Chọn Ly Sơn để xây dựng lăng mộ: Mảnh đất đắc địa khiến Tần Thuỷ Hoàng say đắm có gì?

Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN) là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, có công thống nhất Trung Hoa và cũng là vị vua có ảnh hưởng lớn bậc nhất trong lịch sử nước này.

Từng nắm giữ quyền lực tối thượng, nên việc hoàng đế Tần Thủy Hoàng sở hữu một lăng mộ khổng lồ là điều không lấy làm lạ. Thế nhưng, dù đã qua hơn 2.000 năm, bí ẩn lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn còn là một bài toán nan giải với hậu thế.

Có rất nhiều nguyên nhân giúp cho lăng mộ này “yên giấc” suốt hơn 2.000 năm mà khoa học hiện đại ngày nay dần khám phá ra, nhưng cũng có những điều mà phải qua lăng kính phong thủy học mới có thể trả lời. 

Tần Thuỷ Hoàng chọn xây lăng mộ ở Ly Sơn dù nơi đây cách xa kinh thành Hàm Dương.

Tần Thuỷ Hoàng say đắm Ly Sơn

Hình ảnh vệ tinh về lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng.

Phong thủy vốn được coi là vấn đề trọng yếu đối với các lăng mộ hoàng đế thời xưa, với mục đích nối dài mạch ngầm đế vương cho dòng tộc. Với việc đam mê quyền lực vĩnh cửu và tin tưởng vào sự ủy thác của thiên mệnh, ngay từ khi mới xưng vương năm 13 tuổi, Tần Thủy Hoàng đã cho người tìm kiếm vùng đất đắc địa để xây dựng lăng mộ cho riêng mình khi tạ thế.

Theo các nhà khoa học, tổng diện tích của lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng là 41.600 m2, tương đương với 5 sân bóng đá quốc tế. Đây cũng lăng mộ hoàng gia lớn nhất từng được xây dựng cho một cá nhân trên thế giới.

Theo cuốn “Nghi lễ Cựu Hán”, điểm tận cùng của lăng mộ khổng lồ này không thể đo đếm được.

Và nơi đó chính là núi Ly Sơn, cách kinh thành Hàm Dương cổ rất xa, cách Tây An khoảng 50km về phía Đông, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). 

Theo nhà phong thủy thời hiện đại Thiệu Vĩ Hoa, Ly Sơn là mảnh đất có phong thủy bảo địa khiến Tần Thủy Hoàng đặc biệt say đắm.  

Lệ Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy đã giải thích: Tần Thủy Hoàng đại táng, xây lăng mộ ở núi Ly Sơn, nơi có nhiều vàng và ngọc quý. Mảnh đất này có phong thủy rất đẹp. Tần Thủy Hoàng tham vọng quyền lực nên ông đã quyết định chôn cất tại đây.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, ở góc độ phong thủy, lăng mộ Tần Thủy Hoàng là hình mẫu, kho tàng về địa lý được coi là lý tưởng. Lăng mộ của vị hoàng đế này được xây dựng theo nguyên tắc “y sơn, bàng thủy” (có nghĩa là dựa núi và gần nguồn nước).

Trên thực tế, ngay từ thời Xuân Thu và Chiến Quốc, quan niệm xây dựng lăng mộ dựa vào núi đã xuất hiện. Từ đó về sau người ta khi chọn mảnh đất để xây dựng lăng mộ đều chú ý đến môi trường địa lý của núi, sông gần đó.

Ly Sơn – vượng khí cho đế vương

Ly Sơn có vị trí phong thuỷ cực đẹp. Lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng được xây dựng với quy mô khổng lồ ở vùng đất này.

Theo thuyết phong thuỷ, dãy núi Ly Sơn có thế đất hình rồng. Trong đó, lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng được xây dựng chính xác ở vị trí “mắt rồng”, được cho là rất linh thiêng.

Nếu nhìn từ Vị Thủy, Ly Sơn giống như một bức bình phong lớn để lăng mộ tựa vào. Ngoài Vị Thủy, lăng mộ của vị hoàng đế này còn có một con hào nhân tạo, gọi là “Ngư Trì Thủy”. Ở phía Đông của lăng mộ, có dòng suối nước nóng chảy qua liên tục.

Theo ghi chép của “Thủy kinh chú”, một tác phẩm đồ sộ về địa lý của Trung Quốc thời cổ đại, Ly Sơn có suối nước nóng ở phía Tây Nam và có thể dùng làm nơi chữa bệnh. 

Cuốn “Tam Tần Ký” cũng có nhắc đến chi tiết rằng, có suối nước nóng ở phía Tây Bắc của núi Ly Sơn. Và trên thực tế, vùng Ly Sơn đúng là nổi tiếng có suối nước nóng và phong cảnh độc đáo, đa dạng.

Khái quát lại, không khó để nhận ra đặc điểm phong thủy của lăng mộ Tần Thủy Hoàng là phía nam dựa vào núi, ba mặt bắc, đông, tây đều được bao quanh bởi nước. 

Có thể nói rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng có phong thủy bảo địa tuyệt đẹp, và phương pháp chọn nơi làm lăng mộ đó có ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn đất phong thuỷ để xây dựng lăng mộ của các vị hoàng đế thuộc những triều đại sau này.

Theo các chuyên gia và học giả nghiên cứu, sở dĩ Tần Thuỷ Hoàng chọn xây lăng mộ ở Ly Sơn cũng là do chịu ảnh hưởng của thuyết phong thuỷ. Hơn nữa, rất có thể do đam mê quyền lực vĩnh cửu cùng với việc tin rằng lăng mộ xây dựng ở Ly Sơn có thể bảo vệ long mạch của nhà Tần từ đời này sang đời khác, nên Tần Thuỷ Hoàng mới chọn nơi này, đồng thời đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.

Theo các chuyên gia khảo cổ, không phát hiện ra lỗ hổng nào cho thấy những kẻ trộm mộ từng đột nhập vào lăng mộ. Điều này có nghĩa là hầm mộ trung tâm nơi đặt quan tài của Tần Thuỷ Hoàng vẫn chưa bị xáo trộn.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Zhihu, KKnews, Baidu

https://soha.vn/chon-ly-son-de-xay-dung-lang-mo-manh-dat-dac-dia-khien-tan-thuy-hoang-say-dam-co-gi-20211213153843651.htm