Chồng con mất cùng lúc, người phụ nữ xây mộ ngay tại nhà, đêm nằm cạnh khóc cười cho đỡ tủi

Bà Vân đã sống cùng hai ngôi mộ chồng và con trai được 4 năm, ra vô đều mường tượng ra bóng dáng người đã khuất.

Điều buồn đau nhất của cõi người có lẽ là cách trở âm dương, người sống và người chết mãi mãi chia xa. Đối diện với khoảnh khắc ly biệt vĩnh viễn người mình yêu thương, không phải ai cũng có thể vượt qua được nỗi đau tan nát tâm can ấy. Vẫn biết là quy luật của cuộc sống, có sinh thì phải có tử, nhưng tâm tư người ở lại, khó tránh được quyến luyến.

Có lẽ vì thế mà có những câu chuyện như người đàn ông đào xác vợ đặt trong búp bê, hay chuyện của người đàn bà chôn cất chồng con ngay tại nhà để có thể thường xuyên gần gặn. Đó là bà Nguyễn Thị Vân (xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), 63 tuổi, sống cùng hai ngôi mộ ở trong căn nhà mái tôn, vách lá đơn sơ.

Người đàn bà sống cùng hai ngôi mộ

Đêm đêm, bà Vân kê giường nằm cạnh mộ chồng và con trai – những người qua đời gần 4 năm trước. Chồng và con bà yên nghĩ ở sau nhà đã gần 4 năm, nhưng lòng bà Vân thì vẫn nặng trĩu ưu tư. Hàng xóm láng giềng, mới đầu thấy hai ngôi mộ chình ình cũng ớn ớn, nhưng riết rồi thành quen, cũng qua lại chơi, cho bà Vân cái này cái khác.

Bà kể lại, mắt ầng ậng nước: “Chồng tui bị tai biến suốt 17 năm. Cái thằng này (chỉ tay vào mộ con trai) nó thương ổng lắm, quần quật làm việc phụ tui nuôi ổng, đến nỗi mắc bệnh lao luôn.

Hồi còn khỏe, nó đi cắt cỏ, bắt cá, gánh lúa, ai mướn gì cũng làm. Nó mò được con cá gì bự, cá gì ngon cũng để dành ba ăn, không cho ai ăn hết. Rồi khi bệnh, nó cũng cố làm, kêu là ở vậy với ba mẹ thôi chứ không lấy vợ.

Cái chỗ nó nằm xưa là cái bếp, tui cất lên thành cái chái cho nó ở. Có bữa bệnh nặng, nó dặn: ‘Con có chết thì để con trong nhà nha, đừng chôn con ngoài đồng, con sợ ma.’. Ba nó nghe vậy giận, nói át đi, kêu: ‘Tao mang mày bỏ xuống hầm chứ ở đó mà chôn trong nhà’.

Ai dè đâu ít lâu nó mất thiệt. Tui lo chỗ chôn rồi, mà ở nhà ổng hay tin, ổng đào lỗ sẵn rồi, nên phải chôn nó ở đó chứ sao giờ.”.

Bà Vân ngồi trên giường, nơi bà nằm ngủ cạnh nơi yên nghỉ của chồng và con trai.

Chưa kịp nguôi ngoai mất đi người con hiếu thảo, đúng 3 tháng 10 ngày sau, bà Vân chịu thêm cú sốc tiếp theo: Chồng bà, vì quá xót xa con trai, mà cũng qua đời. Ngày ấy, ông cũng trối lại, dặn bà Vân chôn mình ở trên đầu con, còn lại bao nhiêu đất thì bà Vân ở bấy nhiêu. Bà cũng nghe lời.

Thành ra, trong cái mảnh đất nhỏ, ngôi nhà mục nát, bà Vân chỉ có gian trên kê cái giường, giát cũng gãy tứ tung, cái bàn, bày được cái tủ ban thờ. Phía sau là hai ngôi mộ choán hết không gian.

Thương chồng, xót con, người đàn bà lẻ bóng ngày nào cũng cúng cơm mời chồng con về ăn. Có gì đâu, con cá khô, dĩa dưa hấu, chén cơm, bà cứ làm rồi bày lên chiếc bàn cũ, cúng xong rồi tự ăn một mình.

Mâm cơm cúng đơn sơ nhưng thành kính bà dâng lên người đã khuất.

Căn nhà nát và ước mơ “đoàn tụ” ở chái bếp

Đêm, bà ngủ ngay cạnh cái giường nằm song song với mộ chồng, ngẩn ngơ mà khóc cười cho đỡ tủi. Bà Vân bảo, đi ra đi vô thấy chồng con nằm đó, bà không thể quên nổi nỗi đau: “Suy sụp lắm, tui khóc hoài à, nhớ ổng lắm. Nhiều khi cúng cơm cũng khóc, đêm ngủ cũng khóc, trên đồng bẻ ớt cũng khóc.

Mà tui cứ nghĩ như ổng đang còn đây. Tại có khi tui thấy ổng như ngồi cạnh mình, có khi đứng nhìn mà không có nói gì sất.”. Có lẽ, nỗi nhớ thương, quyến luyến đã khiến người đàn bà cô quạnh không mấy tỉnh táo, vẫn biết là cách biệt âm dương nhưng vẫn mong được ở cạnh chồng sớm tối.

Bà ngồi trong nhà nhưng nắng vẫn “xối”, vì mấy tấm tôn đã mục nát rồi.

Thực ra, ở miền Tây, nhiều gia đình có thói quen an táng người thân ngay tại vườn nhà. Nhưng đó là với những nhà có nhiều điền sản, ruộng vườn rộng rãi. Còn như nhà bà Vân, đất chật, lại ngặt nghèo kinh tế, ngay cả xây mộ cũng nhờ cả vào tiền đi điếu của cô bác hàng xóm, có lẽ là bởi không còn lựa chọn khác.

Bà Vân có tới bốn người con, nhưng hai người con trai và một người con gái khác đã lập gia đình riêng, đi chỗ khác ở ráo trọi. Họ cũng nghèo, thi thoảng cho mẹ được chút đỉnh gọi là an ủi tuổi già, chứ cũng không thể bao nuôi. Bà Vân, sau 17 năm lo lắng cho chồng tai biến, cũng không có tích lũy gì, vẫn tự bươn chải, làm mướn sống qua ngày.

Gian trước và gian sau – nơi bà định sẽ “đoàn tụ” với chồng con được ga ngăn bằng tấm rèm mỏng.

Cái nhà hiện tại vẫn là nền đất, tôn lợp thủng lỗ chỗ cũng chẳng có tiền sửa. Thành thử, bà Vân chỉ có ước muốn duy nhất là có được ngôi nhà khang trang hơn để thờ cúng chồng con được tươm tất, tử tế.

Mai mốt tui mất, chắc tui cũng dặn mấy đứa chôn luôn ngay chỗ giường tui nằm, cạnh ổng cho rồi. Chứ giờ hai cha con nằm đây, mình nằm chỗ khác sao đặng… Còn cái phía ngoài, đứa nào về ở thì ở, còn nhiêu ở nhiêu…” – gạt nước mắt, bà quả quyết thế về tương lai của mình khi nhắm mắt xuôi tay.

(Nguồn tham khảo: Bùi Hồ TV)