World Bank thống kê gần 100 triệu người xuống đáy nghèo vì Covid-19
Đại dịch Covid-19, bên cạnh sinh mạng con người, còn khiến khả năng tài chính của nhiều tầng lớp trở nên tan nát.
Dipali Roy chẳng có nổi một đồng để mua thức ăn. Theo đúng nghĩa đen.
Cô và chồng – anh Pradip Roy – là công nhân dệt may tại thành phố Dhaka, Bangladesh cho đến khi làn sóng Covid-19 ập đến vào mùa xuân năm 2021 khiến công nhân phải nghỉ việc hàng loạt.
Cũng giống như hàng triệu người trên thế giới, cả hai đều mất việc. Và giống như vô số những người di cư khác, họ buộc phải rời thành phố về quê để cắt giảm chi phí sinh hoạt.
Năm 2020, Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) ước tính có 97 triệu người trên toàn cầu đã rơi vào cảnh đói nghèo vì dịch bệnh, với mức thu nhập dưới 2 USD mỗi ngày (khoảng 46 ngàn đồng tiền Việt). Sau đó 1 năm, mọi chuyện cũng không mấy khá khẩm hơn.
“Chúng tôi chỉ có vừa đủ tiền để về quê,” – Dipali Roy trả lời phỏng vấn từ xa của CNN, trong căn nhà được quây bằng tôn tại một ngôi làng phía bắc Bangladesh.
Về quê, họ phải kiếm kế khác để mưu sinh và vấp phải nhiều khó khăn. Họ tìm cách vay một khoản tiền nhỏ để kinh doanh, nhưng thời buổi dịch bệnh thì chẳng có ai sẵn tiền cả. Một số tổ chức phi lợi nhuận sẵn sàng cho vay thì cần tài sản thế chấp, mà họ thì trắng tay.
Sẵn sàng làm nông, Pradip Roy tiếp cận một số nông dân xin việc. Nhưng chẳng ai nhận anh cả với cái tiếng “dân từ Dhaka về” – nghĩa là không có sức để chịu nổi nghề nông nắng nôi vất vả.
“Nghiêm trọng nhất vẫn là thức ăn,” – Dipali Roy cho biết. Người phụ nữ mới 20 tuổi và đang mang thai chỉ được ăn ngày 1 bữa do các tổ chức từ thiện cung cấp. “Tôi thực sự chẳng biết phải làm gì, chỉ có thể ngồi đợi người ta cho ăn thôi.”
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra bước lùi lịch sử trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu, khi số người nghèo cùng cực trên thế giới lần đầu tiên tăng lên sau 20 năm. Carolina Sánchez-Páramo, giám đốc điều hành chương trình xóa đói giảm nghèo của WB đã ví đại dịch này giống như thảm họa tự nhiên, sẽ sớm vượt ra khỏi tâm dịch ở Đông Á.
“Vấn đề không còn là liệu cơn sốc kinh tế này có chạm tới các khu vực đang phát triển khác hay không, mà là khi nào.”
Bất bình đẳng ngày càng tăng
Bất chấp việc có hàng chục triệu người đang chịu cảnh thiếu thốn, giới siêu giàu lại ngày càng giàu thêm. Trong năm 2020, các tỉ phú chứng kiến mức tăng trưởng tài sản kỷ lục, theo thống kê của World Inequality Lab.
Chỉ mất 9 tháng để 1000 người giàu nhất thế giới thu lại được khối tài sản đã mất đi vì dịch bệnh và bành trướng thêm, thì những người nghèo khổ có thể phải mất cả thập kỷ để phục hồi.
Shameran Abed, giám đốc điều hành của BRAC International – tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người nghèo tại châu Á và châu Phi, cho biết với vấn đề khoảng cách tài chính, chỉ cần “3 người giàu nhất thế giới” là đủ để xóa bỏ những trường hợp nghèo cùng cực trên Trái đất rồi.
“Đó không hẳn là trách nhiệm của họ, nhưng ý tôi là chỉ cần họ là có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề.”
Thời gian gần đây, nhóm 1% người giàu nhất đang chịu nhiều áp lực trong việc giải quyết các vấn đề về nhân quyền. Hồi tháng 11/2021, Giám đốc Chương trình Lương thực của Liên hợp Quốc (LHQ/ UN), ông David Beasley đã kêu gọi 2 tỉ phú giàu nhất thế giới là Jeff Bezos và Elon Musk “đứng ra chung tay giải quyết nạn đói” toàn cầu. Theo đó, ông Beasley cho rằng chỉ cần 6 tỉ USD – tương đương 2% tài sản của Musk là đủ để giải quyết nạn đói.
Phát ngôn của Beasley đã tạo ra một drama gây xôn xao cho thế giới, khi Musk lên tiếng đáp trả rằng sẽ bán luôn cổ phiếu Tesla nếu “LHQ trình bày rõ khoản tiền sẽ được chi như thế nào”. Tuy nhiên, ông chủ Tesla sau đó đã không hồi đáp thêm điều gì, dù LHQ đã công bố kế hoạch của mình.
Tia hy vọng đang tới
Trở lại với Bangladesh, vợ chồng Roy đang nhìn thấy những tia hy vọng. Sau khi được cho vay khoản tiền 40.000 taka (tương đương hơn 10 triệu đồng), 2 vợ chồng đã mua một chiếc xe gắn máy và một con dê.
Hiện tại, Pradip làm nghề tài xế chở khách, kiếm được khoảng 6 đô mỗi ngày. Anh cho biết gia đình mình không có kế hoạch trở về thành phố, đang tiết kiệm tiền để mua một con bò và vài miếng đất làm nông.
Về cơ bản, vợ chồng Roy đang dần thoát khỏi cảnh nghèo. Tuy nhiên, những khó khăn mà đại dịch mang lại, đối với họ, là trải nghiệm không thể quên.
Dipali cho biết, cơn đói cô phải chịu đựng lúc mang thai là “trải nghiệm đau đớn nhất trong đời”. “Mỗi lần nghĩ lại, trái tim tôi luôn nhói đau,” – cô tâm sự. “Nhưng may mắn là giờ mọi chuyện đã khác.”
Hiện tại, Dipali đang thấy hy vọng nhiều hơn cho tương lai, mơ mộng rằng sẽ nuôi dạy con trai mình học lên thạc sĩ sau này.
“Vẫn còn rất nhiều người giống như chúng tôi, rơi xuống tận cùng xã hội. Nhưng chỉ cần có hỗ trợ, họ sẽ dần vươn lên, như những gì chúng tôi đã làm!.”