Xưa nghèo được giúp đỡ, sau 20 năm chàng trai quay lại trả ơn ân nhân

Sau khi đạt được thành công trong sự nghiệp, người đàn ông đã quay về cảm ơn ân nhân của mình bằng số tiền lớn.

Mới đây, mạng xã hội xôn xao trở lại câu chuyện một vị doanh nhân trả ơn người phụ nữ ngày xưa đã giúp đỡ anh trong lúc nghèo khó. Thành công của anh ở thời điểm hiện tại là dựa vào sự cố gắng không ngừng nghỉ, đầu óc kinh doanh nhạy bén, quyết tâm cao… nhưng không thể phủ nhận là chính vì nhận được giúp đỡ đúng lúc có giá trị về mặt tinh thần, anh đã vươn lên trở thành người giàu có như hôm nay.

Anh Rongfeng chụp ảnh cùng ân nhân của mình. Ảnh chụp màn hình, Sohu

Người đàn ông ấy có tên He Rongfeng, người ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Gia đình anh làm nghề buôn bán thịt heo nhưng sự cố ập đến khiến nhà anh lâm cảnh nợ nần, cha anh phải bỏ xứ ra đi, bỏ lại vợ con tự đối diện với chủ nợ. Anh He Rongfeng nghỉ học để tập trung kiếm tiền trang trải. Tuổi còn nhỏ nhưng số nợ thì to, mẹ con anh cực khổ đủ đường vẫn không đủ trang trải.

Vào năm 1993, anh Rongfeng cùng một số người trong làng quyết định đi xa làm ăn. Suốt chặng đường ấy, nhóm của anh vô tình gặp được người phụ nữ có tên Dai Xingfen. Nghe về hoàn cảnh của họ, chị Xingfen dẫn cả nhóm về nhà nấu cơm đãi. Bữa cơm hôm ấy thật sự ấm áp tình người, cả nhóm được ăn ngon lấy sức tiếp tục lên đường.

Giờ đây anh Rongfeng đã thành công trong sự nghiệp. Ảnh chụp màn hình, Sohu

Trước khi nhóm rời đi, chị Xingfen mặc dù hoàn cảnh chẳng mấy khá giả nhưng vẫn tặng cho họ mỗi người 10 tệ làm lộ phí cùng lời nhắn nhủ: “Em không phải trả lại tiền đâu nhé. Sau khi tìm được việc làm, hãy viết thư cho chị để biết vẫn mạnh khỏe. Các em có thể không có nhiều tiền, nhưng phải là người tốt nhé”.

Số tiền tuy không nhiều nhưng thật sự là động lực to lớn, là chất xúc tác mạnh mẽ khiến anh Rongfeng quyết định sẽ cố gắng hết sức để thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Hoàn cảnh nghèo khổ hiện tại không thể cản bước, anh xin vào công ty ở thành phố Thẩm Dương. Thời gian đầu, mức lương của anh là 300 tệ/tháng (khoảng 1 triệu đồng) và dần dần anh cố gắng hết sức, sự ham học hỏi cùng với sức trẻ hừng hực lửa, anh bước vào lĩnh vực kinh doanh và trở thành doanh nhân thành đạt.

Ảnh trái minh họa, kknews.

Con đường thành công của Rongfeng không trải hoa hồng, càng không có chỗ cho sự lười biếng. Anh càng trải qua vất vả càng hiểu giá trị của đồng tiền và trân trọng lòng người. Anh giờ đã trở thành doanh nhân thành đạt, có trong tay 3 nhà máy sản xuất đồ nội thất và sơn với hơn 100 công nhân.

“Cuối năm 1994, tôi trở thành ông chủ, kiếm được 3000-4000 tệ/tháng (10,7 triệu đồng – 14,3 triệu đồng). Tôi gửi tiền về giúp cha mẹ trả nợ. Năm 1996, tôi kiếm được 100.000 nhân dân tệ/tháng (359 triệu đồng). Thời điểm đó, tôi gửi thư cho chị Xingfen – người đã giúp mình lúc khó khăn. Lúc rời khỏi nhà của chị ấy, tôi mang trong mình sự cảm kích và nghĩ sẽ báo đáp”, Rongfeng chia sẻ.

Thư được gửi đi nhưng khó nhận được hồi đáp vì khu vực chị Xingfen sinh sống cũng không mấy thuận tiện như những vùng khác. Nhiều năm cố gắng liên lạc bất thành, cuối cùng anh Rongfeng thông qua một đối tác mới liên lạc được. Ngày gặp lại ân nhân sau nhiều năm, anh Rongfeng không giấu nổi xúc động. Anh cùng vợ quyết định tặng 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng) cho chị Xingfen để đền đáp tấm lòng của chị ngày xưa đã dành cho anh và những người bạn của anh.

Chị Xingfen thời điểm này có cuộc sống chẳng mấy khá giả, mọi thứ chỉ gọi là tạm ổn nhưng sự hồn hậu, hào sảng của chị vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Bất ngờ nhận được số tiền lớn bằng cả gia tài, chị khéo léo từ chối: “Khi chị giúp em, chị chưa bao giờ nghĩ có ngày gặp lại, huống chi là trả ơn thế này. Một bữa cơm mà em nhớ lâu vậy, chị thấy vui rồi”, Xingfen bày tỏ.

Chị Xingfen cũng chia sẻ thêm: “Hiện tại, tôi sống rất tốt. Mặc dù, gia đình không giàu có nhưng thật sự không thiếu tiền. Em ấy nhớ việc làm tốt khiến tôi vui. Tôi còn nhớ đã đưa cho Rongfeng 10 tệ… nhưng tôi không nhận tiền trả ơn.”

Người ta có câu: Cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả oán. Nhưng không đâu, thực tế là khi bạn mang đến điều tốt đẹp cho người khác thì trước hết cũng là mang niềm vui, sự hạnh phúc đến cho mình. Còn việc người trả lại ơn hay oán là do họ, bạn có quyền không nhận hoặc nghĩ ở khía cạnh khác hơn.

Vị tỷ phí xây 250 biệt thự để tri ân dân làng. Ảnh Internet, Pháp luật và cuộc sống

Như chị Xingfen, ngày chị giúp đỡ anh Rongfeng, chị thật lòng đâu nghĩ đến chuyện oán ơn. Chỉ khi anh tìm nhiều cách để liên lạc, tặng chị số tiền lớn để đền đáp lại tấm lòng của chị khi xưa, chị cũng không muốn nhận. Giúp người không mong được đền ơn chính là trường hợp của chị.

Thực ra, xã hội không thiếu những câu chuyện ấm lòng như vậy. Điển hình như câu chuyện nhân văn của một vị đại gia tên Trần Sinh có đền đáp công ơn của dân làng. Ngày xưa khi Trần Sinh còn là cậu bé, hoàn cảnh của ông rất nghèo khó, cha mất sớm còn mẹ tần tảo nuôi ông. Cả làng đều nghèo, nhưng mọi người thấy ông chăm học thì rất thương. Khi ông vào đại học, cả làng góp tiền cho ông được học hành nên người.

Không phụ ơn mẹ và dân làng, Trần Sinh cố gắng học hành, nắm bắt mọi cơ hội để giờ đây ông là tỷ phú với sự nghiệp rực rỡ. Ở trên đỉnh vinh quang, ông không quên ơn nghĩa của dân làng nên khởi công xây dựng 250 biệt thự nguy nga cho bà con. Nhìn từ trên cao, ngôi làng nhỏ được phủ một màu ngói đỏ vô cùng hoành tráng, 250 căn biệt thự là món quà ông dành cho những người nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho ông ăn học thành người.

Trong lễ tân gia của cả làng, Trần Sinh phát biểu: “Mai này, tôi sẽ già đi và về với tổ tiên. Việc tôi xây biệt thự và tạo kế sinh nhai cho mọi người là điều khiến tôi rất hạnh phúc. Tôi mong mọi người chăm lo cho thế hệ con cháu để chúng có điều kiện học hành và thành công. Tôi hi vọng sẽ có hàng trăm Trần Sinh để làng của chúng ta ngày càng phát triển”./.

Lược dịch theo Sohu