Thương lái buộc cả đống dây lên cua, người mua cho là "ăn gian" cân nặng: Lý do hoàn toàn khác, đừng đổ oan như thế
Cua là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng nên là món ăn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên giá thành lại không hề rẻ, vì thế mỗi khi đi chọn mua cua mọi người cần chú ý tìm hiểu lựa làm sao không bị “tiền mất tật mang”.
Nếu là người thường xuyên đi chợ để mua thực phẩm, tại các quầy hải sản có bày bán cua chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh các con cua được buộc bằng sợi dây nilong chằng chịt quanh càng. Không ít người đều tỏ ra “lấn cấn” vì giá cua đã đắt lại giờ lại phải cân thêm cả đống dây thì khả năng bị thiệt thòi sẽ cao hơn.
Tuy nhiên người mua không cần phải quá lo lắng về vấn đề bị tính tiền nhiều hơn do dây buộc cua nặng. Chia sẻ với VnExpress, một độc giả ở Cà Mau chuyên cung cấp cua khắp cả nước đã giải thích:
“Tôi biết những vấn đề các bạn thắc mắc. Dây cua nhỏ thì giá cao, dây cua to thì giá thấp. Ai thích rẻ thì có thể chọn người bán như vậy”. Như vậy có thể hiểu đơn giản rằng giá thành của cua đắt hay rẻ đều đã được trừ hao cho số cân dây buộc. Vì vậy, chỉ cần người bán bán giá hợp lí, cân chuẩn thì người mua có thể yên tâm.
Ngoài ra, việc buộc dây còn có tác dụng giữ ẩm cho cua. Nếu con cua không có dây giữ đủ ẩm thì chắc chắn sẽ không còn tươi khi các khớp gối chân, càng bị khô đi. Lúc này thì dù có giá rẻ bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng ít có khách mua, người buôn chắc chắn bị lỗ.
Bên cạnh đó, việc buộc càng của chúng lại cũng nhằm đảm bảo an toàn cho người mua vì ai cũng biết rằng càng cua rất chắc và khỏe. Nếu không may bị kẹp chúng thì chỉ biết “kêu trời”.
Dù có nhiều lý do được đưa ra để khách hàng có thể yên tâm về việc không sợ bị lỗ khi mua cua bị buộc dây. Song, trên MXh đã từng xuất hiện 1 bài đăng than thở việc dây buộc cua khi tháo ra to và dày đến nỗi đem trải thì chẳng khác nào thảm đỏ.
Chủ bài viết khẳng định, mẹ của mình mua một con cua ở chợ nặng 9 lạng, cứ ngỡ được bữa ngon “ngập răng” nhưng ai dè riêng phần dây đã hết 4 lạng: “Bán cua mà làm thế này thì không khác nào ăn gian. Cua đắt đỏ, khoảng 500.000 đồng/kg mà dây buộc đã nặng một nửa, khác gì bỏ tiền ra mua rác về nhà.” – người mua bức xúc.
Dù có những người bán có tâm và rõ ràng trong việc này thì cũng có trường hợp sẵn sàng tìm cách trục lợi thông qua sợi dây buộc cua này. Cách thường thấy nhất đó là nhúng dây vào nước, hay bùn đất… để trọng lượng tăng lên đáng kể, từ đó thu về nhiều lợi nhuận hơn.
Nếu người mua không chú ý thì sẽ rất dễ mắc phải chiêu trò này và từ đó “rước bực vào thân”. Thử nghĩ nếu chẳng may rơi vào trường hợp của chủ bài viết trên đây thì chắc chắn ăn bữa cua cũng chẳng thể ngon nổi.
Ngoài ra, một số chủ hàng còn trộn những con cua bé, không tươi lẫn với cua chất lượng tốt rồi dùng dây buộc để khéo léo che đậy. Khi đó người mua không quan sát kĩ hay thiếu kinh nghiệm thì sẽ khó biết được những con cua đó là bị ươn hoặc sắp hỏng.
Suy cho cùng, việc buộc dây vào cua không hẳn đã chứng minh người bán “ăn gian” cân nặng. Thế nhưng kinh doanh thì ai cũng muốn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, vậy thì tốt nhất là người mua nên học cách lựa chọn thật kĩ để mua được thực phẩm ưng ý.
Tổng hợp: Lê Kiều