Bán nhà chữa bệnh cho con dâu, vừa khỏi lại theo người khác
Chú Tư bán căn nhà tích góp bao năm mới có được để chữa bệnh cho con dâu mà không ngờ, chị ta lại là người bạc tình bạc nghĩa như thế.
Bán nhà cho con dâu mổ tim
Gia đình chú Tư gồm có 6 người (chú Tư, vợ chú Tư, con gái, 1 cháu nội và 2 cháu ngoại) sống trong một căn phòng trọ nhỏ ở TP. HCM. Chú Tư làm phụ hồ, là lao động chính trong nhà. Vợ của chú sức khỏe yếu, bị nhiều bệnh: Đau khớp, tiểu đường, tim mạch,… nên mất sức lao động. Con gái chú bị đau dạ dày nặng, hiện chưa có công việc. Cháu ngoại 10 tuổi bị bệnh thận bẩm sinh, không có tiền chữa, tiền đi học. Cháu nội 14 tuổi, bị tự kỷ.
Vợ chồng chú Tư trước đây cũng có một căn nhà nhỏ. Dù chỉ là căn nhà lá dựng trên một mảnh đất nhưng đó cũng là tài sản mà hai vợ chồng chú cố gắng làm lụng, tích góp trong vòng 10 năm trời mới có được. Thế nhưng vì thương người mà cuối cùng, vợ chồng chú phải sống cảnh không nhà khi tuổi đã xế chiều.
Theo lời kể của chú Tư, cách đây hơn 10 năm, khi con trai của chú Tư trưởng thành, có kết hôn với một người con gái tên là D.T.M. Chị M. quê ở Cần Thơ, về nhà chú Tư làm dâu nhưng không có cưới hỏi, chỉ đăng ký kết hôn. Chị bị bệnh tim bẩm sinh, phải mổ hết hơn 100 triệu đồng. Thương và coi con dâu như con gái, lại không muốn con mình mất vợ, cháu mình mất mẹ, vợ chồng chú Tư đã bán đi căn nhà được 80 triệu đồng để cho con dâu mổ tim.
Nhờ thêm sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, chị M. đã được mổ và khỏi bệnh. Sau đó, chị tiếp tục bị tai nạn gãy chân, phải mổ. Gia đình chú Tư lại lo vay lãi để chữa bệnh cho con dâu. Đến bây giờ họ vẫn còn nợ 30 triệu chưa trả hết.
Cứ tưởng, chị M. được bố mẹ chồng cứu mạng thì phải biết ơn họ suốt đời. Nhưng có ai ngờ được, người đàn bà đó vừa khỏi bệnh đã bỏ chồng, bỏ con đi theo người đàn ông khác. Chị đi lúc con trai là bé Khôi mới được 4 tuổi, nay bé đã 14 tuổi mà không một lời hỏi thăm.
Gia đình 6 miệng ăn trông chờ vào đồng lương ít ỏi
Bỗng chốc trắng tay, lại quá đau đớn trước sự bạc bẽo của con dâu, vợ chồng chú Tư uống thuốc ngủ tự vẫn, may mắn được mọi người cứu sống. Sau biến cố, vài năm sau con trai lớn của chú Tư cũng lập gia đình mới, bé Khôi sống cùng ông bà nội.
Con trai chú Tư đi làm chỉ đủ lo cho gia đình riêng, thỉnh thoảng gửi ông bà đôi chút để lo cho Khôi. Thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, Khôi có dấu hiệu như tự kỷ.
Chuyện con trai đã vậy, con gái chú Tư kết hôn và có 2 người con nhưng cũng không hạnh phúc, cuộc sống nhiều nỗi buồn nên đã mang 2 con về sống cùng bố mẹ ruột.
Gia đình chú Tư chuyển lên TP. HCM thuê nhà trọ ở. Hàng ngày, bằng ấy con người chỉ trông vào thu nhập từ việc làm phụ hồ của người đàn ông đã gần 60 tuổi. Thương ông vất vả, Khôi cũng theo ông đi làm phụ hồ giúp đỡ gia đình. Còn nhỏ tuổi, sức yếu lại có bệnh nên Khôi không làm được nhiều, thu nhập cũng chẳng đáng là bao.
Làm phụ hồ từ sáng đến chiều tối, chú Tư được trả 350.000 đồng/ngày, nghỉ Chủ nhật. Nhưng công việc không ổn định, còn phụ thuộc vào ngày nắng, ngày mưa, rồi khi hết công trình, chú lại phải nghỉ ở nhà, chờ tìm được công trình khác.
Thu nhập ít ỏi mà bao nhiêu thứ phải chi tiêu, nào là tiền thuốc thang, tiền ăn uống, thuê nhà, điện nước. Ngày thường thì cả nhà còn có miếng thịt, con cá mà ăn, chứ cuối tuần, 6 người ăn cơm trắng trộn nước tương qua ngày. Ai cho được mớ rau thì thêm vào mâm cơm cho đầy đặn.
Hiểu được trách nhiệm của mình với gia đình nên chú Tư luôn phải gắng gượng, dù có ốm cũng không dám nghỉ. Bởi chú biết, một ngày mình nghỉ là kéo theo nhiều người đói. Nhắc đến những mong muốn của bản thân, chứ Tư chỉ mong cả gia đình có sức khỏe. Chú mong có thể tìm được một công việc ổn định, có nguồn thu nhập nuôi gia đình, cho cháu được chữa bệnh, được đi học là chú mừng lắm rồi.
Nguồn: Guufood