Bác sĩ nha khoa "bỏ phòng khám" đi bán phở... 2 nghìn đồng/bát
Phở ngon, giá rẻ
Trưa cuối năm, giữa cái nắng hanh hao trong tiết trời sẽ lạnh cuối năm, bên kia đường đối diện cổng bệnh viện K Tân Triều, người ta thấy mọc lên một hàng phở với đủ bếp ga, nồi nước chần phở, nước dùng bốc khói nghi ngút, thúng bánh phở, thịt gà thái miếng, hành, rau thơm xanh mướt mắt. “Ông hàng phở” vận sơ mi trắng đeo cà vạt, hết bốc phở, chan nước lại bê từng phát phở trao tận tay khách hàng, để thu về… 2k.
Bốn hàng dài ngay ngắn bệnh nhân của viện K Tân Triều cứ vợi dần. Những bát phở xếp ngay ngắn trên bàn cũng vợi dần. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ, hơn 300 bát phở đã bay vèo. Không ít những bệnh nhân ngồi ghé bên hè phố, xì xụp húp bát phở nóng với vẻ mặt đầy mãn nguyện.
Gạt mồ hôi trên trán, khẽ lau khóe mắt rưng rưng, vị bác sĩ nha khoa bán phở thong thả kể về hành trình đến với những bát phở 2k của mình, trong khi các nhân viên và tình nguyện viên “thu dọn chiến trường”.
“Những năm bao cấp đói run người, khái niệm ‘phở" và ‘đi ăn phở", với tầng lớp công nhân viên chức như bố mẹ tôi, chứ chưa nói đến người lao động, là sự xa xỉ tương đối khủng khiếp. Thời chúng tôi, chỉ có ốm thì mới được ăn phở. Phở là thứ gì đó gợi nên sự cao sang thèm thuồng khó cưỡng. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác thòm thèm ngày ấy.
Sau này lớn lên, tôi có đọc Nguyễn Tuân viết rằng: ‘Trong một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như nuốt cả một cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khỏe…"
Sau hơn hai tháng Hà Nội phong tỏa, tôi vẫn trăn trở phải làm gì tiếp theo để giúp những hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong khả năn của mình. Và may quá, cơ duyên cuối cùng cũng đến“.
Cơ duyên mà bác sĩ Hòa nhắc đến chính là quán Yên Vui Tân Triều, nơi suốt hơn một năm qua ngày nào cũng có vài trăm suất cơm được bán cho đồng bào với giá chỉ… 2 nghìn đồng. Suốt hơn 2 tháng Hà Nội giãn cách, nhân viên và tình nguyện viên của quán đã nấu cơm phát đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn, những khi cách ly và các cơ sở y tế tuyến đầu.
Bác sĩ Hòa hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho lao động tự do bị cách ly ở Phúc Tân (Hoàn Kiếm) trong ngày Hà Nội giãn cách.
Mỗi tháng, quán dành một ngày cho chương trình “Phở yêu thương”, để gửi những bát phở nóng hổi, còn nghi ngút khói đến với các bệnh nhân của bệnh viện K Tân Triều.
Gặp nhau trong những chương trình thiện nguyện mùa dịch, bác sĩ Hòa ngay lập tức đồng ý chung tay với chủ nhiệm Nguyễn Cao Sơn của quán để trước mắt nhận thêm một ngày “Phở yêu thương” mỗi tháng, và rất mong với sự chung tay của bạn bè, bệnh nhân và người thân, sẽ làm cho lịch bán những bát phở 2k dày lên trong thời gian tới.
Giảm đau cho Hà Nội
Suốt hơn 2 tháng Hà Nội giãn cách, bác sĩ Hòa và Nha khoa Shinbi của mình đã bươn bả từ những ngày đầu để chuyển đến tay những hoàn cảnh khó khăn ở thủ đô hàng chục tấn gạo, cùng hàng trăm phần quà là thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau xanh. Bên cạnh đó, anh được biết đến nhiều với chương trình “Cấp cứu răng miễn phí mùa dịch”.
Sau khi nhận được thông tin từ bệnh nhân, xe ô tô của Viện công nghệ nha khoa thẩm mỹ này sẽ đến tận nhà đón, đưa đến cơ sở để chữa rồi đưa về nhà hoàn toàn miễn phí.
Cũng trên chiếc xe ấy, anh hẹn lại lịch với bệnh nhân, bỏ phòng khám để cùng với các nhân viên của mình đôn đáo chạy ra “điểm hẹn”, để được tận tay chan từng bát phở nóng cho đồng bào, để rồi nhận về… 2 nghìn đồng.
Mồ hôi còn chưa kịp khô trên lưng áo sơ mi, trước khi tất tả chạy về với bệnh nhân ở phòng khám, bác sĩ Hòa còn kịp tâm sự: “Tôi tâm đắc nhất với slogan ‘Nha khoa quốc dân, bác sĩ tận tâm" ông ạ. “Quốc dân” không có gì to tát đâu, mà là tôi muốn được phục vụ tất cả mọi tầng lớp, hoàn cảnh.
Tôi muốn ai đến đây cũng sẽ được ra về với nụ cười thật tươi. Còn tận tâm, tôi nghĩ sẽ luôn làm hết sức trong khả năng của mình để góp phần giảm đau cho Hà Nội. Phở cũng làm giảm đau đấy, ông có tin không?“.