Không có dấu vết về bệnh nhân số 0, biến chủng Omicron vẫn còn là bí ẩn

Quá trình phát hiện biến thể mới

Họ đã phát hiện một gen bị thiếu trong cấu hình gen bình thường của virus. Xét nghiệm PCR cũng không tìm được một số chỉ số thường gặp – dấu hiệu cho thấy virus đã thay đổi. Vài ngày sau, hiện tượng tương tự cũng được thông báo tại Khoa Bệnh học Phân tử của Lancet ở Johannesburg – thủ phủ tỉnh Gauteng của Nam Phi. Tiến sĩ Allison Glass, chuyên gia dịch tễ của Lancet nói rằng phát hiện này trùng thời điểm số ca mắc Covid-19 đang gia tăng tại một vài khu vực của Nam Phi .

Tại Gauteng, chưa đến 1% dân số có kết quả xét nghiệm dương tính vào đầu tháng 11 nhưng con số này đã tăng lên 6% trong vòng 2 tuần và lên đến 16% vào ngày 1/12. “Phát hiện này làm dấy lên lo ngại rằng chúng tôi đang đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới và tất yếu, kỳ nghỉ Giáng sinh sẽ trôi qua trong im lặng”, ông Allison Glass nói.

3 tuần sau, điều kỳ lạ mà các nhà khoa học Nam Phi chứng kiến đã trở thành mối lo của toàn thế giới khi WHO cảnh báo khẩn cấp về biến thể Omicron. Sự gia tăng bất thường số ca mắc tại Gauteng đã khiến Mạng lưới Giám sát bộ gen ở Nam Phi (NGS-SA) đặc biệt quan tâm. Ông Tulio de Oliveira – giám đốc NGS-SA đã triệu tập một cuộc họp vào ngày 23/11 về vấn đề này.

Phát biểu với New Yorker, ông Tulio de Oliveira cho biết: “Chúng tôi nghe một thành viên báo cáo rằng, phòng thí nghiệm tư nhân Lancet đã gửi đến 6 mẫu gen của một virus đột biến. Khi xem xét các mẫu gen, chúng tôi khá lo lắng”. Qua tăng cường kiểm tra các mẫu bệnh phẩm ở Gauteng, các nhà khoa học nhận thấy biến thể Omicron xuất hiện thường xuyên tại khu vực này.

Nguồn gốc vẫn còn là bí ẩn

Hiện vẫn chưa rõ biến thể Omicron xuất hiện ở đâu, khi nào và cũng không có bất cứ dấu vết nào về bệnh nhân số 0 – người đầu tiên nhiễm biến thể này. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, John Nkengasong cho biết: “Chúng tôi không thể đánh giá được nguồn gốc của nó”.

“Các trường hợp đầu tiên được ghi nhận và xác định tại Botswana và sau đó là ở Nam Phi”. Song ông lưu ý, việc phát hiện một loại virus hoặc một chủng mới của virus ở những nơi này không có nghĩa là virus có nguồn gốc từ đó.

Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton cho biết: “Omicron có thể là kết quả của một đợt bùng phát tại một số vùng của châu phi cận sa mạc Sahara – nơi không có hệ thống giám sát bộ gen virus đầy đủ và tỷ lệ tiêm chủng thấp”. Việc cố gắng truy tìm nguồn gốc của Omicron có thể vô ích nếu biến chủng này đã lây lan trong một khoảng thời gian, ông nhấn mạnh.

Còn Trevor Bedford, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington nhận định, dựa trên việc phân tích mẫu gen virus từ Botswana và Nam Phi, biến thể Omicron có thể xuất hiện sớm hơn nhiều so với thời điểm chúng ta nhận được thông báo, ước tính vào khoảng đầu tháng 10.

Lượng virus được tìm thấy trong nước thải tại Pretoria – thủ đô hành chính và là tâm dịch trong đợt bùng phát Covid hiện nay ở Nam Phi, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 cũng tăng cao. Phát biểu với CNN, chuyên gia Michelle Groome thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi cho biết: “Việc giám sát mẫu nước thải đã thực sự cảnh báo sớm cho chúng tôi về các trường hợp này tại Pretoria”. Nhưng các nhà virus học thừa nhận họ chỉ nắm được những thông tin rất sơ bộ về sự tiến hóa và đặc tính của virus.

Cảnh báo từ Nam Phi đã tạo tiền đề cho việc phát hiện các ca nhiễm Omicron tại những quốc gia khác. Hầu hết người nhiễm đều đến hoặc đi từ Nam Phi, Mozambique, Malawi, Botswana và Namibia. Trước đó vào ngày 11/11, 4 người nước ngoài rời Botswana đã có xét nghiệm dương tính và một cuộc kiểm tra sau đó xác nhận họ đã nhiễm biến thể Omicron. Một số khách du lịch từng đến châu Phi sau khi trở về nhà tại Đức hoặc Italy đã lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình của họ. Qua phân tích dữ liệu hiện tại cho thấy, 90% ca nhiễm biến thể Omicron tại châu Âu có liên quan đến người từng tới phía nam châu Phi.

Tuy nhiên, việc giải trình tự gen virus tại nhiều nước còn khá hạn chế. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các xét nghiệm Covid-19 được giải trình tự – vì công việc này mất nhiều thời gian hơn các xét nghiệm thông thường. Và do vậy, các dữ liệu hiện nay có thể chưa đánh giá đúng mức độ lây lan của virus.

Không phải tất cả các ca mắc đều liên quan đến châu Phi

Dù nhiều du khách đến từ miền nam châu Phi bị nhiễm biến thể này, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Trường hợp điển hình là một bệnh nhân nữ người Bỉ. Người này đã đi qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Ai Cập và trở về nhà vào ngày 11/11. 10 ngày sau đó cô có kết quả xét nghiệm dương tính. Ngoài ra có một bác sỹ người Israel cũng bị xác nhận nhiễm Omicron sau khi tham gia một hội nghị ở London nhưng ông lại không đi qua Nam Phi. Một số chuyên gia y tế cho rằng, Omicron có thể đã hiện diện tại châu Âu vào tháng 11. Các nhà khoa học tại viện y tế RIVM của Hà Lan phát hiện những mẫu bệnh phẩm của biến thể Omicron xuất hiện từ ngày 19 đến 23/11, gần một tuần trước khi Nam Phi công bố biến thể này xuất hiện.

Vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ về biến thể mới, chẳng hạn như nó có thể lây lan nhanh chóng như thế nào và liệu nó có thể tránh được phản ứng miễn dịch hay làm mất tác dụng của các loại vaccine hiện có hay không. Ngoài ra cũng có những câu hỏi về việc biến thể này gây ra các triệu chứng nặng hay nhẹ.

Báo cáo mới nhất của WHO cho biết, Delta hiện vẫn là biến chủng vượt trội, chiếm 99,8% tổng số trình tự gen của bệnh nhân Covid-19 trên toàn thế giới. Nhưng báo cáo vẫn lưu ý” “Nam Phi – nơi đầu tiên phát hiện biến thể Omicron đã có sự gia tăng mạnh về số ca mắc ở nhiều tỉnh thành”. Trong hai tuần qua, số ca mắc mới theo ngày trung bình tại quốc gia này đã tăng từ 290 lên 3.800 ca.

“Số ca mắc ở Nam Phi tăng rất nhanh. Đây là tốc độ nhanh nhất chúng tôi từng chứng kiến kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Nhưng vẫn chưa rõ điều này là do Omicron có khả năng lây lan mạnh hay do nó tránh được phản ứng miễn dịch”, bà Michelle Groome cho biết./.