Mẹ bầu ăn trứng ngỗng sinh con thông minh?
Chưa có nghiên cứu chứng minh mẹ bầu ăn trứng ngỗng thì con thông minh, thay vào đó nên ăn đa dạng thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau xanh…
Dân gian thường cho rằng, mẹ bầu ăn trứng ngỗng sẽ sinh con thông minh. Một số bà mẹ bầu dù rất ngán loại trứng này nhưng vì con nên vẫn cố gắng “ăn lấy ăn để”.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giám đốc Y khoa miền Bắc, Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được lợi ích của trứng ngỗng đối với sự phát triển trí não của thai nhi. Thực tế, mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau và không có thực phẩm nào chứa đủ tất cả các chất dinh dưỡng.
Trước khi đi vào phân tích thành phần dinh dưỡng trứng ngỗng, Phó giáo sư Lê Bạch Mai so sánh trứng ngỗng và loại trứng quen thuộc hàng ngày là trứng gà ở một số khía cạnh như:
Xét về an toàn vệ sinh thực phẩm, trứng gà sạch hơn trứng ngỗng, vì gà đẻ trứng ở nơi khô ráo, nơi ít có vi khuẩn và ký sinh trùng. Ăn trứng gà hạn chế lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng hơn trứng ngỗng.
Xét về yếu tố khẩu vị, nhiều người nhận định trứng ngỗng khó ăn hơn các loại trứng khác vì có mùi nồng và lượng nhiều gây ngán lại khó tiêu hóa.
Xét về giá thành, trứng ngỗng đắt gấp 10 lần trứng gà.
Xét về giá trị dinh dưỡng, trong 100 gram trứng ngỗng có khoảng 13 gram protein, 14,2 gram lipid, 360 mcg vitamin A, 71 mg canxi, 210 mg phospho, 3,2 mg sắt, 0,15 mg vitamin B1, 0,3 mg vitamin B2, 0,1 mg vitamin PP…
So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (360 mcg so với 700 mcg trong trứng gà), vitamin A lại cần thiết cho phụ nữ mang thai. Trứng ngỗng có nhiều cholesterol và lipid là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch của phụ nữ mang thai bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp…
Dưới đây là bảng so sánh cụ thể.
So sánh thành phần dinh dưỡng trong trứng ngỗng và trứng gà | ||
Hàm lượng dinh dưỡng (100 gram) | Trứng ngỗng | Trứng gà |
Protein (gram) | 13 | 14,8 |
Lipid (gram) | 14,2 | 11,6 |
Vitamin A (mcg) | 360 | 700 |
Canxi (mg) | 71 | 55 |
Sắt (mg) | 3,2 | 2,7 |
Phó giáo sư Lê Bạch Mai chia sẻ thêm, không có sự khác biệt lớn về giá trị dinh dưỡng giữa trứng ngỗng và trứng gà. Trứng ngỗng cũng chỉ là một trong những nguồn thực phẩm cung cấp protein. Để bé phát triển toàn diện về thể chất và trí não, mẹ không chỉ ăn trứng mà cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và đúng cách.
Trong 3 giai đoạn thai kỳ mẹ bầu nên ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung đầy đủ các nhóm chất thiết yếu (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), nhất là tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu DHA, cholin, axit folic, axit béo… cần cho sự phát triển não bộ của trẻ. Cụ thể:
Ba tháng đầu thai kỳ: Theo nghiên cứu, não của thai nhi bắt đầu hình thành từ 3 tháng đầu của thai kỳ. Từ ngày thứ 18 của phôi thai, não đã có những mầm mống đầu tiên. Khi thai được 3 tháng tuổi, não đã có đủ các thành phần. Đặc biệt, vùng hồi hải mã (chức năng trí nhớ) phát triển trong khoảng tuần thai thứ 10 – 21.
Nếu cấu trúc não bộ của thai nhi bị tổn thương trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ để lại di chứng thần kinh không thể phục hồi. Giai đoạn này, mẹ cần rất nhiều dưỡng chất như axit folic, vitamin B6, vitamin B12, mangan, i-ốt, vitamin D, cholin, sắt, kẽm… trong các thực phẩm cá hồi, trứng, thịt bò, súp lơ, các loại đậu, trái cây có nhiều múi…
Ba tháng giữa thai kỳ: Đây là giai đoạn não bộ tăng trưởng nhanh. Vì thế, chế độ dinh dưỡng giai đoạn này cần cung cấp nhiều năng lượng và dưỡng chất giúp phát triển trí não. Lúc này, mẹ cần ưu tiên các nguồn thức ăn có hàm lượng đạm cao và có thêm chất béo như DHA – thành phần chủ yếu của các axit béo tham gia cấu tạo não bộ, hình thành màng tế bào thần kinh, tác động đến quá trình dẫn truyền thần kinh; lutein giữ vai trò phát triển nhận thức; choline cấu thành màng tế bào, tăng khả năng ghi nhớ; sắt cần thiết cho sự phát triển của các tế bào thần kinh và dẫn truyền tín hiệu; canxi cần cho sự tiếp nhận, dẫn truyền tín hiệu thần kinh… Mẹ bầu cần ăn đa dạng thực phẩm từ thịt, cá, trứng, sữa đến các loại rau xanh đậm, nấm, tảo biển…
Ba tháng cuối thai kỳ: Đây là giai đoạn não bộ thai nhi tăng trưởng nhanh nhất. Lúc này, kích thước và trọng lượng não tăng 6 lần so với lúc mới mang thai. Chế độ ăn của mẹ cần cung cấp nhiều năng lượng và dưỡng chất hơn nữa.
Dưới đây là bảng nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và một số chất dinh dưỡng cho mẹ mang thai (có sức khỏe bình thường).
Thời gian có thai | Trọng lượng bào thai |
Số cân mẹ bầu cần tăng (kg) |
Nhu cầu của người mẹ về các chất dinh dưỡng hằng ngày | ||||
Năng lượng (kcal) | Chất bột đường (gram) | Chất đạm (gram) |
Chất béo (gram) |
Chất xơ (gram) | |||
3 tháng đầu | 100 gram | 0 – 1 | 2.100 | 300 – 370 | 61 | 46,5 – 58,5 | 28 |
3 tháng giữa | 1 kg | 4- 5 | 2.300 | 325 – 400 | 70 | 52,5 – 64,5 | 28 |
3 tháng cuối | 2 kg | 5 -6 | 2.500 | 385 – 430 | 91 | 60 – 72 | 28 |
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai chia sẻ, mang thai, sinh con là một hành trình thiêng liêng nhưng cũng rất khó khăn của người phụ nữ. Để bé yêu chào đời khỏe mạnh, thông minh, mẹ bầu cần giữ gìn sức khỏe bản thân bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, vận động hợp lý và đặc biệt, cần có chế độ dinh dưỡng khoa học trong suốt thai kỳ.
Bên cạnh lịch khám thai định kỳ với bác sĩ sản khoa, mẹ bầu cần có sự hỗ trợ dinh dưỡng từ các chuyên gia dinh dưỡng trong suốt thai kỳ, từ việc kiểm tra bổ sung vi chất đến xây dựng thực đơn khoa học, hướng dẫn chế biến đúng cách cũng như tư vấn vận động để tăng cường hấp thu dưỡng chất…