Những ảo ảnh quang học khiến bạn mất niềm tin vào mắt mình

Nếu bạn đã có một năm 2021 đầy mệt mỏi, thì những tác phẩm lọt vào vòng chung kết của cuộc thi Best Illusion of the Year sẽ khiến bộ não bạn thêm quá tải.

Đây là cuộc thi thường niên mà những nhà thần kinh học tài năng, nhà khoa học thị giác, bác sĩ nhãn khoa và nghệ sĩ đã cùng nhau tạo ra các ảo ảnh quang học tuyệt vời nhất, khiến người xem phải tự hỏi rằng liệu não của mình có còn bình thường không.

Giải nhất: The Phantom Queen (Matt Pritchard)

The Phantom Queen

Vị trí đầu tiên trong cuộc thi năm nay thuộc về Matt Pritchard của Vương quốc Anh, người đã sử dụng một chiếc gương và một bàn cờ tưởng như bình thường để tạo ra ảo ảnh về một quân Hậu trắng trên bàn cờ, mà chỉ có thể nhìn thấy trong chiếc gương đối diện.

Bí mật nằm ở một mảnh giấy vẽ hình bàn cờ, nằm ở vị trí che đi quân cờ khi nhìn từ phía trước đồng thời cũng bị lộ trong ảnh phản chiếu.

Giải nhì: The Changing Room Illusion (Michael A. Cohen)

The Changing Room Illusion

Vị trí thứ hai trong cuộc thi năm nay thuộc về Michael A. Cohen của Đại học Amherst và MIT, mà sẽ khiến bạn mất niềm tin vào đôi mắt của mình.

Video thể hiện một hiệu ứng thay đổi chậm, trong đó người quan sát không thể nhận thấy những thay đổi của thế giới xung quanh khi những thay đổi đó diễn ra dần dần.

Trong khoảng một phút, hình ảnh một căn phòng đã thay đổi nhiều chi tiết, nhưng hầu hết những thay đổi đó không đáng chú ý cho đến khi bạn xem hình ảnh trước và sau cho thấy sự khác biệt rõ rệt.

Giải ba: The Double Ring Illusion (Dawei Bai và Brent Strickland)

The Double Ring Illusion

Dawei Bai và Brent Strickland đã giành vị trí thứ ba trong cuộc thi năm nay với một ảo ảnh chứng minh não bộ có thể ảnh hưởng đến cách mắt chúng ta nhìn nhận mọi thứ.

Khi hai vòng tròn quay được đặt cạnh nhau nhưng không chạm vào nhau, cả hai vòng dường như quay liên tục 360°. Nhưng khi các vòng chồng lên nhau, dường như chúng chỉ quay 180° rồi bật qua lại, vì bộ não của chúng ta cho rằng các vòng là vật thể rắn không bao giờ có thể đi xuyên qua nhau.

Giải khuyến khích: Crocs & Socks (Pascal Wallisch và Michael Karlovich)

Crocs & Socks

Ảo giác Crocs & Socks của Pascal Wallisch và Michael Karlovich gợi nhớ đến tấm ảnh “chiếc váy có màu gì?” khét tiếng từng là cuộc tranh luận của năm 2015. Trong ánh sáng bình thường, mọi người nhìn thấy một đôi Crocs màu hồng đi với tất trắng, là màu thật của chúng. Nhưng dưới ánh sáng màu xanh lá cây, thầu hết người quan sát sẽ thấy Crocs có màu xám.

Giải khuyến khích: Emergent City Flyby with Colossus (Christopher Tyler và David Phillips)

Emergent City Flyby with Colossus

Thị giác của con người chủ yếu phụ thuộc vào việc nhìn thấy các cạnh của vật thể để phân biệt cấu trúc hoàn chỉnh của chúng trong không gian 3D, nhưng thị sai chuyển động (các vật thể ở gần hơn có vẻ di chuyển nhanh hơn so với các vật thể xa) cũng cung cấp nhiều manh mối hữu ích cho thị giác của chúng ta, như Christopher Tyler và David Phillips đã chứng minh.

Khi bị tạm dừng, video này dường như chỉ là một ảnh các chấm trắng ngẫu nhiên, nhưng khi chuyển động, bộ não của chúng ta thay vào đó nhìn thấy một thành phố rộng lớn bao gồm các tòa nhà vô tận và một cái đầu khổng lồ trên bầu trời đêm ở phần cuối.

Giải khuyến khích: Oh La La Box (Olivier and Chloe Redon)

Oh La La Box

Nhìn từ xa, có vẻ như nó là một chiếc hộp hình vuông màu đỏ, nhưng khi thay đổi góc nhìn, bạn sẽ thấy chiếc hộp hình vuông này biến thành hai lớp giấy nằm chồng lên nhau.

Giải khuyến khích: Slime Hand (Yutaro Sato, Kento Imai and Kenri Kodaka)

Slime Hand

Đây là ảo giác khi một người tin rằng tay của mình đang bị tác động một cách nguy hiểm, trong khi nó vẫn nằm an toàn sau tấm chắn. Với Slime Hand thì ảo giác này được thay đổi một chút khi khiến người tham gia có cảm giác như da tay đang bị kéo rời ra.

Giải khuyến khích: Rising Object Illusion (Kokichi Sugihara)

Rising Object Illusion

Kokichi Sugihara đã nhiều lần giành giải Best Illusion of the Year trong quá khứ. Năm nay, chúng ta tiếp tục bị đánh lừa bởi các hình ảnh phản chiếu của vật thể, và trong trường hợp này làm cho các vật thể đang nằm nhưng lại trở thành đứng thẳng trong gương.

Giải khuyến khích: Cubic Confusion (Michael Cheshire)

Cubic Confusion

Thông qua việc sử dụng khéo léo các lớp vân gỗ với mức độ sơn đậm nhạt khác nhau, Michael Cheshire đã tạo ra một mô hình 2D nhưng xuất hiện trước mắt người xem như một hình khối 3D phức tạp.

Tham khảo: Gizmodo