Loại cây chỉ cần 6 gram đã gây chết người: Nông dân TQ nô nức trồng

Ngược đời loại cây chỉ cần 6 gram đã gây chết người: Nông dân TQ nô nức trồng, thu lãi to

Vì sao loại cây nằm trong bảng A độc dược lại được người nông dân Trung Quốc trồng nhiều như vậy?

Chỉ cần dùng quá 6 gram có thể gây chết người

Theo “Hán thư”, vào thời Hán Tuyên Đế, vợ của đại thần phụ chính Hoắc Quang muốn đưa con gái mình vào cung làm hoàng hậu nên đã lên kế hoạch sát hại Hứa hoàng hậu. Sau khi Hứa hoàng hậu sinh con, vợ của Hoắc Quang đã uy hiếp và ép bà đỡ phải giúp mình giết người.

Khi đó, bà đỡ Thuần Vu Diễn đã bí mật mang bột cây ô đầu giã nát vào trộn với những viên thuốc của hoàng hậu. Không lâu sau khi uống thuốc, Hứa hoàng hậu cảm thấy khó chịu toàn thân, rơi vào hôn mê và chết.

Cây ô đầu gắn liền với vụ án sát hại Hứa hoàng hậu thời nhà Hán. (Ảnh: Baidu)

Kể từ đó, ô đầu chính thức được nhắc tới như 1 loại thảo dược có độc tính cao. Cây ô đầu có danh pháp khoa học là Monkshood, Aconitum napellus. Ngoài ra nó còn có nhiều tên gọi khác nhau như ấu tàu, phụ tử, thảo ô, xuyên ô, ú tàu (Tày), co u tàu (Thái), ấu tẩu… Cây có chứa độc tố aconitine cao, được xếp vào bảng A, có thể khiến cho nạn nhân bị ngộ độc nặng khi vô tình ăn sống hay ngay cả chạm vào nó.

Chi ô đầu có khoảng hơn 110 loài, phân bố chủ yếu rải rác khắp vùng ôn đới Bắc bán cầu. Ở Trung Quốc có hơn 20 loài, Ấn Độ 25 loài, Việt Nam chỉ có một loài. Ô đầu thuộc thân cây thảo cao chừng 0,6 đến 1m. Ô đầu là cây mọc ở vùng có khí hậu ôn đới, thích nghi được với điều kiện có khí hậu mát ẩm ở các vùng núi cao.

Dù là dược liệu quý nhưng ô đầu có độc tính mạnh

Cây ra hoa quả nhiều hằng năm, chủ yếu tái sinh từ hạt. Rễ của cây thuộc loại rễ củ to mập, hình con quay, rễ cái to mang nhiều rễ nhỏ được gọi là phụ tử, mặt ngoài rễ nhẵn và có màu đen.

Ô đầu là dược liệu quý hiếm nhưng có độc tính rất mạnh, chỉ cần dùng quá 6 gram đã có khả năng gây chết người. Dấu hiệu trúng độc là tiết nhiều nước bọt, tiêu chảy, cảm giác ngứa ran trong da, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.

Độc dược giúp người nông dân thoát nghèo

Không chỉ là 1 loại độc dược, ô đầu còn là loại thảo dược có giá trị dược liệu cao. Thậm chí, nó còn được xếp ngang hàng với nhân sâm, tam thất và đại hoàng. Vì ô đầu có thể gây độc chết người nên người ta chủ yếu dùng ngoài, ít dùng để uống, nếu dùng để uống cần phải chế biến và khử độc rất kỹ.

Hoa cây đầu ô rất đẹp nên thường được trồng để làm cây cảnh

Tuy cùng là một vị thuốc nhưng trong Đông y có phân rõ ra 2 loại đó là ô đầu và phụ tử, là 2 vị thuốc khác nhau, trong đó:

– Ô đầu: là củ ủ ô đầu chưa qua chế biến, vị thuốc này rất độc, có thể gây chết người nên chỉ dùng ngoài da.

– Phụ tử: Là thành phẩm đã được chế biến từ củ ấu tẩu, qua nhiều công đoạn đã được khử độc và có thể dùng để uống.

Trong Đông y, ô đầu có vị cay, nóng, chứa độc và có tác dụng thẩm thấp trừ đàm, khu phong chống co thắt và tán kết. Nếu được dùng để làm thuốc giảm đau, chống co giật, co thắt, liệt mặt, chống sung huyết, đau nửa đầu và chống thoát mồ hôi khi thân nhiệt giảm … thì liều dùng không quá 3-5 gam rễ đã phơi khô đem ngâm nước và đun sôi trong 4-6 giờ.

Theo báo Dân trí, Thanh Niên hay Vnexpress, ô đầu hay còn gọi ấu tẩu tuy là độc dược nguy hiểm nhưng nếu biết cách chế biến nó còn là một dược liệu quý. Tại Hà Giang, cháo ấu tẩu là một món đặc sản trứ danh được người dân vui vẻ gọi là “cháo độc dược”.

Món cháo ô đầu là đặc sản của Hà Giang

Củ ấu tẩu sau khi được ngâm kỹ lưỡng qua 1 đêm rồi hầm trong vòng 4 tiếng, dưới bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của người chế biến, từ một loại củ độc đã “hóa giải” thành món ăn bổ dưỡng, giải cảm, tốt với những người mắc chứng đau xương cốt kinh niên.

Nếu như ở Việt Nam, ấu tẩu được chế biến thành đặc sản thì tại Trung Quốc, nó được coi là loại thảo dược mang lại lợi nhuận rất cao. Cây ô đầu được trồng rất nhiều ở Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam và nhiều địa phương khác. Trong đó, ô đầu tại Tứ Xuyên có chất lượng tốt nhất. Chúng được thu hoạch từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8 sau đó mới được chế biến để thành thuốc.

Tại Trung Quốc, cây ô đầu mang lại lợi nhuận cao nên được trồng rất nhiều

Chỉ riêng tại Tứ Xuyên, theo báo cáo của địa phương, chi phí cho 1.000 m2 trồng cây ô đầu
là 8.000 NDT (hơn 28 triệu VND), giá bán sau khi thu hoạch rơi vào khoảng 27.000 NDT
(gần 95 triệu VND), vậy là người nông dân thu được lợi nhuận lên tới 19.000 NDT (gần 67
triệu VND).

Có thể thấy, thu nhập của người nông dân trồng cây ô đầu ở Tứ Xuyên khá tốt. Vì vậy, tại nhiều
địa phương khác, một số cán bộ nông dân đã hướng dẫn người nông dân đưa cây ô đầu vào
trồng để giúp họ thoát nghèo.