Nhiều người có khả năng bị phạt chỉ vì 1 hành động liên quan đến sự việc của Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh
Gần đây, kênh TikTok ‘Diễn viên Hồng Đăng’ gây xôn xao dư luận khi tung tin nam diễn viên về nước. Sau khi bị dân mạng phản ánh, phía này âm thầm gỡ sạch nội dung cũng như thay đổi tên tài khoản. Tuy nhiên, theo luật sư Trần Viết Hà, dù phi tang dấu vết nhưng việc tung tin giả hoàn toàn có thể truy cứu.
Hôm 3.7, tài khoản TikTok “Diễn viên Hồng Đăng” gây bão khi thông báo anh đã về Việt Nam. Đoạn clip nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận và thu về lượng tương tác khủng. Đi kèm đó còn có loạt nội dung gây tranh cãi như: “Hồng Đăng sẽ trở lại. Hãy tin tưởng mình”, “Hồng Đăng sẽ khởi kiện những người tung tin đồn, chính anh là kẻ bị gài bẫy”, “Đăng đang bị gài bẫy bởi người Việt chứ không phải Tây”…
Dù tự xưng là “diễn viên Hồng Đăng” nhưng chủ tài khoản nhanh chóng bị cộng đồng mạng “vạch mặt”. Người dùng TikTok đã tung nhiều bằng chứng cho thấy loạt video chỉ là sản phẩm cắt ghép từ livestream của Hồng Đăng trước đó.
Bên cạnh đó, diện mạo của anh trong các clip được lan truyền rất khác so với hiện tại. Sau khi bị dân mạng phản ứng vì tung tin giả, đến sáng 5.7, chủ tài khoản đã gỡ sạch nội dung liên quan đến Hồng Đăng. Phía này còn đổi tên và hình đại diện để tránh né dư luận.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hành vi này có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng cũng như ngồi tù nếu người liên quan tố cáo.
Cụ thể, vị này phân tích: “Người có hành vi tung tin giả thông tin liên quan đến diễn viên Hồng Đăng hay Hồ Hoài Anh có thể bị phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…”. Trong đó, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15, mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Như vậy, người tung tin giả nếu là cá nhân thì bị phạt hành chính từ 5 – 10 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Viết Hà cũng nói thêm nếu người được đề cập trong video cho rằng đó là thông tin sai sự thật thì có thể làm đơn tố cáo về hành vi vu khống và làm nhục.
Nam luật sư chia sẻ: “Theo đó, với tội Làm nhục được quy định tại Điều 155 bộ Luật hình sự năm 2015, nếu như dùng Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì khung hình phạt từ 3 tháng – 2 năm. Với tội Vu Khống được quy định tại Điều 156 bộ Luật hình sự năm 2015, nếu như dùng Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì khung hình phạt từ 1-3 năm”.
Mở rộng vấn đề này, luật sư Trần Viết Hà cũng nói thêm việc các đối tượng tung tin giả sau đó xóa, ẩn video hoàn toàn có thể bị truy cứu. “Việc xóa và gỡ video không phải yếu tố miễn truy cứu và không xử phạt trong trường hợp này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người bị thiệt hại cho rằng đó là thông tin sai sự thật thì có thể nhờ đơn vị Thừa Phát Lại lập vi bằng lại toàn bộ các video, clip sai sự thật để bảo đảm việc tố cáo về sau”, luật sư Trần Viết Hà nói.
Ngoài ra, căn cứ Khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người đăng tin sai sự thật buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với người bị hại. Trường hợp nếu đối tượng trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội làm nhục, hay vu khống thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án buộc những người đưa tin giả, sai sự thật phải công khai, đính chính và xin lỗi trên các nền tảng của mình.