Bà xã Đăng Khôi chia sẻ quan điểm về việc tước điện thoại của con
Chia sẻ của vợ Đăng Khôi đang nhận được nhiều sự đồng tình từ khán giả.
Là mẹ bỉm có 2 cậu con trai, mới đây Thuỷ Anh – bà xã Đăng Khôi đã đăng tải bài viết nêu quan điểm về việc phụ huynh nên làm gì khi phát hiện con xem phim người lớn. Theo đó, Thuỷ Anh cho biết cô rất lo lắng một ngày nào đó các con tò mò về giới tính rồi vào web đen xem giấu bố mẹ.
Tuy nhiên, Thuỷ Anh chỉ ra 3 vấn đề phụ huynh cần lưu tâm để giáo dục con đúng cách, tránh khiến con trở nên tiêu cực, xa cách bố mẹ hơn. Cô nhấn mạnh: “Tước đoạt điện thoại của con là điều cuối cùng Thủy Anh sẽ làm vì đó là một cách trừng phạt thể hiện sự bất lực của bố mẹ”.
Nguyên văn chia sẻ của Thuỷ Anh như sau:
CON XEM PHIM NGƯỜI LỚN: LỖI TẠI AI?
Hãy nhớ rằng, bây giờ là năm 2022, không phải những năm 2000. Và chúng ta cũng từng có những tò mò như vậy trong quá khứ.
Thủy Anh cũng có 2 cậu con trai và Thủy Anh biết rằng, một ngày nào đó con sẽ tò mò về giới tính, bắt đầu giấu bố mẹ để thử vào một trang web đen nào đấy hay đóng cửa phòng không cho bố mẹ vào. Hỏi Thủy Anh có lo không, lo chứ, lo sốt vó lên được! Nhưng chỉ muốn nhắn nhủ với các mẹ 3 điều này.
1. Khi con xem phim người lớn, đó là chỉ dấu cho biết con đã tới giai đoạn tò mò về tính dục/tình dục/giới tính. Nhìn nó ở một khía cạnh tích cực, phụ huynh biết rằng đã tới lúc mình cần “hành động” – không phải cấm đoán mà là giáo dục. Mình đã bắt đầu dạy con về giới tính và cách bảo vệ bản thân mình từ khi con 4 tuổi. Mình có nhiều bài chia sẻ và còn thực hiện tình huống để thử thách con, mọi ng có thể xem lại nhé.
2. Đừng đổ lỗi cho con, cho Internet, cho xã hội, cho nhóm bạn xấu hay bất cứ ai chúng ta có thể đổ lỗi… ngoài mình! Bố mẹ cũng phải thấy điều này là một phần trong cách giáo dục con cái của mình.
3. Con trẻ có cảm xúc. Điều này quan trọng lắm lắm luôn mọi người ơi! Khi muốn làm bất cứ điều gì với con ở độ tuổi dậy thì (cấm đoán, trừng phạt, mắng mỏ, chỉ trích…) hãy nhớ rằng con có cảm xúc và thực tế rằng ở tuổi này, con chưa thể điều tiết hết cảm xúc của mình, dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.
Người lớn nào cũng đã từng là một đứa trẻ nhưng đứa trẻ chưa bao giờ từng là người lớn. Việc đánh mắng, chì chiết trẻ không khiến trẻ hiểu ra vấn đề và nhận ra lỗi lầm của bản thân (nếu phụ huynh coi đó là lỗi lầm) mà chỉ khiến trẻ có cảm giác mình bị ép buộc, cấm đoán. Trẻ dậy thì luôn đặt câu hỏi “Tại sao?” – tại sao cha mẹ cấm đoán con? tại sao con phải làm như này như kia? nếu chúng ta không giải thích vấn đề mà chỉ chỉ trích con, sự ấm ức càng dồn nén trong trẻ.
Phụ huynh phải thực sự bình tĩnh khi phát hiện con xem nội dung không phù hợp. Thứ nhất, quyền riêng tư của con là điều chúng ta nên coi trọng nên việc giải thích tại sao bố mẹ biết được con xem nội dung không phù hợp là điều cần thiết. Thứ hai, chúng ta đã tìm hiểu đủ kỹ để biết con bị ép buộc vào những nhóm đó hay con tự nguyện? con đã tham gia lâu chưa hay mới tìm hiểu? phụ huynh không được đem chuyện của con ra bêu rếu vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ rất nhiều. Thủy Anh luôn nghĩ, kể cả với con cái, bố mẹ đừng đưa ra quyết định khi đang nóng vội. Và thứ ba, lỗi là tại ai? Tại con hay tại chúng ta? Covid đã khiến thời gian online của trẻ nhiều hơn, phụ huynh chỉ trao công cụ cho con nhưng không hướng dẫn hay chỉ bảo. Bố mẹ cũng có lỗi khi không cho con những định hướng về việc sử dụng Internet an toàn cũng như không nên né tránh các bài học về giới tính.
Tước đoạt điện thoại của con là điều cuối cùng Thủy Anh sẽ làm vì đó là một cách trừng phạt thể hiện sự bất lực của bố mẹ. Không quản được thì cấm? Không được! Điện thoại không chỉ là nơi để con liên lạc giao tiếp mà còn là kênh học tập, khám phá thế giới bên ngoài của con mà ở tuổi này, có điện thoại là điều cần thiết. Bạn có thể quản lý thời gian sử dụng điện thoại của con tốt hơn, tìm hiểu các ứng dụng quản lý nguồn thông tin con truy cập… Và hơn hết, hãy coi đấy là một cơ hội để trò chuyện với con và dạy con nhiều hơn về các vấn đề giới tính.
Trẻ xem phim người lớn không phải là điều phụ huynh dễ chấp nhận nhưng phải hiểu đó là một điều bình thường mà nhiều đứa trẻ sẽ trải qua. Đừng vì một vấn đề như vậy mà khiến con trở nên tiêu cực, xa cách bố mẹ hơn. Vậy chúng ta nên nói với con về những gì?
– Thứ nhất, hãy chia sẻ với trẻ về ham muốn (sở thích, khao khát, ước muốn) về chủ đề giới tính, tình dục.
– Thứ hai, hãy tìm hiểu xem con làm gì để thỏa mãn ham muốn đó; xem porn có thể chỉ là một khía cạnh. Cởi mở nói chuyện với con, bạn có thể biết được nhiều điều hơn.
– Thứ ba, hãy nói với con về ranh giới/giới hạn. Có những thứ con không được làm (và giải thích tại sao không được làm) ở độ tuổi này.
– Cuối cùng, hãy nói với con về sự đồng thuận/từ chối.
Cuối cùng, Thủy Anh có thể giới thiệu cho mọi người một số công cụ để việc sử dụng Internet của con an toàn hơn. An toàn hơn chứ không phải kiểm soát chặt hơn, vì suy cho cùng, không một đứa trẻ nào muốn tước đoạt tự do cả.