Những hoạt động giúp các loài động vật duy trì nòi giống
Tìm bạn tình và giao phối là hoạt động giúp các loài động vật duy trì nòi giống. Mỗi loài động vật lại có một cách tán tỉnh riêng, trong đó có những phương thức có 1-0-2 khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Bắn “phi tiêu tình yêu”
Trong bức ảnh ở trên, có thể thấy ngay bên cạnh cuống mắt loài ốc sên trên cạn (tên khoa học: Cornu aspersum) có một vật thể nhỏ rất đặc biệt. “Cấu trúc” nhỏ bé đó được bạn tình của nó đẩy sang, đồng thời vật thể này cũng truyền chất nhầy đặc biệt giúp nó nhận được một “gói” tinh trùng đầy ắp.
Ốc sên trên cạn là động vật lưỡng tính, cơ thể của chúng có cơ quan sinh dục của cả hai giống đực và cái. Thế nên thay vì cạnh tranh với nhau để quyết định cá thể nào là đực, cá thể nào là cái thì những con ốc sên này đều có thể thụ tinh cho nhau và chúng đều có “phi tiêu tình yêu” dùng để “trao yêu thương” vào cơ thể của bạn tình.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The American Naturalist năm 2006, trước khi “hành sự” chúng sẽ dùng bụng vuốt ve nhau một lúc. Đến khi chính thức giao phối, một số loài ốc sên chỉ bắn một “phi tiêu” một lần, số khác lại tiêu tốn “phi tiêu” liên tục trong gần một giờ đồng hồ.
Trồng cây si
Khác với cách thức thô bạo của loài ốc sên trên cạn, hươu cao cổ đực lại tỏ ra là một loài rất “tâm lí” vì khi muốn giao phối, chúng sẽ đợi đến khi bạn tình của mình sẵn sàng rồi mới bắt đầu. Hươu đực thu hút sự chú ý của con cái bằng cách kiên nhẫn chờ đợi và sau khi con cái “mủi lòng” chấp thuận, nó sẽ… tiểu vào mồm con đực, đồng thời khẳng định chủ quyền bằng cách quấn cái cổ dài vào với bạn đời của chúng.
Tiêm hormone sinh dục
Sên biển Hermaphrodite cũng là loài mang trong mình cả cơ quan sinh dục đực và cái. Khi hai con sên biển gặp nhau và sẵn sàng giao phối, chúng sẽ dùng bộ phận sinh dục ngoài giống như cây kim đâm vào giữa mắt, đồng thời tiêm chất dịch cơ thể có chứa hormone sinh dục vào bạn tình của mình.
Trong một bài luận có tên Proceedings of the Royal Society B ra mắt vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã mô tả hành vi này là “vô cùng độc đáo”. Tuy nhiên, họ cũng chưa nghiên cứu ra lý do tại sao sên biển lại chọn nơi này để giao phối. Họ suy đoán rằng dịch cơ thể được tiêm trực tiếp vào mô mềm sẽ có thể làm tăng xác suất thụ tinh thành công.
Cần cù bù “xấu xí”
“Vòng tròn bí ẩn” trong bức ảnh trên có đường kính khoảng 2,1m, xuất hiện ở vùng biển Nhật Bản. Năm 1995, những người thợ lặn lần đầu tiên nhìn thấy mô hình đối xứng tuyệt vời này và phát hiện ra tác giả của nó thực chất là một con cá nóc chỉ dài 12,7cm.
Thu hút bạn đời không bao giờ là một việc dễ dàng, nhất là đối với một chú cá mang thân hình nhỏ bé có màu sắc dễ bị lẫn vào môi trường xung quanh như cá nóc Nhật Bản. Tự nhận biết được điểm yếu của bản thân, chúng đã sáng tạo ra một phương pháp vô cùng độc đáo để thu hút con cái. Thay vì chỉ ngồi và chờ “tình yêu” đến thì cá nóc đực phải dành nhiều ngày để xây nên một cái tổ bằng cát với đường kính ít nhất là 2m trước khi những dòng hải lưu xuất hiện và xóa sạch “công trình” công phu kia.
Cá nóc xây cấu trúc tròn hoàn hảo với nhiều chi tiết đối xứng bằng cách bơi dưới đáy biển và liên tục vỗ vây tạo thành những đường vân tròn nhỏ. Tác phẩm nhằm thu hút sự chú ý từ bạn tình này thông thường mất từ 7 đến 9 ngày, và sau đó nếu cá nóc cái chấp thuận, chúng sẽ đẻ trứng ở giữa tổ như một cách để thể hiện sự đồng ý.
Cái tổ này được các nhà khoa học đánh giá cao về tính thẩm mỹ hiếm có và sự tinh tế đến mức đáng kinh ngạc, từ đó có thể thấy cá nóc “chân thành” lấy lòng bạn tình của mình thế nào.
Vỗ đuôi
Chim ruồi (Tên khoa học: Loddigesia mirabilis) thu hút con cái bằng cách phe phẩy cái đuôi của mình.
Đuôi của chim ruồi đực rất đẹp, trông như một cái cần gạt dài 15cm, tương đương với hai lần chiều dài cơ thể của chúng. Tuy nhiên, chúng không hề bị chiều dài này làm vướng víu, thậm chí khi di chuyển, hai chiếc lông sẽ tách ra riêng rẽ, tung bay theo từng nhịp vỗ nhẹ trong gió, nhằm thu hút sự chú ý của chim cái.
“Buồng tân hôn” được xây kỳ công
Tổ của chim đinh viên được tạo nên một cách rất công phu. Đầu tiên, chúng dùng cành cây để làm khung cho tổ, sau đó bao bọc xung quanh bằng những khúc xương, vỏ sò, ốc và đá. Không chỉ vậy, chúng còn điểm thêm bằng cách trang trí cánh hoa và những miếng thạch anh bóng loáng. Vì có kỹ năng xây tổ đỉnh cao, nên mỗi khi gặp được bạn tình của mình, chim đinh viên đực đều ra sức “khoe khoang” về thành quả của chúng.
Điệu nhảy “vô hình”
Các nhà khoa học phải sử dụng máy quay tốc độ mới có thể phát hiện ra điệu nhảy “hư không” của loài chim này, cũng do bước nhảy của chúng nhanh đến mức mắt thường khó lòng phát hiện được.
Loài chim sẻ xanh (tên khoa học: Uraeginthus cyanocephalus) vô cùng lãng mạn, để tán tỉnh nhau cả 2 sẽ vừa hát song ca vừa dụi đầu vào nhau.
“Nhu cầu” thì nhiều mà đối tác lại khan hiếm
Nhím đực Bắc Mỹ (tên khoa học: Erethizon dorsatum) cần phải trân trọng cơ hội khi được con cái ưu ái, vì nhím cái một năm mới “đến kỳ” một lần và mỗi lần chỉ từ 8 – 12 giờ.
Trước khi rụng trứng, nhím cái Bắc Mỹ sẽ tiết ra chất nhờn âm đạo có mùi nhằm thu hút con đực. Sau khi nhím đực phát hiện ra con cái, đồng thời thành công đánh bại hết các đối thủ khác, nó sẽ phun một dòng nước tiểu với tốc độ siêu nhanh để làm “ướt” đối phương và kích thích rụng trứng.
Nguồn: Sohu