Tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của người dân
Tại Việt Nam, từng có giai đoạn diễn biến của các bệnh đường tiêu hoá (tả, thương hàn, tiêu chảy cấp…) và một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh do véc tơ truyền thường dao động qua các năm, có những năm nguy cơ bùng phát các bệnh này là rất cao. Đây là những bệnh, dịch có liên quan nhiều tới sự biến động của thời tiết và tổn thương nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, lưu trữ nước hộ gia đình.
Biến đổi khí hậu với những sự kiện khắc nghiệt như mưa bão, lũ, hạn hán sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, sự sẵn có và khả năng tiếp cận nguồn nước chủ yếu thông qua việc sử dụng nước uống và nước từ các khu vui chơi giải trí. Bão làm tăng nguy cơ và lượng chất ô nhiễm xâm nhập các bãi biển vùng duyên hải. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm bệnh đường ruột và đường tiêu hoá tăng cao hơn nhiều vào mùa mưa so với mùa khô.
Ngược lại, thời tiết nóng sẽ làm tăng nhiệt độ nước là điều kiện thích hợp để vi khuẩn sinh sản và phát triển như các loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp, tả, lỵ, thương hàn. Năm 2020 được đánh giá là năm có thiên tai diễn ra khốc liệt và bất thường hơn so với các năm trước đó với đợt mưa lũ lịch sử trong vòng 100 năm trở lại đây xảy ra ở các tỉnh Bắc bộ, lũ cuối mùa tháng 12 lịch sử tại các tỉnh miền Trung, triều cường lớn với tần suất 50-70 năm tại các tỉnh Nam bộ.
Một nghiên cứu do Viện Vệ sinh dịch tễ TW tiến hành đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với một số bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa ở Việt Nam xác định rằng các vụ dịch bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh tiêu chảy cấp và hội chứng lỵ có tỷ lệ mắc cao nhất (1340 ca/100.000 dân và 230 ca/100.000 dân).
Nghiên cứu này cũng xác định được mối tương quan chặt chẽ giữa yếu tố nhiệt độ trung bình tháng với số ca mắc tiêu chảy và hội chứng lỵ, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nghiên cứu cũng cho thấy các vụ ngộ độc thực phẩm và vụ dịch bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa thường xuất hiện khi có hiện tượng thời tiết bất thường như nắng nóng hay mưa lớn. Các vụ dịch tả xảy ra trùng vào thời kỳ có hiện tương El Niño (2002, 2003) và La Niña (2000-2001, 2007-2008 và 2010-2011) hoạt động.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu xác định mối liên quan giữa sự biến đổi các yếu tố khí hậu với các dịch, bệnh do véc tơ truyền, trong đó đáng chú ý nhất là sốt xuất huyết và sốt rét. Sự thay đổi về thời tiết và khí hậu sẽ ảnh hưởng hoặc tác động sâu sắc đến sinh thái của quần thể véc tơ. Tại Việt Nam, mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết…). Sốt xuất huyết là bệnh xuất hiện theo mùa, phổ biến ở khu vực ĐBSCL.
Nhiều bằng chứng nghiên cứu cũng cho thấy tác động biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã ảnh hưởng làm gia tăng dịch, bệnh theo mùa, đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi như cúm AH5N1, cúm AH1N1, SARS, chân tay miệng… và dự báo sẽ có thêm nhiều bệnh mới trong những năm tới. Hiện nay tác động sức khỏe do sóng nhiệt gây nên đang là mối quan tâm lớn của ngành y tế Việt Nam. Ở Việt Nam, “sóng nhiệt” được hiểu là các “đợt nắng nóng” và diễn biến của sóng nhiệt ngày càng phức tạp hơn dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu về sóng nhiệt do Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (trước đây là Viện y học lao động và vệ sinh môi trường) tiến hành tại Nghệ An cho thấy sóng nhiệt có liên quan rõ rệt với tỷ lệ nhập viện của trẻ em dưới 5 tuổi do các bệnh tiêu chảy và hô hấp. Những tháng có nhiều ngày khô nóng hơn (từ tháng 6 đến tháng 9) có tỷ lệ nhập viện chung, nhập viện do tiêu chảy, nhập viện do các bệnh hô hấp cao hơn so với khoảng thời gian có ít ngày khô nóng hơn.
Mặc dù trên thế giới đã có những bằng chứng về mối liên hệ giữa nhiệt độ tăng cao với các bệnh không lây nhiễm khác như tim mạch, đột quỵ, tuy nhiên tại Việt Nam cần có thêm những nghiên cứu dịch tễ sâu hơn nữa để đánh giá các tác động này.