Người phụ nữ khóc nức nở trong phiên tòa xét xử tội "cằn nhằn" chồng

Câu chuyện phía sau hành động kỳ lạ và những giọt nước mắt của người phụ nữ này đã thu hút sự chú ý của dư luận Indonesia suốt thời gian qua.

Giống như hầu hết các phiên tòa xét xử diễn ra ở nhiều nơi, phiên tòa hôm 3/12 mới đây tại Tòa án quận Karawang ở Tây Java, Indonesia, cũng mang một bầu không khí nặng nề không kém. Khi thẩm phán tuyên bố… trắng án cho người phụ nữ nội trợ Nengsy Lim, bí danh Valencya, trước cáo buộc bạo hành gia đình, người mẹ 45 tuổi của 2 đứa con đã gục xuống khóc nức nở, đội ngũ hỗ trợ pháp lý của cô đã phải đứng ra giúp đỡ…

Lim quỳ gục xuống khóc nức nở khi được tòa tuyên bố vô tội.

Câu chuyện phía sau hành động kỳ lạ và những giọt nước mắt của người phụ nữ này đã thu hút sự chú ý của dư luận Indonesia suốt thời gian qua.

Lim đã đối mặt với nguy cơ phải ngồi tù ít nhất 1 năm sau khi cô bị buộc tội theo luật bạo lực gia đình của Indonesia. Tội danh của cô là: cằn nhằn chồng mình khiến anh ta bị tổn thương tâm lý.

Công tố viên cho biết Lim “thường xuyên mắng nhiếc chồng, anh Chan Yung Chin, một cách cay nghiệt và đuổi anh ta ra khỏi nhà”. Anh Chin, một người gốc Đài Loan, đã trình báo sự việc và tố cáo vợ với nhà chức trách vào tháng 9/2020.

Lim cho biết chồng mình thường say xỉn, bỏ mặc vợ con và có hành vi bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, về phía Lim, cô khẳng định rằng chồng mình thường say xỉn, bỏ mặc vợ con và có hành vi bạo lực gia đình.

Câu chuyện này có thể đã diễn ra theo cách rất khác nếu truyền thông địa phương và mạng xã hội Indonesia không quan tâm vụ việc.

Cụ thể, sự việc của Lim làm dấy lên một chiến dịch trực tuyến phản đối “tiêu chuẩn kép” của cơ quan chức năng. Nhiều người cảm thấy “nực cười” khi một trường hợp vợ “cằn nhằn” chồng được các nhà chức trách xử lý với tốc độ tương đối nhanh, trong khi các nữ nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình về thể xác và tình dục ở Indonesia thì thường xuyên phải lên tiếng phàn nàn về việc không được hỗ trợ đầy đủ.

Zuma, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Pháp lý của Hiệp hội Phụ nữ Indonesia vì Công lý, cho biết: “Sự việc được lan truyền vì sự chú ý của công chúng. Nhân dịp này, chúng tôi phải cảm ơn các phương tiện truyền thông vì đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về quyền phụ nữ”.

Hơn 7.000 người đã ký vào một bản kiến nghị trực tuyến với hashtag #savevalencya kêu gọi trả tự do cho cô Lim.

Elizabeth Ghozali, giảng viên khoa Luật hình sự tại Đại học Công giáo Santo Thomas ở Medan, cho biết: “Indonesia vẫn là một xã hội gia trưởng và bạo lực gia đình thường bị coi là vấn đề riêng tư. Luật bạo lực gia đình của Indonesia chấp nhận các nạn nhân nhưng nó không cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ nhất có thể”.

Ảnh minh họa.

Giống như nhiều nơi trên thế giới, bạo lực gia đình được cho là ít được báo cáo ở Indonesia. Vào tháng 3 năm 2021, Ủy ban Quốc gia về Bạo lực Đối với Phụ nữ (Komnas Perempuan) phát hiện ra rằng có 8.234 trường hợp bạo lực đối với phụ nữ được ghi nhận vào năm 2020.