Robot “truy đuổi” cá ăn muỗi
Cá ăn muỗi thường xuyên gặm đuôi của các loài cá khác và nòng nọc. Từ đó, khiến các loài sinh vật này không thể tiếp cận thức ăn. Khi không còn đuôi, những loài này không thể bơi và phải để lại thức ăn cho cá ăn muỗi. Không thể kiếm ăn, các sinh vật khác sẽ chết đói. Cá ăn muỗi cũng gây áp lực lên các quần thể khác bằng cách ăn trứng của cá và ếch.
Các phương pháp đánh bắt cá ăn muỗi thủ công thường mất nhiều thời gian và công sức. Các nhà khoa học Australia, Mỹ và Italy đã nhận thấy, cá vược miệng rộng là một trong những loài săn mồi tự nhiên của loài cá. Tuy nhiên, việc đưa cá vược vào các ao, hồ có thể làm đảo lộn sự cân bằng sinh thái hiện có. Do đó, nhóm nghiên cứu đã đưa robot cá vược vào các khu vực này.
Các nhà khoa học đã chế tạo robot cá vược làm bằng cao su được gắn trên một trục thẳng đứng trong suốt với một nam châm ở phía dưới. Robot được đặt trong một bể chứa đầy nước, bên dưới là một cục nam châm khác có tác dụng gắn nam châm của robot vào đáy bể. Các nhà khoa học sử dụng động cơ và thiết bị để di chuyển nam châm. Nhờ đó, giúp robot có thể di chuyển theo nhiều hướng.
Robot sẽ truy đuổi ngay khi cá ăn muỗi tiến gần nòng nọc.
6 con cá ăn muỗi và 6 con nòng nọc cũng được đặt vào bể trong một giờ. Nhóm nghiên cứu đã thiết lập hai webcam ở trên cao theo dõi chuyển động của những loài này. Ngay khi quan sát thấy cá ăn muỗi đến gần nòng nọc, robot sẽ được kích hoạt để di chuyển đến khu vực đó và đuổi kẻ săn mồi đi.
Trong 5 tuần thử nghiệm, những con cá ăn muỗi bị robot đuổi theo dần miễn cưỡng hơn khi tiếp cận nòng nọc. Tình trạng này tồn tại ngay cả khi robot không xuất hiện. Những con cá ăn muỗi có biểu hiện căng thẳng và sụt cân khi bị robot rượt đuổi. Cơ thể chúng gầy hơn và giảm khả năng sinh sản. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của cá ăn muỗi trong môi trường.
Trong khi đó, nòng nọc có thị lực kém hơn đáng kể so với cá ăn muỗi. Vì vậy, chúng dường như không “bận tâm” đến chuyển động của robot. Khi không bị cá ăn muỗi làm phiền, nòng nọc có xu hướng ra xa hơn để kiếm thức ăn.
Tiến sĩ Giovanni Polverino – tác giả nghiên cứu, thuộc Trường Đại học Tây Úc – cho biết: “Các loài xâm lấn là một vấn đề lớn trên toàn thế giới và là nguyên nhân thứ hai gây mất đa dạng sinh học. Hy vọng rằng, cách tiếp cận của chúng tôi trong việc sử dụng robot sẽ mở ra cánh cửa để cải thiện các phương pháp kiểm soát sinh học và chống lại những loài xâm lấn”.
Theo New Atlas