Tương lai của Công chúa cô độc nhất Nhật Bản sau lễ trưởng thành sẽ ra sao, liệu có tạo ra bước ngoặt lịch sử?
Lễ trưởng thành của Công chúa Aiko đã được diễn ra vào hôm 5/12 vừa qua và cô sẽ tổ chức họp báo chính thức vào tháng 3/2022 để công bố kế hoạch hoạt động với tư cách là một thành viên trưởng thành của hoàng gia Nhật Bản.
Việc Công chúa Aiko bước sang tuổi 20 đã khiến hoàng gia Nhật phải đối mặt với một thực trạng đau lòng là số lượng thành viên trong hoàng gia ngày càng ít đi. Theo Luật Hoàng gia năm 1947, chỉ nam giới mới được thừa kế ngai vàng.
Trong khi đó, các thành viên nữ của hoàng gia Nhật sẽ phải từ bỏ tước hiệu và bị xóa tên khỏi danh sách hoàng tộc nếu kết hôn với thường dân. Hiện hoàng gia Nhật Bản chỉ còn ba người thừa kế nam giới: Thái tử Fumihito (55 tuổi), em trai Nhật hoàng Naruhito; Hoàng tử Hisahito (15 tuổi), con trai Thái tử Nhật và Hoàng tử Hitachi (85 tuổi) là em trai Thượng hoàng Akihito.
Công chúa Aiko rạng rỡ trong lễ trưởng thành
Như vậy theo luật lệ truyền thống, Công chúa Aiko, người con duy nhất của vợ chồng Nhật hoàng Naruhito sẽ không được kế vị cha mình. Nếu Công chúa Aiko kết hôn với thường dân, cô sẽ phải rời hoàng gia như em họ Mako, người vừa kết hôn với thường dân Kei Komuro hồi cuối tháng 10.
Kumiko Nemoto, Giáo sư xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto, cho rằng hoàng gia Nhật đang đối mặt khủng hoảng người thừa kế do tư tưởng chỉ truyền ngôi cho nam giới.
“Các thành viên nữ trong hoàng gia Nhật Bản được kỳ vọng tiếp tục dịu dàng, nữ tính và đoan trang, hỗ trợ các thành viên nam, bao gồm cả người chồng, người cha và quốc gia. Họ vẫn được mong đợi đi theo con đường truyền thống của vợ và mẹ. Nhưng nếu Aiko đi theo con đường này, cô ấy sẽ mất danh hiệu và vị trí sau khi kết hôn như em họ mình“, Nemoto nói.
Mako Komuro là 1 trong 8 Công chúa Nhật Bản bị mất tước vị sau khi kết hôn với thường dân. Và nhiều người đang hy vọng rằng đến Công chúa Aiko, luật lệ sẽ được thay đổi, cho phép thành viên nữ trong hoàng gia được kế vị hoặc cho phép họ duy trì tước vị sau khi kết hôn với thường dân.
Các Công chúa Nhật đa phần trở thành thường dân sau khi lấy chồng
Nếu điều đó xảy ra, Công chúa Aiko sẽ tạo nên bước ngoặt lịch sử chưa từng có trong gia đình hoàng gia Nhật. Còn nếu không, số phận của Aiko được an bài như bao công chúa khác.
“Nếu Nhật Bản trở nên bình đẳng hơn về giới tính, quan điểm và kỳ vọng của công chúng với hoàng gia Nhật Bản sẽ thay đổi theo hướng dân chủ hơn“, Giáo sư Nemoto nhận định.
Công chúa Aiko hiện theo học ngành Văn học Nhật Bản tại Đại học Gakushuin. Cô cũng tham gia các khóa học ngôn ngữ bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha, cũng như các lớp học lịch sử và nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Công chúa Aiko được công chúng yêu quý nhờ lối sống giản dị, tính cách tiết kiệm, giữ gìn truyền thống hoàng gia khi từ chối làm vương miện mới, may lễ phục đơn giản trong bối cảnh đại dịch để chia sẻ khó khăn cùng người dân.
Nguồn: SCMP, Yahoo JP