Tổng thống Theodore Roosevelt là ai và 8 kỳ tích lưu danh lịch sử Mỹ

1. Tiểu sử Theodore Roosevelt

Có thể nói Theodore Roosevelt là một trong những tổng thống năng động nhất trong lịch sử Nhà Trắng. Ông đã mang lại “luồng gió mới” và nhiều quyền lực hơn cho chức vụ tổng thống, thông qua việc lãnh đạo Quốc hội và công chúng Mỹ theo hướng cải cách tiến bộ và thực hành chính sách đối ngoại mạnh mẽ.

1.1. Tổng thống Theodore Roosevelt là ai

Theodore Roosevelt sinh ngày 27/10/1858 và lớn lên ở thành phố New York. Ông là con thứ hai trong gia đình có 4 người con. Thuở nhỏ, ông còn có tên thân mật là Teedie. Ngoài ra ông còn được biết đến với tên gọi Theodore Teddy Roosevelt và TR.

Cha của ông, Theodore, Sr., là một doanh nhân giàu có. Mẹ của ông, Martha “Mittie” Bulloch, là người miền Nam, sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở Georgia. Với tấm lòng nhân ái, các đấng sinh thành của Theodore Roosevelt thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện và giúp đỡ người nghèo.

Theodore Roosevelt lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ và anh chị em. Nhưng khi còn nhỏ, ông luôn là một đứa trẻ ốm yếu mắc bệnh hen suyễn.

Mãi đến tuổi thiếu niên, để không làm cha mình thất vọng, ông đã tự cải thiện sức khỏe bản thân thông qua một chương trình luyện tập thể dục thể thao, với các môn như đi bộ đường dài, cưỡi ngựa và bơi lội.

Nhờ quyết tâm và khổ luyện, Roosevelt đã thoát khỏi bệnh hen suyễn và trưởng thành với một vóc dáng săn chắc.

Về việc học, khi còn là một cậu bé, Roosevelt đã được các giáo viên tư nhân kèm cặp tại nhà. Ông đã đi du lịch qua châu Âu và Trung Đông cùng gia đình trong giai đoạn cuối những năm 1860 và đầu những năm 1870. Ông từng sống 5 tháng với một gia đình bản xứ ở Đức.

Theodore Roosevelt lúc nhỏ còn được gọi là “Teedie”. Ảnh: JACI

Năm 6 tuổi, Theodore Roosevelt đã tận mắt chứng kiến đám tang Tổng thống thứ 16 Abraham Lincoln qua đời do bị ám sát. Ngày 25/4/1865, đoàn người đưa tang đã đi ngang qua nhà của ông nội TR ở New York. Bức ảnh chụp cậu bé Roosevelt ngồi trên cửa sổ xem đám tang đã được tìm thấy lần đầu tiên vào những năm 1950.

Năm 1876, Theodore Roosevelt vào Đại học Harvard. Tại đây, ông học nhiều môn khác nhau, bao gồm tiếng Đức, lịch sử tự nhiên, động vật học, pháp y và sáng tác. Ông cũng tiếp tục nỗ lực rèn luyện thể chất với các môn mới đã trở thành đam mê như quyền anh (boxing) và đấu vật.

Trong thời gian học đại học, Roosevelt đã quen biết và yêu Alice Hathaway Lee, một cô gái trẻ xuất thân từ một gia đình nổi tiếng trong ngành ngân hàng ở New England. Họ kết hôn vào tháng 10/1880.

Cùng trong năm 1880, Roosevelt theo học Trường Luật Columbia. Nhưng ông không ở lại trường luật lâu. Năm 1881, Roosevelt bỏ học luật để bắt đầu sự nghiệp phục vụ công chúng.

Năm 1882, Theodore Roosevelt tham gia Hội đồng Bang New York với tư cách là đại diện của Thành phố New York – trở thành người trẻ nhất đảm nhiệm vị trí đó. Không lâu sau, Roosevelt đã nhanh chóng trải qua nhiều vị trí công vụ khác nhau, bao gồm cả Đội trưởng Vệ binh Quốc gia và Lãnh đạo thiểu số của Quốc hội Bang New York.

Tuy nhiên, sau đó, một bi kịch kép ập đến với Theodore Roosevelt: Mẹ và vợ cùng qua đời vào ngày 14/2/1884, chỉ cách nhau 11 giờ đồng hồ, và trong cùng một ngôi nhà.

Bà Martha “Mittie” Bulloch Roosevelt qua đời vì sốt thương hàn. Tiếp theo, vợ Roosevelt, Alice Hathaway Lee Roosevelt, qua đời vì bệnh viêm cầu thận cấp (bệnh Bright), chỉ 2 ngày sau khi sinh con gái đầu lòng của hai người, gọi là Alice Lee Roosevelt. Trong nhật ký của mình, Theodore Roosevelt viết, “Ánh sáng đã vụt tắt khỏi cuộc đời tôi”.

Suy sụp trước sự ra đi đột ngột của những người thân yêu nhất, trong vài tháng tiếp theo, Roosevelt lao đầu vào công việc của một chính trị gia nhằm trốn tránh nỗi đau thương. Cuối cùng, ông quyết định để cô con gái mới sinh cho em gái của mình chăm sóc và “chạy trốn” đến Dakota Badlands.

Bi kịch kép ập đến với Theodore Roosevelt khiến ông phải tìm đến Dakota để tự mình chữa lành vết thương lòng. Lúc đó ông mới chưa đầy 30 tuổi. Ảnh: ATI

Đến miền Tây hoang dã, Roosevelt nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống tự do tự tại nơi vùng biên. Tại đây, ông mua 2 trang trại và nuôi 1.000 con gia súc. Việc làm ăn của ông ngày càng phát đạt tại miền biên viễn khó khăn. Ông thường xuyên rong ruổi trên lưng ngựa, ngày này qua ngày khác, đi săn thú, chăn bò… tạo cho mình hình ảnh một “Cao bồi miền Tây” đặc trưng với làn da rám nắng, khuôn mặt góc cạnh, bộ ria mép rậm rạp…

Trong những năm 1885-1886, Roosevelt tự coi mình là một sĩ quan cảnh sát và từng làm việc với tư cách Phó Cảnh sát Trưởng của Hạt Billings, Lãnh thổ Dakota.

Năm 1886, Roosevelt quay trở lại miền Đông. Mặc dù những năm sau đó ông vẫn thường xuyên đến Dakota để săn bắn, nhưng ông đã sẵn sàng quay trở lại cuộc sống trước đây của mình.

Một trong những lý do khiến ông tái xuất là vì ông đã tìm thấy tình yêu với “thanh mai trúc mã” của mình, Edith Kermit Carow. Hai người kết hôn ở Anh vào năm 1886 và chuyển đến Vịnh Oyster, New York, sống trong một ngôi nhà được gọi là Đồi Sagamore.

Ngoài cô con gái đầu lòng với người vợ quá cố, Theodore Roosevelt còn có 5 người con, 4 trai và 1 gái, với người vợ thứ hai, là Theodore, Kermit, Ethel, Archibald và Quentin.

Gia đình hạnh phúc của Theodore Roosevelt với 6 người con, 4 trai và 2 gái. Ảnh: ATI

Roosevelt tự hào rằng cả 4 người con trai của ông đều nhập ngũ để phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (WWI). Nhưng điều khiến ông đau lòng là con trai út của ông, Quentin, bị bắn chết ở Đức.

Rời miền Tây hoang dã để trở lại với cuộc sống trước đây vào năm 1886, Roosevelt sớm tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình. Ông bắt đầu lại với vị trí đầu tiên là một ủy viên công vụ, sau đó là một ủy viên Cảnh sát Thành phố New York và Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống William McKinley (Tổng thống thứ 25 của Mỹ).

Quan tâm sâu sắc đến Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ nổ ra vào tháng 4/1898, Roosevelt từ chức Trợ lý Bộ trưởng Hải quân để tổ chức một đội kỵ binh tình nguyện, được gọi là “Những Kỵ binh Đại tài” (Rough Riders).

Đội Rough Riders (Những Kỵ binh Đại tài) do Theodore Roosevelt thành lập và dẫn dắt. Ảnh: ATI

Đội kỵ binh mà ông dẫn đầu, chủ yếu bao gồm các cầu thủ bóng đá, cầu thủ polo (mã cầu) và cao bồi không có kinh nghiệm quân sự, đã thực hiện một cuộc tấn công táo bạo lên Đồi San Juan trong Trận San Juan Hill, còn được gọi là Battle for San Juan Heights, ở Santiago, Cuba, năm 1898.

Trở về từ chiến trận, Theodore Roosevelt được bầu làm Thống đốc Bang New York (1898-1900). Ông trở thành Phó Tổng thống từ tháng 3/1901 cho đến tháng 9/1901 khi Tổng thống McKinley bị ám sát và qua đời.

1.2. Nhiệm kỳ tổng thống của Theodore Roosevelt

Khi Theodore Roosevelt trở thành Tổng thống thứ 26 vào cuối năm 1901, nền kinh tế và xã hội Mỹ đang thay đổi nhanh chóng.

Với năng lực và khả năng lãnh đạo có tầm nhìn của mình, ông đã đưa quốc gia đang trưởng thành trên con đường phát triển thịnh vượng, với ảnh hưởng ngoại giao kéo dài suốt thế kỷ 20.

Vào thời điểm ông rời nhiệm sở năm 1909, Roosevelt cũng đã thay đổi vĩnh viễn ảnh hưởng và phạm vi của nhiệm kỳ tổng thống.

Dù lên làm tổng thống khi tuổi còn trẻ, Theodore Roosevelt lại có lợi thế là vốn hiểu biết sâu rộng về các quy trình lập pháp và chính phủ cũng như kinh nghiệm lãnh đạo hành pháp.

Tổng thống Theodore Roosevelt (1901 – 1909) vẫn là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: White House

Ông đã dẫn dắt nước Mỹ bước ra trường thế giới bằng cách tích cực tham gia vào các hoạt động đối ngoại. Về đối nội, tổng thống Roosevelt tin rằng Chính phủ Liên bang có vai trò, thậm chí là nghĩa vụ, đảm bảo mức độ bình đẳng trong cuộc sống hàng ngày của người Mỹ, và sử dụng các quy định và chính sách của chính phủ để mang lại công bằng về xã hội và kinh tế.

Trái ngược với những người tiền nhiệm, Roosevelt tin rằng tổng thống có quyền hành động, trừ những lĩnh vực mà luật pháp nghiêm cấm hoặc thuộc thẩm quyền Quốc hội hoặc Tòa án như quy định trong Hiến pháp.

Ông đã vận dụng tốt cách tiếp cận này vào năm 1902 khi đàm phán giải quyết cuộc đình công than Antraxit. Đây được coi là lần đầu tiên Chính phủ Liên bang can thiệp vào một tranh chấp lao động và công nhận quyền của lao động có tổ chức.

Trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống Theodore Roosevelt đã tìm cách chấm dứt độc quyền kinh doanh theo Đạo luật Chống độc quyền Sherman năm 1890 (Sherman Antitrust Act).

Mặc dù đạo luật này đã được thông qua thành luật khi Roosevelt đang làm việc tại Ủy ban Công vụ Hoa Kỳ, nhưng phải đến khi ông trở thành tổng thống thì nó mới được Bộ Tư pháp của ông vận dụng để giải thể Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Bắc, một công ty độc quyền đường sắt, vào năm 1904.

Chống độc quyền là một trong những nội dung chính của “Square Deal” – một chương trình nghị sự đối nội của Theodore Roosevelt. Ngoài ra, chương trình cũng đặt vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ người tiêu dùng Mỹ là những ưu tiên hàng đầu.

Về khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng, Roosevelt đã làm việc với Quốc hội để Đạo luật liên bang về thanh tra sản phẩm thịt (Federal Meat Inspection Act) và Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm (Pure Food and Drug Act) được thông qua năm 1906, tạo tiền đề cho sự ra đời của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Như vậy, Theodore Roosevelt đã đấu tranh chống lại các hành vi thương mại không công bằng, thiết lập tiền lệ cho sự can thiệp của tổng thống vào các vấn đề kinh doanh, thương mại và tiêu dùng.

Thậm chí, ngay cả sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và rời nhiệm sở vào năm 1909, Roosevelt vẫn tiếp tục vận động hành lang cho các chính sách tiến bộ.

Theodore Roosevelt được cho là vị tổng thống sôi nổi và năng động nhất trong lịch sử Nhà Trắng. Ảnh: ATI

Sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với lương hưu cho người già, bảo hiểm thất nghiệp, luật về lao động trẻ em và quyền bầu cử của phụ nữ là nền tảng cho chính phủ liên bang trong tương lai.

Trên thực tế, người bà con xa của tổng thống Theodore Roosevelt, là Franklin D. Roosevelt, người sau này trở thành Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ, cũng tiếp tục tạo ra các chính sách ủng hộ những vấn đề tương tự. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm mục đích hướng tới sự tốt đẹp hơn cho người dân Mỹ.

1.3. “Vị cứu tinh” bất ngờ của Roosevelt trong vụ ám sát

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai (1904-1909), Theodore Roosevelt đã thực hiện một chuyến đi săn ở châu Phi và đi du lịch vòng quanh châu Âu.

Khi trở lại Mỹ, Roosevelt thất vọng với cách tiếp cận của Tổng thống William Howard Taft, người bạn thân được ông dày công dọn đường để trở thành người kế nhiệm mình. Do đó, ông đã quay trở lại chính trường.

Năm 1912, Theodore Roosevelt ra tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, lần này ông không còn đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng hòa như 2 nhiệm kỳ trước. Thay vào đó, ông đã thành lập Đảng Tiến bộ và kêu gọi cải cách tiến bộ trên phạm vi rộng.

Trước các phóng viên, ông từng tuyên bố rằng, ông cảm thấy khỏe mạnh như một chú nai sừng tấm (bull moose). Đó là lý do tại sao đảng mới của ông còn được biết đến với tên gọi không chính thức là Đảng Bull Moose.

Tuy nhiên, nỗ lực tái tranh cử của Theodore Roosevelt năm 1912 đã không thành công. Và Đảng Tiến bộ đã giải tán vào năm 1920.

Khi đang vận động tranh cử ở Milwaukee, bang Wisconsin, Theodore Roosevelt bị bắn một phát đạn trúng ngực và kẻ ra tay ám sát ông chính là John Flammang Schrank.

Nhưng kỳ tích đã xảy ra với “vị cứu tinh” không ngờ tới: Viên đạn đã đi xuyên qua chiếc áo khoác nặng với một tập bản thảo bài diễn văn vận động tranh cử dày tới 50 trang được gập đôi, và một chiếc hộp đựng kính bằng thép. Có lẽ chính những thứ này đã làm chệch đường đi của viên đạn, ngăn nó xuyên vào tim và cứu Theodore Roosevelt thoát chết.

Vết tích viên đạn suýt lấy mạng Theodore Roosevelt trên bản thảo bài diễn văn vận động tranh cử dày 50 trang được gập đôi của ông. Ảnh: History.com

TR xác định viên đạn không bị vào phổi khi ông ho vào tay nhưng không thấy có máu. Vì vậy, ông đã khăng khăng yêu cầu thực hiện bài phát biểu kéo dài 1 giờ đồng hồ theo lịch trình của mình khi viên đạn vẫn còn trong người.

“Quý vị, làm ơn hãy giữ im lặng càng nhiều càng tốt… Tôi vừa mới bị bắn”, Roosevelt mở đầu bài phát biểu trong chiến dịch tái tranh cử ngày 14/10/1912.

Khi rút bản thảo thủng một lỗ và dính máu từ túi áo ngực ra, ông nói, “Quý vị thấy đấy, cần nhiều hơn một viên đạn để giết một chú nai sừng tấm”.

Chỉ sau khi hoàn thành bài diễn văn, Roosevelt mới đồng ý đến bệnh viện. Thông qua kết quả chụp X-quang, các bác sĩ xác định rằng viên đạn đã găm vào xương sườn thứ tư bên phải của Roosevelt. Họ khuyên rằng việc để nguyên không đụng chạm vào viên đạn sẽ an toàn hơn là cố gắng gắp nó ra. Do đó, Theodore Roosevelt đã mang theo viên đạn trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Khi viết thư cho một người bạn về viên đạn, ông cho biết, ông chỉ coi nó như một vật nằm trong túi áo gile của mình.

2. Những cái “nhất” và “đầu tiên” của Tổng thống Roosevelt

Thường được xếp vào hàng ngũ những tổng thống hàng đầu Hoa Kỳ, Theodore Roosevelt đã giúp thay đổi bộ mặt của nhiệm kỳ tổng thống và xác định lại vị thế của Mỹ trên thế giới. Chân dung của ông được khắc trên Núi Rushmore, bên cạnh các vị tổng thống lừng danh khác của Hoa Kỳ, gồm George Washington, Thomas JeffersonAbraham Lincoln.

2.1. Tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử nước Mỹ

Với vụ ám sát Tổng thống William McKinley năm 1901, Theodore Roosevelt, khi đó đang là Phó Tổng thống đã tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ. Ở tuổi 42, ông là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử đất nước.

John F. Kennedy cũng còn khá trẻ khi trở thành tổng thống. Nhưng lúc đó Kennedy 43 tuổi.

Theodore Roosevelt đã mang lại sự phấn khích và quyền lực mới cho tổng thống, khi ông lãnh đạo Quốc hội và công chúng Mỹ theo hướng cải cách tiến bộ và thực thi một chính sách đối ngoại mạnh mẽ.

2.2. Tổng thống đầu tiên bảo tồn thiên nhiên

Khi còn là một cậu bé, Roosevelt đã muốn trở thành một nhà tự nhiên học, một nhà khoa học say mê và nghiên cứu thiên nhiên. Khi trưởng thành và trở thành tổng thống, ông không bao giờ quên ước mơ thời thơ ấu của mình. Ông đã góp công bảo tồn các vùng rộng lớn của đất nước cho các thế hệ người Mỹ tương lai.

Trong khi nhiều người coi các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ Trái đất là vô tận, Roosevelt nói, “Điều gì sẽ xảy ra khi rừng của chúng ta không còn, khi than, sắt, dầu và khí đốt cạn kiệt”.

Do đó, bảo tồn đã trở thành một trong những mối quan tâm chính và cũng là di sản lớn nhất của Theodore Roosevelt trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông cũng là tổng thống đầu tiên sử dụng quyền hành pháp để bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ.

Trong nhiệm kỳ tổng thống, Theodore Roosevelt đặt công tác bảo tồn tự nhiên là ưu tiên hàng đầu. Tổng cộng, ông đã bảo vệ khoảng 230 triệu mẫu đất công. Ảnh: ATI

Một xu hướng thời trang phổ biến vào cuối những năm 1800 là mũ của phụ nữ được trang trí bằng lông chim. Để đáp ứng nhu cầu này, những kẻ săn trộm đã săn lùng những loài chim kỳ lạ đang bên bờ vực tuyệt chủng.

Để đối phó với vấn nạn này, Theodore Roosevelt đã biến đảo Pelican, bang Florida, thành khu bảo tồn chim liên bang vào năm 1903. Sau đó, nhiều khu bảo tồn khác và Hệ thống Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia đã ra đời.

Tổng cộng, ông đã thành lập và bảo vệ 150 khu rừng quốc gia, 55 khu bảo tồn động vật hoang dã đầu tiên của liên bang, 5 công viên quốc gia và 18 di tích quốc gia đầu tiên, với tổng diện tích đất công vào khoảng 230 triệu mẫu.

Roosevelt đã thành lập Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS), một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ theo Đạo luật Cổ vật Hoa Kỳ (American Antiquities Act) năm 1906. Ông cũng ký Đạo luật Di tích Quốc gia (National Monuments Act) vào năm 1906 để bảo vệ các địa điểm như Grand Canyon.

2.3. Tổng thống Mỹ đầu tiên nhận giải Nobel Hòa Bình

Trong các vấn đề quốc tế, Theodore Roosevelt cũng hành động táo bạo và quyết đoán. Ông là tổng thống Mỹ duy nhất từng kêu gọi đàm phán về một cuộc chiến tranh ở nước ngoài.

Ông đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc thương lượng để chấm dứt Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). Chính điều này đã mang lại cho ông Giải Nobel Hòa bình. Và ông cũng là người Mỹ đầu tiên vinh dự được nhận giải thưởng này năm 1906.

Cũng về ngoại giao, ông đã thúc đẩy để Hoa Kỳ và Nhật Bản đạt được Hiệp định Quý ông (Gentlemen"s Agreement) năm 1907 về nhập cư.

Theo đó, Mỹ không áp đặt các hạn chế đối với người nhập cư Nhật Bản, đồng thời Nhật Bản không cấp phép cho di cư thêm đến Mỹ.

Mục đích của hiệp định là để giảm căng thẳng đôi bên. Đây là một hiệp định không chính thức giữa hai quốc gia, và nó đã không được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua. Hiệp định Quý ông đã được thay thế bởi Đạo luật Nhập cư năm 1924.

2.4. Tổng thống Mỹ đầu tiên công du nước ngoài khi tại nhiệm

Nhận thức được nhu cầu chiến lược về một con đường tắt giúp cho Hải quân có thể di chuyển tàu nhanh chóng giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Theodore Roosevelt đã xúc tiến dự án xây dựng Kênh đào Panama.

Ông đã đàm phán Hiệp ước Hay – Bunau-Varilla, trao cho Hoa Kỳ quyền kiểm soát Khu Kênh đào. Công việc xây dựng dưới sự giám sát của Mỹ bắt đầu vào năm 1904. Và Kênh đào Panama được hoàn thành vào năm 1914.

Giao thông qua kênh đào Panama là phong vũ biểu của thương mại thế giới, tăng trong thời kỳ kinh tế thế giới thịnh vượng và giảm trong thời kỳ suy thoái. Ảnh: HowStuffWorks

Kênh đào Panama trở thành một trong những dự án mang tính kỹ thuật lớn nhất của thế kỷ 20.

Vào tháng 11 năm đó, Roosevelt bắt đầu chuyến công du kéo dài 17 ngày tới Panama (và Puerto Rico). Ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên công du nước ngoài khi đang tại nhiệm.

2.5. Người “khai sinh” ra cụm từ “Nhà Trắng”

Ban đầu, nơi ở và làm việc của Tổng thống Mỹ được gọi là Dinh Tổng thống, Nhà Tổng thống, Phủ Tổng thống và không có màu sơn trắng như hiện tại.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Theodore Roosevelt đã thuê các kiến ​​trúc sư lừng lẫy nhất thời bấy giờ là McKim Mead và White cải tạo lại dinh thự đã mục nát, để nơi này chính thức được gọi là Nhà Trắng (White House).

Khi Theodore Roosevelt tại nhiệm, Nhà Trắng là sân chơi sôi động cho 6 người con của ông, với không gian cho các hoạt động thể chất và thư viện, phản ánh niềm đam mê mãnh liệt của ông với thể thao và sách.

2.6. Người đi đầu trong hiện đại hóa Hải quân Mỹ

“Một lực lượng Hải quân tốt không phải là một hành động khiêu khích chiến tranh. Đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho hòa bình”, Theodore Roosevelt tuyên bố khi đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội, ngày 2/12/1902.

Là tác giả của một trong những cuốn sách hay về lịch sử tham gia của lực lượng hải quân trong Chiến tranh năm 1812, Theodore Roosevelt hiểu được tầm quan trọng của một lực lượng hải quân mạnh mẽ và quan trọng không chỉ đối với an ninh mà còn cả ngoại giao của đất nước.

Là người đi đầu trong việc hiện đại hóa và mở rộng lực lượng Hải quân, Roosevelt đã thuyết phục Quốc hội cung cấp tài chính cho các thiết giáp hạm vỏ thép hiện đại.

Năm 1907, ông đã cử Hạm đội Trắng Vĩ đại (Great White Fleet), gồm 16 tàu từ hạm đội Đại Tây Dương, thực hiện chuyến hành trình vòng quanh thế giới kéo dài 14 tháng, nhằm phô diễn sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ trên toàn cầu.

Tàu sân bay lớp Nimitz CVN-71 được đặt theo tên của Tổng thống Theodore Roosevelt, gọi là USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Pinterest

Vì những lý do này, Theodore Roosevelt được coi là cha đẻ của Hải quân Mỹ hiện đại.

Để vinh danh TR, năm 1981, Hải quân Hoa Kỳ đã đặt tên cho chiếc thứ tư trong số 10 tàu sân bay lớp Nimitz theo tên ông. Tàu sân bay CVN-71, hay còn được gọi là USS Theodore Roosevelt, chính thức được đưa vào hoạt động ngày 25/10/1986. Chúng được chạy bằng năng lượng hạt nhân hỗ trợ các hoạt động hải quân trên toàn cầu trong suốt quá trình hoạt động của mình.

2.7. Roosevelt là một trong những tổng thống hay đọc nhất

Có thể nói Theodore Roosevelt là Tổng thống Hoa Kỳ đọc sách nhiều nhất. Mỗi ngày, ông thường đọc 1-3 cuốn sách. Những cuốn sách ông đọc thường được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Latinh.

Theo nhà viết tiểu sử Doris Helen Kearns Goodwin, rất ít trẻ em có khả năng đọc hiểu rộng hoặc được tiếp cận với nhiều sách như Roosevelt thuở nhỏ. Gia đình cũng hết sức tạo điều kiện để ông phát huy đam mê đọc sách của mình.

Roosevelt biết cách đọc nhanh, đam mê học hỏi và tìm kiếm những kiến thức hữu ích từ sách. Bên cạnh đó, ông còn sở hữu một trí nhớ tuyệt vời. Ông không chỉ nhớ chi tiết các bài báo mà còn nhớ toàn bộ các trang báo rất lâu sau khi ông lần đầu tiên đọc chúng.

Ông cũng giỏi trong việc nhớ tên người, tên địa danh, và thậm chí là chi tiết các cuộc trò chuyện. “Siêu phẩm” bộ nhớ này giúp ích rất nhiều cho Theodore Roosevelt với tư cách là một nhà lãnh đạo.

Đam mê đọc sách của Roosevelt đi kèm với đam mê viết lách. Ông cũng được cho là Tổng thống Mỹ viết nhiều nhất.

Thư viện của Theodore Roosevelt tại điền trang Sagamore Hill của ông ở New York. Ảnh: DOI.gov

Thực tế, Theodore Roosevelt là một nhà văn giỏi. Ông đã viết 35 cuốn sách và khoảng 150.000 bức thư trong suốt cuộc đời của mình. Ông đã viết về các chủ đề rộng lớn.

Cuốn sách đầu tiên của ông, “Cuộc chiến Hải quân năm 1812” (The Naval War of 1812), được xuất bản vào năm 1882.

Một số tựa sách nổi tiếng hơn của ông có thể kể đến là: “The Rough Riders” (1899), “The Strenuous Life” (1900), “African Game Trails” (1910), “The New Nationalism” (1910), “An Autobiography” (1913), “Through the Brazilian Wilderness” (1914), “The Great Adventure” (1918), và “Letters to His Children” (1919). Trong phần lớn cuộc đời mình, ông dựa vào thu nhập từ sách để tự trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đọc và viết sách, tổng thống Theodore Roosevelt còn thích quyền anh (boxing). Ông đã bị mù một bên mắt sau một chấn thương khi chơi đấm bốc ở Nhà Trắng. Đối thủ của ông đã giáng một cú đấm vào mắt trái khiến mắt ông bị xuất huyết nặng và dẫn đến bong võng mạc.

Trong cuốn tự truyện của mình, Roosevelt viết, “May mắn thay đó là mắt trái của tôi, nhưng thị giác của tôi đã bị mờ đi kể từ đó. Và nếu đó là mắt phải thì tôi đã hoàn toàn không thể ngắm bắn được nữa”.

2.8. Nguồn cảm hứng cho sự ra đời của Gấu Teddy’s Bear

Gấu Teddy, hay Teddy’s Bear, từ lâu đã là người bạn thân thiết của rất nhiều trẻ em trên khắp thế giới. Nhưng ít ai biết rằng chú gấu đồ chơi nổi tiếng này được đặt theo tên thời thanh niên của Tổng thống Theodore Roosevelt: Teddy.

Sự ra đời của món đồ chơi này bắt nguồn từ một chuyến đi săn gấu kéo dài 10 ngày vào năm 1902 của Tổng thống Theodore Roosevelt tại Mississippi theo lời mời của Thống đốc bang Mississippi, Andrew H. Longino.

Ba ngày đầu tiên của cuộc đi săn trôi qua mà Tổng thống Theodore Roosevelt vẫn không săn được con gấu nào. Điều này khiến các trợ lý của ông sốt ruột. Họ đã tìm cách bắt được một con gấu đen già nua, trói nó vào gốc cây và mời Roosevelt đến.

Nhưng Roosevelt chỉ nhìn con gấu một cái và từ chối bắn nó. Ông cho rằng bắn một con gấu già bị thương là hành động phi thể thao. Tuy nhiên, vì nó đang bị thương và đau đớn, Roosevelt đã ra lệnh cho trợ lý của mình bắn chết con gấu để giải thoát cho nó.

Tin tức về sự kiện này đã tạo được tiếng vang trên các tờ báo khắp cả nước. Lấy cảm hứng từ đó, họa sĩ biếm họa chính trị Clifford Berryman đã vẽ một bức biếm họa kể lại câu chuyện.

Bức biếm họa nổi tiếng của Clifford Berryman là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của Gấu Teddy. Ảnh: History.com

Bức biếm họa lần đầu được đăng trên tờ Bưu điện Washington (Washington Post) vào ngày 16/11/1902. Từ bức biếm họa nổi tiếng, chủ cửa hàng kẹo ở Brooklyn – Morris Michtom, đã trưng bày trong cửa hàng của mình 2 chú gấu đồ chơi nhồi bông do vợ ông, Rose Michtom, tự tay làm.

Michtom đã xin phép Tổng thống Roosevelt gọi những chú gấu nhồi bông này là Teddy’s Bear (gấu của Teddy). Món đồ chơi nhanh chóng nổi tiếng và trở thành món đồ chơi yêu thích của nhiều trẻ em.

Sự nổi tiếng nhanh chóng của món đồ chơi nhồi bông này đã khiến Michtom nảy ra ý tưởng sản xuất hàng loạt, và thành lập công ty Ideal Novelty and Toy Company. Công ty sau này được đổi tên thành Ideal Toy Company.

Phiên bản kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Gấu Teddy’s Bear. Ảnh: Pinterest

Thực ra, mặc dù cho phép Michtom gọi món đồ chơi nhồi bông là Teddy’s Bear, nhưng Theodore Roosevelt thực sự không thích được gọi là Teddy. Cái tên này gợi lại những ký ức đau buồn trong ông, vì Teddy là tên thân mật mà người vợ đầu tiên xấu số của ông dùng để gọi ông.

3. Hậu thế tưởng niệm Theodore Roosevelt

Roosevelt qua đời trong giấc ngủ vào ngày 6/1/1919, tại Đồi Sagamore ở Long Island, sau khi bị thuyên tắc mạch vành, hưởng thọ 60 tuổi.

Khi còn sống, Theodore Roosevelt không được nhận Huân chương Danh dự (Medal of Honor) – phần thưởng cao quý nhất đối với quân nhân – cho Trận Đồi San Juan.

Nhưng hơn 100 năm sau, vào ngày 16/1/2001, Roosevelt trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên nhận huân chương này do cựu Tổng thống Bill Clinton trao tặng.

Năm 1932, Hiệp hội Tưởng niệm Theodore Roosevelt đã mua một hòn đảo rộng 91 mẫu Anh trên sông Potomac để xây đài tưởng niệm Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, gọi là Đảo Theodore Roosevelt (Theodore Roosevelt Island).

Với một khu rừng nhân tạo với cây cối rậm rạp và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hòn đảo rất phù hợp để tưởng niệm nhà bảo tồn vĩ đại của đất nước.

Được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến năm 1967, đài tưởng niệm hiện nay là một quảng trường ngoài trời lớn nằm trong khu đất trống ở phía bắc của hòn đảo.

Với một khu rừng nhân tạo với cây cối rậm rạp và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hòn đảo rất phù hợp để tưởng niệm Theodore Roosevelt – nhà bảo tồn vĩ đại của đất nước. Ảnh: NPS

Được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư Eric Gugler, công trình bao gồm một quảng trường hình bầu dục lát đá granite với 2 hồ có đài phun nước. Toàn bộ khu vực này được bao bọc bởi một con hào đầy nước và nối với phần còn lại của đảo bằng những cây cầu bộ hành.

Sau lưng bức tượng đồng Roosevelt cao 17 feet là tấm bia đá granite cao 21 feet khắc nội dung các câu nói bất hủ và các tác phẩm nổi tiếng của ông.

Được tạo tác bởi nhà điêu khắc Paul Manship, bức tượng khắc họa tư thế phát biểu đặc trưng của Theodore Roosevelt với một cánh tay đang giơ cao và tràn ngập năng lượng.

Là tổng thống sôi nổi và thẳng thắn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, Theodore Roosevelt đã đưa nước Mỹ tự tin bước vào thế kỷ 20 với nhiều chính sách tiến bộ về đối nội và tầm ảnh hưởng rộng mở về đối ngoại. Theodore Roosevelt xứng đáng là một trong những tổng thống vĩ đại của nước Mỹ.

https://soha.vn/tong-thong-theodore-roosevelt-la-ai-va-8-ky-tich-luu-danh-lich-su-my-20211214234516408.htm