Tương truyền hoàng đế Càn Long đã từng phải đi trộm: Vật phẩm đắt ngang Rolls Royce?

Theo lời đồn đại trong dân gian, khi Càn Long đang xây dựng lăng tẩm của mình là Thanh Dụ Lăng, người phụ trách đã báo lại rằng gỗ trinh nam không đủ. Điều này khiến vị hoàng đế nhà Thanh rất lo lắng.

Để biết vì sao gỗ trinh nam lại có thể khiến Càn Long lo lắng, chúng ta phải bắt đầu từ giá trị của chúng. Đây là loại gỗ quý mà người xưa ưa thích nhất để xây nhà và các công trình nói chung. Những người có khả năng sử dụng gỗ trinh nam đều thuộc tầng lớp quyền quý và giàu có.

Gỗ trinh nam có mùi hương và độ bền mà những loại khác khó có thể sánh bằng. Về giá trị trong hàng những vật liệu xây dựng bằng gỗ, trinh nam được ví như Rolls Royce của thời hiện đại. Điều này đủ để thấy rằng đây là một loại gỗ vô cùng quý giá.

Gỗ trinh nam được sử dụng làm vật liệu xây dựng cho hoàng thất từ thời nhà Nguyên. Vì sau này chỉ nhà vua và người thuộc hoàng tộc mới có khả năng sở hữu loại gỗ này nên nó còn được gọi là “gỗ hoàng đế”.

Hơn nữa, cây trinh nam có chu kỳ sinh trưởng rất dài và là loài thực vật nở muộn. Thời kỳ vàng phát triển của một thân cây đạt tiêu chuẩn cần hàng trăm năm. Do đó, sau khi nhà Nguyên, nhà Minh và đầu nhà Thanh khai thác, đến thời Càn Long, số lượng gỗ đã sụt giảm nặng nề.

Gỗ trinh nam có chất lượng vượt trội. Ảnh: Sohu


Việc thiếu gỗ này đã khiến Càn Long ‘đứng ngồi không yên". Tình cờ một lần khi chiêm bái lăng mộ của Hoàng đế nhà Minh, ông đã phát hiện ở đây có loại gỗ trinh nam. Không những vậy, chất lượng của loại gỗ này hoàn toàn vượt xa so với những thứ đã thấy trước đây.

Có lời đồn đại cho rằng hoàng đế Càn Long đã giao cho một người chịu trách nhiệm ‘xử lý" vấn đề này bằng cách lấy lý do tu sửa để ‘trộm gỗ". Nhưng đây chỉ là những lời đồn đại dân gian và chưa có bằng chứng cụ thể.

Ngược lại, có quan điểm cho rằng vua Càn Long không cần phải làm những việc như vậy. Mặc dù gỗ trinh nam rất khan hiếm vào thời nhà Thanh, nhưng Càn Long vẫn có thể sử dụng nếu muốn và ông sẽ không phá bỏ lăng tẩm nhà Minh để xây dựng lăng của riêng mình.

Công trình Thanh Dụ Lăng của Càn Long tiêu tốn tổng cộng 2,03 triệu lạng bạc. Tính theo giá trị một lạng bạc thời Càn Long, con số phải bỏ ra để hoàn thành xây dựng là tương đương với 900 triệu đến 1,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.588 tỷ đồng). Đây là một con số hoàn toàn lớn và không có lý gì không thể sở hữu gỗ trinh nam.

Quan tài của vua chúa thường được làm từ gỗ trinh nam. Ảnh: 163

Thêm vào đó, dù loại gỗ này đã rất khan hiếm từ giữa và cuối triều đại nhà Thanh, nhưng hoàng đế Đạo Quang, cháu nội của Càn Long, sau này đã sử dụng rất nhiều gỗ trinh nam khi xây dựng lăng mộ cho chính mình. 

Về tổng thể, lăng của vua Đạo Quang không tốt bằng Thanh Dụ Lăng của Càn Long. Tuy nhiên, vật liệu sử dụng được thiết kế tinh xảo hơn nhiều. Không những vậy, người ta còn tìm thấy rất nhiều gỗ trinh nam trong lăng mộ của vua Đạo Quang.

Như vậy có thể thấy rằng mặc dù gỗ trinh nam tương đối hiếm vào giữa và cuối triều đại nhà Thanh, nhưng các nhà vua hoàn toàn có thể sở hữu chúng. Vì vậy, Càn Long không cần thiết phải đánh cắp.

Nhìn chung, những câu chuyện về chuyện vua Càn Long trộm gỗ vẫn được lưu truyền trong dân gian. Nhiều người đưa ra các giả thuyết khác nhau song vẫn chưa có ai có bằng chứng 100%. Do đó, các nhà sử học vẫn cần thời gian để nghiên cứu thêm về vấn đề này.