Tam quốc diễn nghĩa: Giai thoại thú vị về nghề nghiệp đầu tiên của Lưu Bị
Lưu Bị (161 – 223) tự là Huyền Đức, người quận Trác thuộc U Châu, là một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Ông cũng là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trong tác phẩm này, La Quán Trung xây dựng Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái, thương dân như con của một vị vua hiền đức (Tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, tuyệt trí là Khổng Minh).
Vì vậy, tiểu thuyết hư cấu khá nhiều tình tiết về ông so với ngoài đời thật, một số hành động thể hiện tính quyết đoán và chiến tích quân sự của ông được gán cho nhân vật khác trong truyện.
Theo Tam quốc chí của Trần Thọ, Lưu Bị là vị quân chủ của một trong ba “tập đoàn chính trị” mạnh nhất thời Tam quốc. Lưu Bị được cho vừa là hậu duệ của hoàng thất nhà Hán, vừa là người nêu cao hình tượng nhân nghĩa và luôn quý trọng nhân tài.
Không giống như Tào Tháo và Tôn Quyền xuất thân từ tầng lớp quý tộc và có cơ sở nhất định (có nhiều tài sản, uy danh gia tộc) để “làm vốn” trên đường gây dựng phát triển sự nghiệp, Lưu Bị tuy có danh nghĩa là dòng dõi nhà Hán nhưng ông xuất thân từ một gia đình nghèo nàn, thuở nhỏ phải đan giày cỏ kiếm sống, tay trắng làm nên cơ nghiệp.
Trên thực tế, nhờ hoài bão phục hưng Hán thất, cùng với việc luôn chiêu nạp hiền tài, Lưu Bị đã có được rất nhiều nhân tài nổi danh thời Tam quốc đi theo. Sau hàng chục năm gây dựng sự nghiệp, đến năm 221 Lưu Bị xưng đế, lấy quốc hiệu là Hán để kế tục Lưu Hiệp, đặt niên hiệu là Chương Vũ.
Từ đó, nhà Thục Hán bắt đầu. Hai năm sau (năm 223), Lưu Bị qua đời tại cung Vĩnh An, thọ 63 tuổi. Ông được truy tôn là Chiêu Liệt hoàng đế.
Sau này còn có giai thoại nói về sự mỉa mai của họ Tư Mã về quá khứ đan giày cỏ của Lưu Bị. Theo đó, vào ngày an táng vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thục Hán, quân chủ Tấn triều khi đó là Tư Mã Viêm đã sai người bỏ vào quan tài của Lưu Thiện 3 vật đầy ẩn ý. Trong đó, có sự xuất hiện của một đôi giày cỏ.
Đây thực chất là hành động mỉa mai đầy thâm độc của hậu nhân nhà Tư Mã nhằm vào Hoàng đế khai quốc của nhà Thục Hán là Tiên chủ Lưu Bị.
Mặc dù sau này mỗi khi xưng danh, ông đều nhận mình là dòng dõi Hán thất và được người đời kính trọng gọi bằng danh xưng “Lưu Hoàng thúc”, thế nhưng điều đó cũng không thể làm hậu thế lãng quên đi xuất phát điểm có phần thua thiệt của vị quân chủ này. Cũng bởi vậy mà có không ít kẻ đối nghịch mỗi khi nhắc tới thuở hàn vi của vị quân chủ họ Lưu vẫn thường châm biếm ông là phường “đan giày dệt chiếu”.
Lưu Bị vốn là một người thuộc dòng dõi hoàng tộc đã sa sút, rơi vào hoàn cảnh phải đi bán giày cỏ, nhưng về sau lại trở thành vua của một nước.
Tuy nhiên, kể từ thời nhà Đường, nhà Thục Hán được sử sách Trung Quốc coi là sự nối tiếp của nhà Hán, là triều đại chính thống trong số ba triều đại của thời Tam quốc, do vậy Lưu Bị là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu, ngôi miếu do nhà Minh, nhà Thanh xây dựng để thờ phụng các đời vua chính thống của Trung Hoa (các hoàng đế của Tào Ngụy, Đông Ngô không được thờ).