Sở hữu "thần đao", Quan Vũ vẫn không dám độc chiến với 4 mãnh tướng này: Rất khó thắng!

Quan Vũ là một võ tướng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Tam Quốc, từng được ba tập đoàn chính trị là Tào Nguỵ, Đông Ngô và Thục Hán lôi kéo cũng như kiêng dè.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, hình tượng Quan Vũ được khắc hoạ vô cùng sinh động khiến nhiều người có thể cảm nhận được phần nào về sự dũng mãnh cũng như “bất khả chiến bại” của võ tướng này.

Quan Vũ thậm chí còn sở hữu hai cực phẩm là Thanh Long Yển Nguyệt Đao và ngựa Xích Thố khiến kẻ địch khiếp sợ trên chiến trường.

Nhắc tới những danh tướng mạnh nhất trong Tam Quốc, người đời thường truyền tai nhau câu nói: “Một Lã, hai Triệu, ba Điển Vi, bốn Quan, năm Mã, sáu Trương Phi“.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ các chi tiết trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, có thể nhận thấy thực ra một Quan Vũ uy trấn Hoa hạ như vậy cũng phải thận trọng khi đối mặt với 4 mãnh tướng này.

Vậy, 4 mãnh tướng này là ai?

Vị trí số 4: Mã Siêu

Mã Siêu, tự Mạnh Khởi, là một võ tướng vào cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Sau này, ông đầu quân cho Thục Hán và trở thành một trong năm “Ngũ hổ tướng”, bao gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân và Hoàng Trung.

Mã Siêu từ nhỏ sống ở Tây Lương, vì thế mà ông có tài cưỡi ngựa và võ nghệ rất giỏi. Hơn nữa, Mã Siêu còn mang trong mình dòng máu người Khương và được cho là hậu duệ của tướng Mã Viện nhà Đông Hán.

Mã Siêu ban đầu ở dưới trướng của Trương Lỗ. Khi Lưu Bị tấn công Lưu Chương ở Tây Xuyên, Lưu Chương cầu viện Trương Lỗ ở Hán Trung. 

Lúc bấy giờ, Trương Lỗ đã cử Mã Siêu đưa quân vào Tây Xuyên để đối đầu với Lưu Bị. Tại ải Hà Manh, Trương Phi và Mã Siêu đã đánh một trận lớn, bất phân thắng bại. Sau cùng, nhờ Gia Cát Lượng dùng kế nên Mã Siêu phải đầu hàng Lưu Bị

Sau khi Mã Siêu đầu quân cho Lưu Bị, Quan Vũ đang ở Kinh châu nghe tin về trận chiến của Trương Phi ở ải Hà Manh nên đã viết thư khiêu chiến đến Thành Đô để so tài cao thấp với Mã Siêu. 

Mục đích của Quan Vũ rõ ràng là muốn so tài với Mã Siêu, nhưng điều này không có lợi cho tập đoàn chính trị của Thục Hán lúc bấy giờ. Lưu Bị rơi vào tình thế khó xử.

Chính vì vậy, Gia Cát Lượng trở thành người đứng ra giảng hoà khi viết thư an ủi Quan Vũ. Cuối cùng cuộc giao đấu này đã không xảy ra.

Vị trí số 3: Điển Vi

Điển Vi là tướng phục vụ dưới trướng của Tào Tháo. Ông được biết đến là người có sức khỏe hơn người, tướng mạo khôi ngô và thích làm điều nghĩa hiệp.

Điển Vi cũng chưa từng có dịp giao đấu với Quan Vũ. Nhưng nếu giao chiến thì quả thực võ tướng của Tào Tháo không hề dễ dàng bị đánh bại.

Bởi trong Tam Quốc diễn nghĩa, Tào Tháo từng ví Điển Vi là “cổ chi Ác Lai” nhằm so sánh ông với tướng Ác Lai dưới thời Trụ Vương, dũng mãnh bất khả chiến bại. Điển Vi được coi là tướng cận vệ mạnh nhất và rất trung thành dưới trướng của Tào Tháo.

Vị trí số 2: Hạ Hầu Đôn

Tuy Hạ Hầu Đôn không giỏi bằng Điển Vi, nhưng lúc đương thời võ tướng này từng giao đấu với Quan Vũ. Khi đó, Quan Vũ cũng đang nương nhờ dưới trướng của Tào Tháo. Sau khi hay tin tức về Lưu Bị, Quan Vũ đã quyết định rời đi.

Do không được Tào Tháo cấp giấy qua ải nên Quan Vũ buộc phải mở đường máu mà đi. Tào Tháo vì muốn níu giữ nhân tài là Quan Vũ nên mới làm vậy. Nhưng Quan Vũ dứt khoát trở về với Lưu Bị. Ông qua 5 ải chém 6 tướng của Tào Tháo.

Tuy nhiên, tướng thân cận của Tào Tháo là Hạ Hầu Đôn liền tức tốc đuổi theo truy sát Quan Vũ. Hai người đã giao đấu với nhau hơn 30 hiệp mà bất phân thắng bại. Trong lúc đang giao chiến, Trương Liêu bất ngờ mang văn thư của Tào Tháo đến ngăn cản kịp thời. Theo đó, Hạ Hầu Đôn đành phải rút quân về.

Nếu Trương Liêu không có mặt, trận chiến kéo dài thì kết quả giao chiến giữa Hạ Hầu Đôn và Quan Vũ thật khó đoán định trước.

Hạ Hầu Đôn (? – 220) là công thần khai quốc của nhà Tào Ngụy. Ông là vị tướng rất được Tào Tháo tín nhiệm, thường đảm nhận vị trí dẫn đầu trong đội quân tiên phong. Ông cũng chính là anh họ của Hạ Hầu Uyên, một tướng lĩnh trung thành với Tào Tháo.

Vị trí số 1: Lã Bố

Lã Bố (? – 199) là vị tướng nổi tiếng vào cuối thời nhà Đông Hán. Không những võ nghệ dũng mãnh, Lã Bố còn giỏi cưỡi ngựa, bắn cung.

Lã Bố có thể được xem là đối thủ mà Quan Vũ ngại đơn đấu nhất. Bởi trong Tam Quốc, khi nhắc đến danh hiệu vô địch thiên hạ, người đương thời và hậu thế đều nghĩ ngay tới Lã Bố.

Trong Tam Quốc, mỗi lần Lã Bố xuất chiến thì ở phe đối địch đều cần tới mấy người liên thủ. Trên thực tế, ít ai dám đơn đấu với mãnh tướng được mệnh danh là “chiến thần”, ngoài Trương Phi.

Lã Bố từng đại chiến với sự liên thủ của cả ba huynh đệ Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Điển tích này còn được gọi là “Tam anh chiến Lã Bố”.

Cả ba người giao chiến với Lã Bố nhưng kết quả chỉ mới cầm hòa. Còn Lã Bố không những không chết mà còn thoát được khỏi vòng vây của ba người Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.

Trên thực tế, Quan Vũ cũng chưa bao giờ chủ động một đấu một với Lã Bố. Với kết quả từ trận giao chiến trên, Lã Bố chính là một trong những người có khả năng đánh bại Quan Vũ cao nhất.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu

https://soha.vn/so-huu-than-dao-quan-vu-van-khong-dam-doc-chien-voi-4-manh-tuong-nay-rat-kho-thang-2021122022382317.htm