NASA công bố phát hiện chấn động: Trên Mặt trăng có NƯỚC
Như đã đưa tin, NASA tổ chức một cuộc họp báo cuối ngày 26/10 để công bố một phát hiện hết sức quan trọng về Mặt trăng. Mà nó quan trọng thật, bởi họ đã tìm ra những bằng chứng cho thấy sự tồn tại của NƯỚC ngay trên vệ tinh lâu đời nhất của Trái đất.
Trên thực tế, với việc không có khí quyển để bảo vệ khỏi sự tấn công của Mặt trời, khoa học đã luôn tin rằng bề mặt của Mặt trăng cực kỳ khô hạn. Quan niệm ấy tồn tại đến thập niên 1990, khi một vệ tinh phát hiện ra băng tại miệng núi lửa gần 2 cực của Mặt trăng, nhưng không thể tiếp cận.
Mặt trăng có nước – khoa học xác nhận như vậy
Đến năm 2009, máy quang phổ trên tàu vũ trụ Chandrayaan-1 của Ấn Độ đã tìm thấy ánh sáng phản chiếu “có khả năng” là dấu hiệu của nước trên Mặt trăng. Tuy nhiên, do hạn chế về kỹ thuật, khoa học đã không thể biết được đó thực sự là phân tử nước (H2O) hay chỉ là hydroxyl (OH) trong các khoáng chất thôi.
Nhưng giờ thì chúng ta đã có câu trả lời. Casey Honniball từ Trung tâm Bay Không gian Goddard của NASA tại Maryland (Mỹ) cùng các cộng sự đã xác định được dấu hiệu hóa học của H2O, bằng cách phân tích sóng ánh sáng phản chiếu trên bề mặt vệ tinh. Dữ liệu được thu thập từ chương trình SOFIA (Máy bay Khảo cứu tầng bình lưu dành cho Thiên văn học hồng ngoại), được đặt trong một chiếc Boeing 747 lơ lửng ở độ cao 11km, tại tầng bình lưu của hành tinh
Các chuyên gia xác định được nước tồn tại ở các vĩ độ cao gần cực nam của Mặt trăng, với một lượng rơi vào khoảng 100 – 400 phần triệu H2O. “Nó khá nhiều đấy,” – Mahesh Anand, giáo sư khoa học và khám phá hành tinh tại ĐH Open (Milton Keynes, Anh). “Nó ngang ngửa với lượng nước hòa tan trong dung nham tràn ra giữa lòng đại dương của Trái đất, có thể thu hoạch và tạo ra nước lỏng trong điều kiện nhiệt độ và áp suất phù hợp.”
Việc xác định nước tồn tại trên Mặt trăng sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nhiệm vụ trong tương lai. Chẳng hạn, phi hành gia có thể tận dụng nó để uống, tách oxy với hydro để dùng cho động cơ đẩy, hoặc lấy oxy để hô hấp. “Nước thực sự là một tài nguyên rất đắt giá trong vũ trụ,” – Anand cho biết.
Tuy nhiên, để lấy được số nước này thì không đơn giản. Việc lấy nước từ các khu vực tăm tối với địa hình dốc (nơi được cho là có nhiều nước đóng băng), nhiệt độ hiếm khi vượt quá âm 230 độ C thực sự vẫn đang là bất khả thi.
“Nếu phát hiện có nhiều nước ở các khu vực không tối vĩnh viễn, đó sẽ là tiềm năng rất lớn vì có thể tiếp cận chúng khi Mặt trời chiếu vào,” – Ian Crawford, giáo sư ĐH London chia sẻ.
Dĩ nhiên, vẫn còn những câu hỏi cần phải giải đáp. Đầu tiên là dạng tồn tại của nước trên Mặt trăng là gì. Các chuyên gia cho biết có khả năng đây chỉ là nước hòa lẫn trong các mảnh “kính Mặt trăng” (lunar glass – tạo ra khi thiên thạch va vào bề mặt Mặt trăng). Khả năng khác là các mảnh tinh thể băng bị phân bổ trong nền đất của Mặt trăng. Nhìn chung nếu là khả năng thứ 2, việc thu thập sẽ dễ dàng hơn.
Câu hỏi tiếp theo là quy mô và phạm vi của số nước này là đến đâu. Nếu nó chỉ ở vài micron hoặc milimet trên bề mặt, tính ứng dụng sẽ là rất nhỏ, trong khi các nhà khoa học lại phải đau đầu tìm hiểu xem tại sao lại có số nước “nhỏ xinh” ấy tồn tại.
Cách thực tế nhất để tìm ra câu trả lời này là tự lên Mặt trăng và tiến hành đào bới – nhiệm vụ này có lẽ sẽ được thực hiện trong vài năm tới. Vấn đề là đào ở đâu? Các khu vực tối vĩnh viễn có thể là lựa chọn tốt nhất, bởi nước ở đó sẽ được bảo vệ khỏi ánh sáng Mặt trời.
Sử dụng các dữ liệu hình ảnh từ vệ tinh, chuyên gia Paul Hayne từ ĐH Colorado và cộng sự đã đánh dấu sự phân bổ của các miệng núi lửa có khả năng giữ nước, với diện tích ước tính tổng cộng 40,000 km2. Dù chỉ chiếm 0,15% diện tích bề mặt của Mặt trăng, nó cũng giúp giảm được mâu thuẫn về quyền lợi không gian của các quốc gia hiện nay.
Nguồn: The Guardian