Xôn xao bảng chi Tết hơn 71 triệu đồng, có người tặc lưỡi: “Vậy còn ít”
Con số hơn 71 triệu đồng cho mấy ngày Tết trong tình hình kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch dã thế này quả khiến không ít người “vã mồ hôi hột”.
Dịch COVID-19 đã và đang thay đổi cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Mới đó mà ngoảnh đi, ngoảnh lại đã tới cuối năm. Nhiều người không khỏi giật mình khi năm nay còn chưa làm được gì nhiều đã nghe người ta kháo nhau chuẩn bị Tết.
Mới đây, một bức ảnh chụp bảng chi tiêu Tết Nguyên đán 2022 được chia sẻ đã nhận được đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Người đăng bài chia sẻ:
“Ngồi hóng hớt chị kế toán liệt kê danh sách chi tiêu cho Tết Nguyên Đán mà tôi xỉu ngang, gần bằng cả cái đám cưới ở quê tôi rồi. Bảo sao mà càng ngày giới trẻ càng sợ lập gia đình. Giờ mới hiểu vì sao ngày xưa mỗi lần Tết về tôi hớn ha hớn hở thì bố mẹ mặt lại tái xanh…”
Đăng cùng những dòng chia sẻ trên là ảnh chụp bảng chi tiêu Tết với con số tổng lên đến 71.195.000 đồng. Cụ thể:
1. Ông Công ông Táo: 600.000
2. Sắm Tết: 10.000.000
3. Biếu bố mẹ 2 bên: 20.000.000
4. Quà Tết sếp: 3.000.000
5. Giỏ quà biếu nội ngoại: 2.000.000
6. Giỏ quà biếu anh chị xin việc hộ: 1.500.000
7. Trang trí nhà cửa: 1.500.000
8. Thay bình ga: 550.000
9. Mừng tuổi họ hàng: 15.000.000
10. Mừng tuổi đồng nghiệp: 8.000.000
11. Quần áo 2 con: 5.000.000
12. Quần áo 2 vợ chồng: 3.000.000
13. Tiền mạng 2 tháng: 545.000
14. Tá lả khai xuân: 500.000”
Bảng dự kiến chi tiêu Tết này thực sự khiến nhiều người không khỏi choáng váng.
“Chưa làm được gì đã hết năm, nghe mọi người nhắc đến Tết mà hoảng. Chưa thấy có đồ ăn đồ uống gì mà đã hơn 70 triệu. Đọc mà muốn trầm cảm quá!”
“May quá, ở quê mình Tết cả nhà tầm chục triệu là được rồi. Gạo nếp có, gà tự nuôi, rau tự trồng, nhà có bưởi, chuối rồi. Chứ 71triệu như này mình ăn được mấy cái Tết rồi!.”
“Ngay khoản chi mua vàng mã ông công táo 600 nghìn là biết chơi “hệ” khác người rồi”.
“Tết mà thế này thì dân lao động ai dám Tết nữa. Năm nay dịch dã, đủ ăn đã là tốt lắm rồi. Chỉ mong mọi thứ ổn để tập trung làm ăn, cố kiếm cái bánh chưng có thịt cho mấy đứa nhỏ”.
“Gửi các chị em kế hoạch chi tiêu Tết 0 đồng để mọi người tham khảo nha. Chứ 71 triệu kia thì em xin khỏi Tết luôn cho đỡ ốm.
Bánh chưng: xin ông nội; hành muối: xin bà ngoại; thịt lợn: đang cao đợi giảm thì mua; pháo: đang cấm; rượu: thổi nồng độ cồn; gà: xin bà ngoại; mứt Tết: xin cậu; rau các loại: xin bà ngoại; đào quất: nhà chật không chỗ để; gạo: xin bà ngoại.”
Chuyện chi tiêu gia đình nói chung và tiêu Tết nói riêng vốn nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người, đặc biệt là các chị em. Con số hơn 71 triệu đồng cho mấy ngày Tết trong tình hình kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch dã thế này quả khiến không ít người “vã mồ hôi hột”. Tuy nhiên, nhiều người cũng thể hiện sự thông cảm hơn, cho rằng chi tiêu là phụ thuộc vào điều kiện gia đình, thậm chí con số thực tế có thể hơn như vậy rất nhiều lần.
“Nghèo chi kiểu nghèo mà giàu chi kiểu giàu. Mừng tuổi hết 23 triệu thì nhà đó chứng tỏ rất có điều kiện. Mình không có để mừng nhiều thì mừng 20 nghìn gọi là lấy lộc.”
“Có bao nhiêu thì đón Tết kiểu bấy nhiêu. Cái gì cũng muốn bung bét ra cho to nhất, đẹp nhất xong bày đặt than thở gì.”
“Đã chi được từng này tiền thì điều kiện cũng phải như nào rồi. Riêng tiền mua quần áo cho con cũng đủ nhà người khác tiêu Tết rồi. Nói chung có sao tiêu vậy. Không có tiền 5 triệu cũng xong cái Tết mà có tiền vẽ ra thì trăm triệu còn được nói gì 7 chục.”
“Ôi đây sao đã đủ Tết được. Còn nào là đồ cúng, hoa quả, đồ ăn, rượu bia bánh kẹo đãi khách í chứ. Nhiều người kêu nhà người ta hoang chứ mình thấy bình thường mà, chủ yếu nặng mấy khoản biếu ông bà hai bên với mừng tuổi thôi, thực tế thì còn nhiều khoản chưa kê ra lắm. Năm đầu mới làm dâu, mình phải chuẩn bị danh sách 2 trang mới hết đấy!”.
“Quan trọng thu nhập của họ là bao nhiêu! Người kiếm 10 triệu thì thấy Tết 70 triệu to chứ người kiếm được 100 triệu họ lại thấy rất bình thường. Quan trọng là phù hợp với hoàn cảnh của mình mà thôi”.
Bên cạnh đó, không ít người lại chỉ chú ý đến một khoản chi nhỏ ở cuối danh sách.
“Thôi bạn ơi! Ngày xuân đã đỏ đen thế kia, đừng bảo là chỉ 500 nghìn. Còn khai xuân kiểu này thì 71 triệu là còn ít!”.
“Riêng khoản số 14 thôi có khi cũng “bay” cả cái Tết rồi chứ nói gì chi tiêu khác. Dính vào mấy trò cờ bạc đỏ đen thì khó nói lắm. Tốt nhất là tránh xa. Còn muốn tiết kiệm thì các khoản biếu xén, mừng tuổi cứ giảm đi là được kha khá rồi. Khéo ăn thì no mà khéo co thì ấm. Người sống cả đời chứ có phải mỗi mấy ngày Tết đâu”.
Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, để những người con xa quê được trở về đoàn viên bên gia đình. Sự xuất hiện của dịch COVID-19 càng khiến con người ta thấy quý trọng hơn những phút giây gia đình sum họp quây quần bên nhau. Suy cho cùng, tiêu bao nhiêu và tiêu thế nào, quan trọng nhất là phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của mình.