Thời kỳ chết chóc nhất trong lịch sử Trái đất: 'Sát thủ' bé nhỏ gây tuyệt chủng hàng loạt
Theo Scitech Daily, nhìn chung, các nhà khoa học tin rằng núi lửa Siberia phun ra khí nhà kính đã chủ yếu dẫn đến sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất thế giới cách đây khoảng 250 triệu năm trước, vào cuối kỷ Permi.
Các loại khí nhà kính đã gây ra hiện tượng nóng lên cực độ, dẫn đến 80% các loài sinh vật biển, cũng như nhiều loài trên cạn tuyệt chủng.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích chính xác sức nóng đã gây ra những cái chết đó như thế nào.
Nhưng một nghiên cứu mới đây do Đại học California tại Riverside (UC Riverside) dẫn đầu đăng trên tạp chí Nature Geoscience cho thấy, nhiệt độ nóng lên cũng đã làm tăng tốc độ trao đổi chất của vi sinh vật, sinh ra các điều kiện chết người.
Dominik Hülse, nhà lập mô hình hệ thống Trái đất của UC Riverside giải thích: “Sau khi oxy trong đại dương được sử dụng hết để phân hủy vật chất hữu cơ, các vi sinh vật bắt đầu “thở” ra sunfat và tạo ra hydro sunfua, một loại khí có mùi giống như mùi trứng thối và rất độc hại đối với động vật”.
Khi các chất quang hợp của đại dương là các vi sinh vật và thực vật – vốn tạo thành cơ sở của chuỗi thức ăn – bị thối rữa, thì các vi sinh vật khác nhanh chóng hút hết phần lớn oxy trong khi các sinh vật lớn hơn chỉ còn lại rất ít oxy.
Khi thiếu oxy, các vi sinh vật tiêu thụ sunfat sau đó thải ra chất độc, tạo ra hydro sunfua hoặc H2S, tạo ra điều kiện thậm chí còn khắc nghiệt hơn được gọi là euxinia (tình trạng thiếu oxy, hoặc cạn kiệt oxy trong một vùng nước nhưng có mức hydro sunfua cao, rất độc đối với các sinh vật sống trong nước).
“Khi nhiệt độ tăng lên, các vùng euxinic trở nên lớn hơn, độc hại hơn và di chuyển đến nơi hầu hết các loài động vật biển sinh sống, gây ngộ độc cho chúng”, ông Hülse giải thích.
Nhà lập mô hình hệ thống Trái đất của UC Riverside, Dominik Hülse tỏ ra khó chịu với mùi hydro sunfat bốc lên từ hồ nước bên cạnh ông. Ảnh Dominik Hülse/UCR
Các vùng euxinic đang mở rộng có thể được phát hiện thông qua các dấu hiệu hóa học trong các mẫu trầm tích.
Tình trạng cạn kiệt oxy là một vấn đề vẫn tồn tại cho đến ngày nay và chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai.
Môi trường euxinic có thể được tìm thấy ở những nơi như kênh Dominguez dài 25km ở quận Los Angeles, nơi một vụ cháy nhà kho vào tháng 9/2021 đã giải phóng ethanol vào kênh.
Ethanol đã giết chết thảm thực vật trong kênh, chúng bị thối rữa và bị vi khuẩn ăn. Sau đó, chúng tạo ra hydrogen sulfide ở mức độ độc hại. Hàng nghìn người trong phạm vi kênh đã báo cáo bị nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, mất ngủ, đau đầu, hắt hơi và các triệu chứng khác.
Theo các nhà nghiên cứu, các bài học từ thế giới cổ đại có thể rất hữu ích để hiểu được các quá trình đang thách thức các đại dương cũng như các dòng sông của chúng ta ngày nay.