhận. Và khi chị Tuyết (chủ kênh TikTok) cho xem hình xăm trước ngực anh Phú, chị Cường như vỡ oà, gỡ được nút thắt trong lòng chục năm qua. Cả gia đình vội lên Tuyên Quang đón anh về.
Gặp lại chồng, chị Cường xót xa khi anh đã già đi rất nhiều. Dù anh liên tục xua đuổi, nhưng chị vẫn rất vui và hạnh phúc. Chị chỉ biết khóc. Người thân, hàng xóm đứng bên cạnh cũng khóc theo. 13 năm qua, chị không dám nghĩ một ngày gia đình được đoàn tụ.
“Tìm thấy chồng, trong lòng tôi mới thoải mái. Tôi luôn dằn vặt bản thân. Tôi thương chồng, không biết những lúc thời tiết khắc nghiệt, anh ấy sống như thế nào. Con trai, con gái đều động viên mẹ ‘khi nào có tiền con sẽ tìm bố về'”, chị Cường xúc động.
“Tết đầm ấm và hân hoan hơn mọi năm vì đã đón được chồng về nhà”
Từ ngày về nhà, anh Phú chỉ nằm trong phòng. Ai động vào người, anh đều kháng cự. Hiếm lắm anh mới ra ngoài chơi. Mái tóc cũng đã được cắt ngắn, gọn gàng và sạch sẽ hơn.
Những lúc tỉnh táo, anh trò chuyện và ăn cơm với vợ con, rót nước mời khách đến chơi hoặc hỏi han mọi người xung quanh. Thỉnh thoảng, anh cũng nhận ra người thân, gọi tên vợ và con gái út. Chỉ những hành động nhỏ nhặt thế cũng khiến chị Cường và hai con xúc động.
Lắm lúc bệnh tình tái phát, anh chạy ra ngoài vườn phá phách, nhổ hết cây thuốc. “Cái bệnh này rất khó chăm sóc, mỗi lần động vào người, anh đều đẩy tôi ra xa”, người vợ kể nhiều lúc muốn cởi áo cho chồng mang đi giặt nhưng không được, rồi phải nịnh anh mới chịu đi tắm.
Cuộc sống của chị Cường thực sự viên mãn dù vẫn muôn vàn khó khăn. Cậu con trai lớn làm công nhân xa nhà. Còn bé út đã lên Đại học, học online do tình hình dịch bệnh phức tạp. Chị có nghề bốc thuốc Nam của mẹ để lại, kinh tế cũng khá hơn, không còn dằn vặt lương tâm.
13 năm vắng bóng chồng, Tết đến, chị Cường không thiết tha sắm sửa, chỉ mua vài bộ quần áo mới cho con đỡ tủi thân. Mỗi khi ra đường thấy mọi người vui vẻ, hát hò đón Xuân, chị lại lủi thủi và chạnh lòng.
Thế nhưng năm nay, gia đình chị quyết định ăn Tết “to hơn mọi năm”. Chị sắm cành đào, cây quất, gói nhiều bánh chưng, để cảm nhận không khí rộn ràng của mùa đoàn viên. “Dù không đủ đầy, nhưng Tết sẽ đầm ấm và hân hoan hơn mọi năm vì đã đón được chồng về nhà”, người vợ vui vẻ nói.
Một cái Tết đầy đủ thành viên, trọn vẹn và ý nghĩa đối với gia đình anh Phú chị Cường. “Tôi chỉ mong có sức khoẻ làm việc kiếm tiền, xây một căn phòng mới để chồng sống thoải mái hơn”, chị nói.
Quả thực, nhà là gì nếu như không phải những khoảnh khắc sum vầy giản dị, là điều bình yên chờ đợi mỗi thành viên trở về.
Tết là nhà, là tình thân, là nơi “bão dừng sau cánh cửa”./.