Vạch mặt 'phong thủy tà ác hãm hại Hong Kong': Tòa nhà lạ xuất hiện, chuyện xấu xảy ra
TÒA NHÀ LẠ XUẤT HIỆN, CHUYỆN XẤU LIÊN TIẾP XẢY RA
Thời điểm không lâu sau khi tòa trụ sở Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh tại Hong Kong (Đặc khu hành chính của Trung Quốc) hoàn thiện vào năm 1990, quan chức làm việc ở tòa nhà chính quyền ở gần đó, Thống đốc Hong Kong (dưới thời Anh tiếp quản) qua đời. Người kế nhiệm vừa ngồi chưa bao lâu đã bị sa thải. Thống đốc tiếp theo cũng liên tiếp gặp rắc rối ngay sau khi tiếp quản vị trí.
Kể từ khi tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc khai trương, chuyện xấu liên tiếp xảy ra. (Ảnh: Baidu)
Tới năm 1997, Trưởng đặc khu đầu tiên của Hong Kong sau khi Anh chuyên trả lại cho Trung Quốc là Đổng Kiến Hoa. Có thông tin cho biết, không hiểu vì sao ông Đổng nhất quyết không dọn vào sống tại tòa nhà mà chính quyền (?). Nhiều người cho rằng, những chuyện xấu liên tiếp xảy ra nhiều khả năng là do luồng “sát khí” từ tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc ở đối diện đó.
Tất nhiên, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở những lời đồn đại.
Tới khi tòa nhà HSBC và trung tâm Lippo, đều nằm ở gần tòa Ngân hàng Trung Quốc nêu trên, “gặp sự cố”, thì những lời đồn thổi về “sát khí” kể trên leo thẳng lên vị trí nóng.
Những lời đồn thổi, bình luận tiêu cực phần nhiều viện dẫn khái niệm “phong thủy”, dù vậy không có cơ sở nào chứng minh các viện dẫn đó là chính xác với Phong thủy học chính thống và có tính khách quan.
Theo nhiều bình luận, xét về mặt phong thủy, trụ sở của ngân hàng HSBC nằm ở ngay vị trí đẹp nhất của của long mạch, nơi tụ tài. Mọi tài nguyên dường như đều đổ dồn về ngân hàng HSBC. Có thể nói, ngân hàng này với sự phát triển mạnh mẽ đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính quốc tế. Và trung tâm Lippo cũng tọa lạc tại khu vực này đã một bước trở thành nơi được coi như thị trường cho thuê văn phòng nhộn nhịp nhất thế giới.
Những tòa nhà xung quanh trụ sở Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh tại Hong Kong đều “tình cờ” gặp nhiều sự cố. (Ảnh: Baidu)
Thế mà sau khi tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc xuất hiện, mọi hoạt động của HSBC dường như đều mất đi hiệu quả một cách khó hiểu, còn người chủ sở hữu của trung tâm Lippo thì kém may mắn hơn đã bị phá sản và phải bán cả tòa nhà này với giá rẻ…
Những việc đó đã biến trụ sở Ngân hàng Trung Quốc thành “nỗi kinh hoàng” của các công trình lân cận – chí ít là theo những lời đồn đại chưa được xác minh.
Và sau đây là một loạt “thuyết âm mưu” gắn với tòa nhà.
THUYẾT ÂM MƯU: ĐAO 3 LƯỠI & 2 KHẨU PHÁO
Kiến trúc sư I.M.Pei – “cha đẻ” của kim tự tháp kính tại bảo tàng Louvre ở Paris – chính là người đã thiết kế công trình này.
Tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc tại Hong Kong do kiến trúc sư nổi tiếng I.M.Pei thiết kế. (Ảnh: Baidu)
Kiến trúc sư I.M.Pei đã thiết kế tòa trụ sở Ngân hàng Trung Quốc với 72 tầng, cao 288 m, được tạo thành từ 4 khối hình tam giác có độ cao khác nhau. Với vẻ ngoài độc đáo, tòa nhà này được mọi người tán dương như 1 tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của kiến trúc sư I.M.Pei.
Tòa nhà này được hoàn thành vào năm 1989 và chính thức khai trương vào năm 1990.
Thế nhưng, ngay từ khi bản thiết kế của tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc được công bố, nó đã bị một số người chỉ trích nặng nề bởi lối kiến trúc phá bỏ nguyên tắc âm dương, hoàn toàn phạm vào đại kỵ của phong thủy.
Có người nói rằng, trong quá trình hoàn thiện bản vẽ, I.M.Pei không hề tham khảo ý kiến của vị chuyên gia phong thủy nào, nên nó mới phạm nhiều đại kỵ như vậy. Hơn nữa, mảnh đất xây dựng tòa nhà này trước đây từng là nhà tù và nơi hành quyết tù nhân, nên “âm khí” càng nặng.
Trong con mắt của nhiều người làm phong thủy tại Hong Kong, cấu trúc hình tam giác của Ngân hàng Trung Quốc dễ làm liên tưởng tới “kim tự tháp“, mà trong tiếng Quảng Đông từ này đồng nghĩa với “tiểu đựng hài cốt”. Chưa hết, hai cột trên nóc tòa nhà chĩa thẳng lên trời trông rất giống với 2 nén nhang đang thắp trên bàn thờ!
Sau khi công bố, thiết kế tòa nhà này đã bị chỉ trích rất nhiều về những lỗi phong thủy đại kỵ. (Ảnh: Baidu)
Các mảng chéo hình chữ X ở mặt trước tòa nhà cũng được cho là liên tưởng ngay tới biểu tượng cái chết dành cho người bị hành quyết.
Chưa hết, 3 góc tam giác của tòa nhà với cạnh thẳng đứng vươn lên cao chẳng khác gì 3 lưỡi đao sắc lạnh, cắt đi các mạch khí tốt, và truyền năng lượng tiêu cực tới các tòa nhà quanh khu vực đó.
Bên cạnh đó, theo các lập luận phản đối, hầu hết các tòa nhà cao tầng ở Hong Kong đều phải có khoảng trống ở giữa gọi là “Cổng Rồng” để loài Rồng cư ngụ ở đây thường xuyên qua lại mới mang lại nhiều may mắn, nhưng tòa trụ sở Ngân hàng Trung Quốc không hề có. Không xây “Cổng Rồng” cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tòa nhà này có vận khí kém.
Vì những điều này, tòa nhà Chính phủ sau đó liền vội vàng trồng 1 hàng cây liễu ở hướng đối lập với tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc, tại hoa viên xây 1 đài phun nước xoay chuyển để xua tan năng lượng tiêu cực. Còn ngân hàng HSBC thì nhanh chóng đặt 2 khẩu đại pháo trên đỉnh tòa nhà với ý nghĩa phản khắc lại “sát khí” của đối thủ.
Sau khi gặp chuyện, tòa nhà Ngân hàng HSBC lập tức lắp 2 nòng pháo đáp trả “sát khí”. (Ảnh: Baidu)
Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia phong thủy, hơn 30 năm sau khi được xây dựng, tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc vẫn đứng vững và trở thành 1 trong những công trình nổi bật nhất tại Hong Kong. Nếu quả thực tòa tháp này có phong thủy “hung hãn” nhất thế giới thì làm sao mà nó cùng với các tòa nhà khác có thể trụ vững sau nhiều năm như vậy?
GIẢI MÃ BÍ ẨN TÒA NHÀ “HUNG HÃN” NHẤT THẾ GIỚI
Đến lúc này, nhiều chuyên gia phong thủy uy tín cũng như chính bản thân kiến trúc sư I.M.Pei đã có những lời giải đáp bí ẩn về “sát khí” của tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc như sau.
Thứ nhất, tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc được thiết kế theo hình “lưỡi dao” là do địa hình của mảnh đất này có dạng hình tam giác với diện tích nhỏ. Xung quanh mảnh đất đều là đường cao tốc chắn ngang 3 phía, nên giải pháp xây dựng tốt nhất chỉ có thể nương theo thế đất để làm.
Thứ hai, cha của kiến trúc sư I.M.Pei, ông Tsuyee Pei chính là Thống đốc của Ngân hàng Trung Quốc, cũng là người lập ra chi nhánh của ngân hàng này tại Hong Kong. Vì vậy, việc lựa chọn I.M.Pei làm người thiết kế tòa trụ sở là hoàn toàn phù hợp. Hơn nữa, I.M.Pei có thể tính là “người nhà”, thì sao có chuyện vị kiến trúc sư này cố tình xây tòa nhà phạm đại kỵ được!
Thứ ba, trên website của Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Hong Kong đã mô tả rằng thiết kế của tòa nhà được mô phỏng theo những búp măng. Bởi họ tin rằng hình ảnh măng tre cũng là biểu tượng cho sự phát triển nhanh chóng, tinh thần vươn lên mạnh mẽ đầy sức sống.
Thứ tư, theo chính kiến trúc sư I.M.Pei, sở dĩ ông chọn hình dáng mà bị mô tả là “lưỡi dao” là để tận dụng các cây cột bê tông cốt thép ở các góc giúp áp lực của toàn bộ tòa nhà được san sẻ đồng đều. Đặc biệt, các khung hình chữ X thực chất là phần quan trọng nhất của thiết kế, bởi nó là trục đỡ chính của cả tòa nhà.
Các chuyện xấu xảy ra với các tòa nhà quanh khu vực mà được xâu chuỗi lại, thật ra chỉ là trùng hợp. (Ảnh: Baidu)
Thứ năm, chính giới chuyên gia phong thủy viết bài trên tạp chí Fortune cho rằng, việc giấu đi các phần nằm ngang trong cấu trúc bề mặt tòa nhà và chỉ để lộ những cấu trúc dọc và chéo thực chất là dụng ý của kiến trúc sư I.M.Pei. Các phần lộ đã tạo nên một chuỗi các viên ngọc giao nhau và tạo thành hình chữ “Vạn”, là một biểu tượng mang ý nghĩa tốt lành và may mắn của Phật giáo.
Về 2 mô hình đại bác được đặt trên tòa nhà Ngân hàng HSBC với nòng súng hướng thẳng về kẻ “gây sự”, trên thực tế chỉ là cần trục để lắp ròng rọc lau cửa sổ. Ngoài ra, ở tầng thấp hơn cũng đặt 2 cần trục khác quay hướng ngược lại!
Còn về việc Trung tâm Lippo sa sút, các chuyên gia kinh tế đã phân tích rằng thời điểm đó Hong Kong đang ở trong tình trạng bất ổn kinh tế sâu sắc nhất. Cộng với sự đóng cửa vì dịch Covid-19 nên chuyện trung tâm Lippo phá sản là điều khá dễ hiểu.
https://soha.vn/vach-mat-phong-thuy-ta-ac-ham-hai-hong-kong-toa-nha-la-xuat-hien-chuyen-xau-xay-ra-20211223010203818.htm