Chị dâu hỏi vay tiền mờ ám, chồng định chuyển khoản thì cô vợ phủ đầu
Vì kinh tế trong gia đình là vấn đề chung nên vợ chồng cần bàn bạc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Nếu trong một gia đình, người chồng quá dễ dãi, thoải mái với người ngoài thì đôi lúc cũng rất đáng lo. Bởi anh ấy có thể bị dụ dỗ, nịnh hót bằng đôi ba lời ngon ngọt, để rồi mất đi lý trí, từ đó gây ra nhiều vấn đề.
Vậy nên người làm vợ, kể cả khi không làm ra tiền cũng nên kiểm soát một phần kinh tế trong nhà. Như vậy thì đôi bên vừa có sự đồng nhất, dễ đưa ra những quan điểm khách quan nhiều chiều, tránh đi vào những sai lầm. Thậm chí, chỉ cần một hành động sai thôi, đôi bên có thể xảy ra mâu thuẫn lớn. Một câu chuyện liên quan tới vay tiền giữa các thành viên trong nhà dưới đây là bài học mà chị em phụ nữ nên khắc cốt ghi tâm.
Chị dâu hỏi vay tiền mờ ám, chồng định đồng ý chẳng chút lưỡng lự
Sau khi lấy chồng, M. không đi làm ở công ty nữa mà cô chỉ nhận một số công việc làm thêm tại nhà như viết lách, dịch thuật. Bởi M. hiện tại đang là bà mẹ một con, có khá nhiều thứ phải lo, trong khi nội ngoại đôi bên đều lớn tuổi, không thể hỗ trợ trong việc chăm nom cháu. Mặc dù quẩn quanh với 4 bức tường, nhưng từ ngày về làm dâu, M. đã giao kèo rõ với chồng, rằng chuyện tài chính phải minh bạch, đôi bên biết với nhau. Hàng tháng, cô sẽ được chồng đưa cho một khoản tiêu pha, rồi anh giữ phần còn lại cũng được. Nhưng làm việc gì quan trọng thì cũng đều phải nói với vợ.
“Chồng mình cũng đồng ý với phương pháp này của vợ. Tuy nhiên, anh ấy là đàn ông, không được kỹ tính lắm trong vấn đề tiền bạc. Thậm chí, chồng mình còn là người dễ dãi, hiền lành, không hiểu được những mánh khóe trong cuộc sống. Đặc biệt với người nhà, anh còn thoải mái hơn. Nội tình nhà chồng mình không đơn giản, mình là người ngoài nên biết” – M. tâm sự.
Sở dĩ M. lo lắng như vậy là vì nhà chồng cô có người chị dâu tính cách hơi đáng sợ và còn dễ thao túng chồng của M. Chẳng hạn ngày xưa từng có lần, chị dâu vay 5 triệu rồi không trả, số tiền cũng chẳng nhiều nên chồng của M. không đòi.
Chưa hết, chị dâu mượn cớ làm ăn nên còn vay bố mẹ chồng, song cũng chẳng trả được. Rồi số tiền ấy là khoản ông bà dành dụm cho hai cậu con trai, cuối cùng vì giữ hòa khí nên mọi người cũng cho qua. Hiểu rõ được tâm tính của chị dâu, M. dặn lòng không được dễ dãi giúp đỡ nếu chị ta tìm đến nhà mình.
Chuyện gì đến rồi cũng đến. Một lần, chị dâu qua nhà, cầm theo chút quà, M. đã thấy nghi nghi. Đúng là sau loạt câu nói dụ dỗ ngon ngọt, chị dâu lại vay chồng của M., lần này là 30 triệu đồng. Quả thực đó không phải số tiền quá lớn, nhưng M. vẫn rất thận trọng. Trong khi ông xã thì dường như tỏ vẻ đồng ý, thông cảm. Ngược lại, chị dâu cũng chẳng hề nói dùng tiền cho mục đích gì, cứ bảo là đầu tư chung chung.
Hành động ngăn cản kịp thời của cô vợ thông minh
M. nghĩ nếu mình không xuất hiện góp lời thì chắc chắn chồng của cô sẽ vội vàng chuyển khoản ngay 30 triệu cho chị dâu. Một lần bất tín, vạn sự bất tin, cô nhất định không thể để chị dâu vay tiền nhà này quá dễ dàng được. Trước mặt chị dâu, M. không ngần ngại nói thẳng:
“Năm nay dịch dã, công việc của hai vợ chồng em không tốt, chẳng được như các năm khác. Giờ chị đến vay tiền thế này thì nói thực nhà em cũng túng thiếu lắm. Còn chưa kể sắp Tết đến nơi rồi, bao nhiêu khoản phải lo. Em không cấm cản gì chuyện chị đầu tư ngoài, nhưng em nghĩ bây giờ không phải lúc thích hợp. Nếu có việc gì quá gấp gáp như chữa bệnh, điều trị thì chúng em còn có thể giúp được, còn cái gì không nguy cấp lắm thì vợ chồng em xin phép từ chối”.
Chị dâu thấy lời lẽ của em dâu quá sắc lẹm nên cũng chùn bước, tỏ vẻ tiếc nuối. Sau khi chị về, M. cũng nói chuyện thẳng thắn với chồng để làm rõ vấn đề: “Nếu có bất cứ vấn đề kinh tế nào, em mong anh cũng sẽ bàn bạc kỹ với em, không tự mình quyết! Em không muốn vợ chồng cãi nhau nhiều đâu”.
Là phụ nữ trong nhà, chúng ta không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn nên giúp đỡ, đưa ra những ý kiến khách quan, đặc biệt là với những ông chồng thiếu quyết đoán và lý trí nhé!.