Chuyện "chú lùn" 65 tuổi nói tiếng Anh lưu loát, chinh phục đỉnh Fansipan
Chúng tôi tin, câu chuyện về “chú lùn” Đinh Văn Phú (65 tuổi, phố Hàng Cót, Hà Nội) sẽ giúp các bạn có thêm nhiều động lực và cảm hứng sống. Một “hạt thóc lép” tưởng như vứt đi, đã có thể nảy mầm ngay trên nền đất khô héo nhất.
Hôm nay, chúng tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về một “người đương thời” gần 65 tuổi, đã từng chinh phục nóc nhà Fansipan và 2 lần đặt chân lên nước Mỹ. Ông nói tiếng Anh lưu loát, có kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch, mở lớp học tiếng Anh miễn phí vào mỗi 5 giờ chiều thứ 6 hàng tuần. Ông khác biệt với mọi người xung quanh, từng bị trêu chọc và dè bỉu, nhưng không vì thế mà ông từ bỏ giấc mơ của mình.
Trước cửa căn nhà chỉ 3 mét vuông trên phố Hàng Cót (Hà Nội), ông mở một quán nước với cái tên rất ấn tượng: “Đi khắp muôn nơi”. Cho đến giờ, người đàn ông đặc biệt này vẫn đang tiếp tục trên con đường của riêng mình, với đích đến là một cuộc sống thật bình dị và tràn ngập niềm vui.
Mời các bạn đến với chuyện đời của ông Đinh Văn Phú – “chú lùn” chưa bao giờ thôi ôm ấp những giấc mơ vĩ đại.
“Hạt thóc lép” 65 tuổi chỉ nặng 36,5kg, cao 1m2
Xin chào mọi người, tên tôi là Đinh Văn Phú, hay còn gọi là “hạt thóc lép”, vì khi tôi sinh ra, mẹ tôi nghĩ rằng cậu con trai bé bỏng của bà không thể trưởng thành được.
5 tuổi tôi mới biết nói. 7 tuổi, tôi chập chững những bước đi đầu đời. Đến năm 12 tuổi, tôi chắc chắn biết mình bị lùn, đầu tôi to ra, chân tay co rụt lại, dáng đi khệnh khạng, và nhất là ăn bao nhiêu cơm cũng không thể cao thêm một tấc. Tôi có học bơi, nhưng chỉ cao lên khoảng 25 phân. Hiện giờ, tôi chỉ nặng 36,5kg, cao 1m2.
Lúc bé, tôi không dám ra đường. Những đứa trẻ khác thường sẽ đẩy tôi ngã, hoặc làm cho tôi phát cáu lên, thậm chí chúng còn nhảy qua đầu tôi. Tôi nghĩ rằng mình chỉ như một con chim cánh cụt, chẳng thể bay xa, chỉ quanh quẩn mãi trong nhà.
Tôi vẫn được đến trường và hoàn thành 12 năm học, dù rằng xung quanh mình chưa bao giờ ngớt những lời miệt thị. Tôi mê mẩn ngành điện tử và ước mơ trở thành một kĩ sư. Chính vì thế, tôi đã đăng ký vào Khoa điện tử của một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội. Nhưng thật tiếc, tôi thậm chí đã bị loại ngay từ… “vòng gửi xe”. Lý do hết sức đơn giản: Tôi không đủ điều kiện sức khoẻ.
Lời từ chối này như một “đòn chí mạng” với tôi thời điểm đó. Khép lại giấc mơ đại học, tôi quay về làm một số công việc lặt vặt phù hợp với bản thân, kiếm tiền sống qua ngày.
Năm 1992, mẹ mua cho tôi một căn nhà rộng chừng 3 mét vuông, chia 2 tầng trên phố Hàng Cót. Tôi chính thức “ra riêng”, sống cuộc sống tự lập.
Bố mẹ mất, anh em ở xa chỉ lo được phần nào đó cho tôi và còn phải tự lo cho cuộc sống riêng. Tôi tự mình vượt qua mọi chuyện, kể cả những khi ốm đau bệnh tật. Tôi “xây dựng” chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục hiệu quả. Mỗi tuần, tôi ăn chay một lần. Tôi thích nghe dân ca quan họ Bắc Ninh và đọc sách của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Tôi xem ông như một tấm gương của sự nỗ lực và lạc quan.
Tôi kê một cái bàn ra ngoài vỉa hè, đặt vài thứ đồ hàng lên phía trên: bao thuốc, gói bánh,… thêm dăm cái ghế nhựa, phục vụ trà chè cho khách qua đường. Tầng 2 đủ kê chiếc đệm và cái ti vi.
Sáng, 9h tôi mở quán, bán hàng đến tận 2-3h sáng hôm sau. Chân ngắn, nhiều lần đi lên cầu thang, tôi bước hụt, ngã mấy lần tưởng chết. Nhiều hôm ngủ gật, tôi không sợ cướp vì gian nhà chẳng có đồ gì giá trị mà mất.
Tuy là một quán trà đá lọt thỏm giữa phố cổ sầm uất, nhưng tên gọi của nó thật “vĩ đại”: “Đi khắp muôn nơi”. Dù chân ngắn, người thì bé, nhưng tôi vẫn luôn khát khao được chinh phục và trải nghiệm muôn nơi, bằng chính hiểu biết của mình.
Mẹ tôi vẫn nghĩ, đó là điều viển vông và xa vời.
Công việc chính của ông Phú là bán hàng nước, ngoài ra ông còn là hướng dẫn viên du lịch và mở lớp dạy tiếng Anh.
Tiếng Anh – cánh cửa mở ra những giấc mơ
Mỗi lần những người nước ngoài đi ngang qua quán nước của mình, tôi đều cất lời: “Hello! Welcome to my shop”. Họ rất ngạc nhiên, còn bảo, “Ê, anh chàng lùn, anh không đẹp trai, anh trông chẳng giống ai, tại sao anh lại học tiếng Anh? Anh học tiếng Anh để làm gì?”.
– “Tôi học tiếng Anh để ‘mở cửa'”.
Tiếng Anh trở thành một niềm vui sống mỗi ngày từ khi tôi phát hiện ra thứ ngôn ngữ thú vị đó. Vậy thì tại sao tôi không được học?
Một ngày, tôi tình cờ gặp Jim – người bạn Canada vô cùng thân thiện. Jim có thể sẽ chẳng là một trong những người đặc biệt nhất cuộc đời tôi, nếu như năm xưa, ông ấy không tặng tôi một cuốn sách, tập giấy và cây bút chì, rồi nói: “Anh có muốn học tiếng Anh không, tôi sẽ dạy cho anh?”.
Kể từ đó, tôi vừa bán hàng vừa học tiếng Anh cùng Jim. Ông ấy đồng cảm với hoàn cảnh của tôi, khi mà tuổi thơ của chính ông cũng không mấy hạnh phúc. Jim tìm thấy ở tôi sự thấu hiểu lớn, và mong muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ tôi trên con đường vượt qua khó khăn.
Số phận đã sắp đặt để chúng tôi làm bạn, suốt hơn 11 năm qua.
Những người bạn ngoại quốc khác, nhờ có Jim, dần biết đến tôi và cùng ghé qua quán nước chuyện trò. Tôi bắt chước họ, từ cách phát âm đến trình độ luyến láy. Mọi thứ thật suôn sẻ, và tôi cứ ngỡ rằng một trang mới cuộc đời đang mở ra trước mắt mình.
Năm 2008, Jim có việc phải quay về nước. Trước khi đi, Jim nói: “Hãy tiếp tục học tiếng Anh, và rồi tôi sẽ trở lại”. Để không phụ tấm lòng của người bạn, tôi tìm cách học tiếng Anh và duy trì thói quen mỗi ngày. Một cô giáo người Việt đã nhận lời dạy tôi tiếng Anh 1 buổi/tuần. Thời gian sau, tôi học cách gửi email cho Jim, hẹn người bạn một ngày không xa sẽ tái ngộ.
Giữ lời hứa, mấy tháng sau, Jim quyết định quay lại Việt Nam sinh sống. Chúng tôi cùng mở một lớp học dạy tiếng Anh vào mỗi 5 giờ chiều thứ 6 hàng tuần, ngay tại vỉa hè trước “căn nhà” của tôi. Học sinh là bất cứ ai, học sinh, sinh viên, người đi làm, hễ có thời gian rảnh, đều có thể cùng chúng tôi luyện tập ngoại ngữ. Lớp đông nhất là khi có 15 bạn, ngồi tràn cả vỉa hè. Đương nhiên, lớp học này hoàn toàn không mất phí.
Hơn chục năm qua, tôi ấn tượng với rất nhiều học viên, nhiều đến nỗi chẳng thể chọn ra ai là người xuất sắc nhất. Câu nói khiến tôi hạnh phúc đến tận hôm nay, là khi học sinh thủ thỉ: “Chúng cháu rất tự hào về chú, vì chú đã mở một lớp học tiếng Anh tạo niềm vui cho mọi người”.
Có lần, Jim rủ tôi đi Sapa làm hướng dẫn viên du lịch cho du khách nước ngoài. Tôi nhận lời, dù biết rằng 3 bước đi của mình mới bằng được 1 bước đi của người bình thường. Xuyên suốt hành trình, những người bạn tử tế luôn thay nhau cõng hoặc nắm tay, giúp tôi băng qua những con suối, ngọn đồi.
Đến cuối cùng, tôi tự hào đã chinh phục được đỉnh Fansipan, sau đó là Bát Tràng, Ninh Bình, Hạ Long, TPHCM… Từ một người bán trà đá nơi góc phố nhỏ, tôi trở thành hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, giúp những người bạn ngoại quốc khám phá Việt Nam, còn tôi tự khám phá khả năng trong chính con người mình.
Mỗi chuyến đi, tôi tự trau dồi ngoại ngữ, mở mang đầu óc về sự thân thiện, kiến thức và văn hóa của các nước. Và tôi nghĩ, từ thời khắc tôi viết tên mình lên đỉnh “Nóc nhà Đông Dương”, tôi đã sẵn sàng làm tất cả. Đằng sau thân hình nhỏ bé này, là một con tim luôn rạo rực.
“Mẹ ơi, hạt thóc lép cuối cùng đã chịu nảy mầm rồi”
Năm 2009, tôi tham gia chương trình “Người đương thời”, phát sóng trên VTV, kể về hành trình từ một “hạt thóc lép” sinh sôi, nảy mầm thành hướng dẫn viên du lịch.
Sau đó, một kênh truyền hình của Mỹ đã tình cờ để ý tôi. Họ bay đến Việt Nam xác nhận thông tin và mời tôi sang Mỹ cho hội thảo về “Hiệp hội người lùn toàn thế giới” vào năm 2009. Và, tôi chẳng có lý do gì để phải từ chối.
Tôi tự hào nói với mẹ: “Mẹ ơi, hạt thóc lép cuối cùng đã chịu nảy mầm rồi”.
Ngày đi, một mình tôi đến sân bay Nội Bài. Cảm xúc khi đó không thể nào diễn tả nổi, vừa lâng lâng, lại xen chút hồi hộp. Tôi nghĩ, giấc mơ của mình sắp thành hiện thực. Ở Mỹ, những người bạn thiện lành đã đứng đợi tại sân bay. Họ tặng hoa, đón tiếp tôi thật nồng hậu, giúp tôi xua đi cảm giác xa nhà.
Chương trình kéo dài 6 tháng, tại 6 bang của nước Mỹ – vùng đất trong mắt tôi thật nhiều màu sắc và đầy hy vọng. Tôi đã kể cho những người bạn nghe về Việt Nam, về phong cảnh cũng như nghị lực của người Việt.
Chuyến đi kết thúc suôn sẻ. Tôi về nước, tiếp tục công việc hướng dẫn viên và dạy học của mình. Thật bất ngờ, trong cuộc đời nhỏ bé của tôi, nỗ lực được đền đáp khi lần thứ 2, tôi tiếp tục được chọn là đại diện duy nhất của Hội người lùn Việt Nam quay lại Mỹ, năm 2017.
Tôi cảm tưởng như mình nợ cả thế gian, tôi nợ Jim, nợ cô giáo tiếng Anh và nhiều người bạn khác.
Tôi đã từng hờn trách cuộc đời, xã hội và bố mẹ thật nhiều. Tôi thậm chí còn oán hận chính bản thân mình. Còn nhớ, khi bước vào một quán phở trên phố, nhân viên ở đó đã nói với tôi rằng: “Anh lùn ơi, anh có đủ tiền ăn phở không? Chúng tôi không bán cho những người bán báo, đánh giày đâu. Anh nên tìm quán nào rẻ rẻ thì hơn”.
Đó là cái nhìn mặc cảm khiến tôi rất buồn và tự ti. Họ đánh giá con người qua hình dáng, nhưng lại không hiểu bên trong tôi luôn tiềm tàng khả năng phát triển. Đi đến đâu, người ta cũng nhìn tôi bằng ánh mắt kì thị. Cuộc sống mênh mông quá, liệu tôi có với được không?
Tôi nghĩ là có.
Con người sinh ra vốn là cát bụi, sau cùng sẽ trở về với cát bụi. Đừng làm hạt cát bôi bẩn cộng đồng và xã hội, mà hãy giúp cây cối sinh sôi, phát triển. Càng bị kì thị, tôi càng phấn đấu học tập để đổi đời. Cuộc sống này, đơn giản là chúng ta đang cố gắng đối phó với nó mỗi ngày hay là tìm cách hưởng thụ? Tôi đã phải quyết tâm nhiều lắm.
Một số người bạn khuyết tật trong cộng đồng của tôi không muốn viết lên những chặng đường mới. Có người nghĩ rằng mọi thứ xa vời quá, không thiết thực, chi bằng cứ làm công việc nhàm chán mỗi ngày. Họ không muốn thay đổi, họ chấp nhận số phận vốn đã an bài như vậy.
Tôi chỉ muốn nói với các bạn ấy một câu thôi: “Đừng đánh mất tuổi trẻ, hãy thay đổi để học được nhiều hơn, và quan trọng nhất là chứng minh bản thân”.
Tôi không lấy vợ dù có những tôi nghĩ mình đã yêu thực sự. Tôi sợ trở thành gánh nặng cho người khác. Tôi tự hài lòng với cuộc sống hiện tại và những giấc mơ của tương lai. Tôi khát khao được quay trở lại nước Mỹ, mặc dù điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Nếu là một người bình thường, tôi muốn trở thành thầy giáo. Ngày xưa, vì không được dạy dỗ, không nhận được sự quan tâm đúng nghĩa, nên tôi lớn lên trong thiệt thòi và thiếu thốn. Như một cái cây hoang dã lớn lên nhờ cộng đồng, nó sẽ quay lại chở che, giúp đỡ cho những cây non khác. Xa hơn, tôi muốn thành lập hiệp hội người khuyết tật Việt Nam, để dạy và truyền đạt kiến thức cho các bạn trong cộng đồng.
Sau cùng, tôi còn nhớ lời duy nhất mà mẹ nói với mình, rằng tôi là “hạt thóc lép” không thể nảy mầm được. Nhưng bây giờ, tôi tự hào với những “thành tựu” mình đã đạt được, sau gần cả cuộc đời nỗ lực không ngừng nghỉ. Vẫn luôn là câu nói tôi tâm niệm suốt cả đời người, “I would like go to everywhere, because i want to study more and open my eyes”.
Tôi ước được đi muôn nơi, vì tôi muốn mở mang tầm mắt và học hỏi nhiều hơn!