Một nửa hành trình của Gia Hân: Cô bé 7 tuổi hồi sinh từ lá gan của cha trong ca ghép 100% "made in Vietnam"
“Ba mẹ ơi, cứu con…”
300 triệu, đó là số tiền mà chị Lộc cầm cố, đứng ra vay mượn ngân hàng, bạn bè, bà con để có đủ kinh phí giúp đứa con tội nghiệp Hoàng Gia Hân có cơ hội được tiếp tục cuộc sống.
Sau khi nhận một phần lá gan từ cha, Gia Hân đang dần hồi phục sức khỏe, ăn uống đều rất tốt
Không may mắn như những đứa trẻ bình thường khác, từ khi mới lọt lòng mẹ, Gia Hân đã mắc phải chứng bệnh teo đường mật. Trải qua đợt phẫu thuật từ lúc 2 tháng tuổi, đứa trẻ yếu ớt lớn lên từng ngày trong sự bao bọc, chăm sóc của gia đình.
Nhưng rồi niềm vui chỉ vỏn vẹn kéo dài được 4 năm. Bước sang tuổi thứ 5, các cơn đau liên tục ập đến, giày xéo cơ thể bé nhỏ của Gia Hân. Trong một lần thăm khám tại BV Nhi đồng 2, các bác sĩ cho biết Gia Hân không thể trì hoãn được nữa, cần phải chuẩn bị mọi thứ để tiến hành ghép gan. Đó là hi vọng sống cuối cùng của đứa trẻ.
7 tuổi, Gia Hân đã trải qua rất nhiều đau đớn mà căn bệnh bẩm sinh gây ra cho em
Nhưng mà ngoài việc tìm lá gan tương thích, chi phí của ca phẫu thuật ít nhất cũng phải 400 triệu đồng khiến ba mẹ bé chết lặng.
Trong không gian rộng lớn của bệnh viện, người mẹ trẻ òa khóc, tự trách chính bản thân mình khi không thể xoay xở được để lo cho con. “Nhiều lần, 2 vợ chồng muốn từ bỏ, nhưng mà con bé cứ nói với ba, nó ước được sống, được khỏe mạnh, nó mơ thấy ba lấy tiên đơn cứu nó… chị không cầm lòng được, bằng mọi giá phải cứu sống con”, chị Lộc rớt nước mắt.
Người mẹ xúc động khi nhắc đến lời tâm sự của đứa con gái nhỏ trước khi vào phòng mổ
Cũng nhờ có sự động viên của các y bác sĩ, sau nhiều lần gom góp, vay mượn với hi vọng dồn tất cả mọi điều tốt nhất trong khả năng của mình để giúp Gia Hân được sống tiếp, ngày 1/12, đứa trẻ chính thức bước vào phòng phẫu thuật.
Sau 12 tiếng kéo dài, một phần lá gan của anh Hòa (ba Gia Hân) đã đưa vào cơ thể của đứa con gái nhỏ thành công.
Bác sĩ Trần Thanh Trí – Trưởng Khoa Gan Mật Tuỵ chia sẻ về ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng của Gia Hân
Theo chia sẻ của các y bác sĩ, thời điểm trước khi tiến hành ghép gan, sức khỏe của Gia Hân khá yếu. Bé bị xơ gan, tăng áp cửa dẫn đến xuất huyết tiêu hóa 4 lần chỉ trong vòng 2 tháng, vì vậy chỉ có ghép gan gấp mới mang lại hi vọng sống cuối cùng cho bé. Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch Covid-19, ca phẫu thuật với đội ngũ ê-kíp 100% lần đầu tiên toàn y bác sĩ Việt Nam đã diễn ra tại BV Nhi đồng 2, TP.HCM.
Sự hồi sinh “một nửa”
Chúng tôi tạm gọi sự hồi sinh của Hoàng Gia Hân là “một nửa” bởi chặng đường phía trước của con, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề điều trị hậu phẫu.
Nụ cười của Gia Hân, lúc nào cô bé cũng lạc quan, yêu đời
Sau 20 ngày diễn ra ca ghép gan, cơ thể bé nhỏ của Gia Hân vẫn còn chằng chịt ống kim tiêm, đường truyền. Dù rất mệt mỏi nhưng cô bé vẫn cố nhoẻn miệng cười khi thấy các y bác sĩ, điều dưỡng vào thăm.
Đứng lặng một góc nhìn con gái qua tấm cửa kính, chị Nguyễn Thị Lộc không cầm được nước mắt. Chị không nghĩ rằng có một ngày, đứa con gái nhỏ của mình lại có thể cười đùa, tạm rời xa những cơn đau bất chợt bám víu lấy cơ thể con suốt ngần ấy năm trời.
Vẻ đáng yêu, hồn nhiên của đứa trẻ 7 tuổi sau khi vừa vượt ải tử thần, nuôi hi vọng được sống tiếp
Nhiều năm trước, 2 vợ chồng chị Lộc rời Đồng Nai để vào TP.HCM lập nghiệp. Do không có tài sản, đất đai, nên 2 vợ chồng chỉ biết làm thuê, ai kêu gì làm nấy để nuôi 3 đứa con thơ dại. Vì Gia Hân mắc bệnh bẩm sinh nên chị Lộc phải ở nhà chăm sóc cho con, gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên đôi vai của anh Hòa bằng công việc tài xế giao hàng.
Ở nhà, chị Lộc phụ chồng buôn bán tạp hóa nhỏ để trang trải phí sinh hoạt. Làm lụng suốt mấy năm trời, số tiền mà 2 vợ chồng gom góp được cũng chỉ vỏn vẹn hơn 50 triệu đồng. Trong khi chi phí của ca phẫu thuật lên đến 400 triệu.
Thương đứa con gái nhỏ đã sớm chịu thiệt thòi, với tất cả tình thương của bậc làm cha mẹ, những gì bán được, cầm cố được, hai vợ chồng chị Lộc đều làm tất cả để đánh cược với cuộc đời, hi vọng đem lại sự sống cho con.
“Chị vẫn chưa biết làm sao để có thể kiếm tiền trả nợ, lúc đó chỉ biết vay mượn để ghép gan cho con. Các bác sĩ nói sau khi phẫu thuật, bé cần phải chăm sóc kỹ lưỡng, giờ thì tới đâu hay tới đó…”, chị Lộc bật khóc.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi đồng 2 cho biết do Gia Hân suy dinh dưỡng nặng nên việc nâng đỡ thể trạng trước đó rất khó khăn. Việc dinh dưỡng sau mổ để vết thương lành nhanh, không tác động quá nhiều lên đường mật sau mổ cũng là vấn đề lớn, cần thay đổi thực đơn liên tục để bé không chán ăn. May mắn là Gia Hân rất ngoan, hiểu chuyện nên các y bác sĩ cũng hi vọng vào sự tiến triển tốt của con.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu chia sẻ về trường hợp của Gia Hân
Điều mà các y bác sĩ cũng như gia đình bệnh nhi lo lắng nhất chính là môi trường sống của bé. Căn nhà xập xệ, ẩm ướt mà cả gia đình bé đang ở không đủ điều kiện để Gia Hân có thể điều trị sau khi xuất viện. Tuy nhiên, với việc cả 2 ba con đều nhập viện để tiến hành ca ghép gan, số tiền vay mượn đã quá lớn, không biết đến khi nào mới trả nổi khiến chị Lộc rơi nước mắt.
“Nhìn thấy con đang dần khỏe mạnh, tự ăn uống, chập chững đi lại được chị mừng lắm. Nhưng mà với hoàn cảnh gia đình hiện tại, chị không biết tính sao để giúp con an toàn sau hậu phẫu”, chị Lộc xúc động.
Hành trình phía trước của Gia Hân còn rất nhiều khó khăn, mong rằng con đủ duyên lành để được sống và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác
Có lẽ hơn ai hết, chị Lộc hiểu được rằng sự sống của Gia Hân chỉ vừa được nhen nhóm. Phía trước bé, phía trước gia đình vẫn còn một chặng đường dài… Nỗi lo cơm áo gạo tiền, gánh nặng nợ nần, chi phí tái khám và điều trị cho Gia Hân vẫn còn bỏ ngỏ.
Đưa đôi tay lau vội nước mắt, chị Lộc lặng lẽ rời khỏi phòng bệnh, lững thững bước về phía cuối hành lang bệnh viện, xót xa…
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình Gia Hân, mong rằng quý độc giả gần xa có thể quan tâm, hỗ trợ để con có thêm cơ hội được điều trị một cách tốt nhất.
Mọi đóng góp xin gửi về: Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo – Phòng Công tác xã hội, BV Nhi đồng 2, TP.HCM.
Điện thoại: 0908778175 (chị Thu Ngân) và 0907507099 (chị Cẩm Tường).
Số điện thoại của chị Lộc (mẹ Gia Hân): 0704441159.
Hoặc chuyển khoản qua số tài khoản: 119.000.176.596, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, chi nhánh tại TP.HCM.
Tên tài khoản: Bệnh viện Nhi đồng 2.
Khi chuyển khoản ghi rõ: Giúp đỡ Gia Hân.
Xin chân thành cảm ơn!
Ca ghép gan đầu tiên 100% “made in Vietnam”
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2 – cho biết đây là ca ghép gan thành công đầu tiên của BV với ê-kíp toàn đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam. Trước đây, các ca ghép gan luôn có đoàn GS đến từ Bỉ trực tiếp hỗ trợ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm qua, việc chờ đợi sự hỗ trợ của ê-kíp nước ngoài khiến nhiều trẻ em chờ ghép tạng đã mãi mãi ra đi, để lại sự đau lòng, tiếc nuối cho bác sĩ, bức bối cho bệnh viện.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2 chia sẻ về ca ghép gan thứ 15 của BV
Việc ghép gan thành công cho Gia Hân từ một phần lá gan của người cha không chỉ mở ra một hành trình mới cho đứa trẻ 7 tuổi mà còn đánh dấu sự tự chủ trong việc ghép gan ở khu vực phía Nam, không cần sự hỗ trợ từ ê-kíp nước ngoài.
TS.BS Thạch cho biết, BV Nhi đồng 2 là Trung tâm ghép tạng duy nhất ở trẻ em khu vực phía Nam, tính đến nay BV đã thực hiện 20 ca ghép thận (ca đầu tiên vào năm 2004) và 15 ca ghép gan (ca đầu tiên vào năm 2005).
Việc số ca ghép tạng còn ít là do khó khăn ở người cho tạng, nguồn tạng từ người còn sống và chung huyết thống hạn chế. Nguồn tạng từ người cho chết não nhiều, khả quan nhưng nhận tạng ở trẻ em có nhiều khó khăn về hòa hợp mô tạng, kỹ thuật… Hơn nữa, việc ghép tạng cũng đòi hỏi nhiều kinh phí. Với sự thành công sau ca phẫu thuật của bé Gia Hân, đây được xem là một bước tiến mới, giúp BV tự chủ trong việc thực hiện ghép tạng.
Giáo sư Đông A cho biết để thực hiện phẫu thuật này cần một đội ngũ nhân viên y tế lành nghề với nhiều chuyên khoa khác nhau: Phẫu thuật viên, gây mê, hồi sức, nội khoa gan mật, điều dưỡng… hiện nay chúng ta đã và đang dần xây dựng đội ngũ này
“Trong tương lai, chúng tôi hướng tới lấy gan ở người lớn, lấy gan và tách gan ở người cho chết não. Bệnh viện đã gửi qua Bỉ một bác sĩ học chuyên về ghép gan, mong muốn chương trình ghép tạng sẽ trở nên thường quy, đội ngũ y bác sĩ đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật này“, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2 thông tin.