Ngôi làng như "chết chìm" trong biển tro bụi núi lửa, cảnh tượng hoang tàn chẳng khác gì tận thế

Vào lúc này, khung cảnh tại các ngôi làng phía đông đảo Java (Indonesia) thực chẳng khác địa ngục.

Ngày 4/12, núi lửa Semeru bùng nổ, đẩy một lượng lớn tro bụi và khí độc trùm lên các ngôi làng thuộc tỉnh Lumajang, đồng thời giết chết và làm bị thương vô số người dân. Đến ngày 7/12, công tác cứu hộ vẫn đang được thực hiện. Các nhân viên miệt mài đào qua lớp tro dày đặc và nóng bỏng hòng tìm ra người sống sót.

Con số tử vong hiện tại đã là 34 người – theo thông báo của Đại tá Irwan Surbekti, người phụ trách chiến dịch giải cứu người dân. 

Trước đó vào ngày 6/12, Hội đồng quản lý Thiên tai Quốc gia (BNPB) cho biết hơn 2000 người đã phải di tản đến 19 cơ sở trú ẩn khác nhau. Sau vụ phun trào, gần 3000 ngôi nhà và 38 trường học đã bị hư hại nặng nề. Tro bụi cũng đã phá hủy cây cầu nối Lumajang với tỉnh Malang lân cận, khiến nhiều tuyến đường chính bị tắc nghẽn và làm cản trở công tác cứu hộ. 

Sáng ngày 6/12, tình nguyện viên Maulana Ardiansyah tìm thấy 3 thi thể: 1 nam, 1 nữ và 1 đứa trẻ bị chôn lấp dưới lớp dung nham đã nguội lạnh ở làng Kampung Renteng. Ardiansyah cho biết công tác cứu hộ trở nên chậm trễ hơn nữa do cơn mưa lớn ập đến sau đó, và đám mây khí độc do núi lửa tạo ra – thứ được cho là còn nguy hiểm hơn cả dung nham. 

“Mây khí độc từ núi lửa là rất nguy hiểm. Thời tiết tại đây cũng rất tệ, nó tăm tối và có mưa.”

Và như đã nói, khung cảnh tại các ngôi làng ở hiện trường lúc này trông thực sự kinh khủng.

Đội cứu hộ đang đưa nạn nhân ra ngoài

Khung cảnh điêu tàn của ngôi làng, với lớp tro dày đặc phủ kín mọi thứ

Người dân tại một trung tâm di tản, mang theo những giọt nước mắt sợ hãi, đau xót

Một người dân kiểm tra thi thể gia súc chết trong vụ phun trào

Đôi chân của một nạn nhân bị vùi lấp bởi tro bụi

Có những ngôi nhà bị vùi đến phân nửa

Các video hiện trường được chia sẻ vào ngày 6/12 cho thấy lớp tro bụi kéo dài hàng dặm. Ngôi làng hiện tại hoàn toàn trở nên hoang phế, với nhiều ngôi nhà và phương tiện chìm sâu trong lớp tro. 

Chính phủ Indonesia cho biết họ đang gấp rút chuẩn bị tái định cư cho những dân làng mất nhà cửa trong vụ phun trào, với hỗ trợ về tài chính trong lúc phải đi sơ tán.

Indonesia nằm giữa một Vành đai Lửa bao quanh lưu vực Thái Bình Dương, nơi có hoạt động địa chất và núi lửa hết sức lớn mạnh. Tháng 1/2021, núi Merapi tại đảo Java cũng từng phun trào, tạo ra cột tro bụi khiến nhà chức trách phải cảnh báo khẩn cấp.

Vụ phun trào gây thiệt hại to lớn trong thập niên gần đây nhất diễn ra vào năm 2010, khiến 350 người tử vong.

Nguồn: CNN