Con suối kỳ bí ở lãnh địa người Mường, nghìn con cá bơi chen nhau không ai dám bắt

Cả ngàn con cá bơi chen, ai làm hại tất bị báo ứng

Vùng Tây Bắc Thanh Hóa, con sông Mã uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi trùng điệp, tạo thành một khung cảnh kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình. Đặc biệt, trong lãnh địa của người Mường, những câu chuyện kỳ bí, những địa danh ẩn chứa nhiều bí ẩn vẫn còn không ít.

Một trong những địa danh nổi tiếng là mó Ngọc (suối Ngọc) hay còn gọi là suối cá Cẩm Lương. Nơi đây có khung cảnh ma mị, cổ quái. Hai bên dòng suối là những tảng đá màu sắc nâu xỉn, rêu phong, ít màu xanh của cây cối. Chỉ có những rễ sanh, si cổ, dễ đến hàng trăm năm, bộ rễ sần sùi, gân guốc bao phủ xung quanh đá.

Mó Ngọc, nơi có hàng nghìn con cá thần sinh sống.

Suối Ngọc thực ra là một mó nước trải dài đến tận sông Mã khoảng 2km. Nhưng riêng khu vực “cá thần” xuất hiện chỉ có một đoạn ngắn, tính từ cửa hang ra chỉ khoảng 60m. Mực nước trong suối chỉ xâm xấp 40 – 50cm, tứ thời trong vắt.

Cá ở đây, không rõ do địa thế, do phong thổ hay thức ăn mà có hình thù kỳ quái. Chúng có thân từa tựa cá trôi, nhưng người tròn lẳn, lưng sẫm màu xanh rêu, môi mép phớt hồng như tô son, “mang tai” viền đỏ như xỏ khuyên tai. 

Những người bán buôn xung quanh suối ngọc nói đó là cá trắm; nhưng dân bản địa gọi là ở mó Ngọc là cá dốc hay cá dóc, có họ hàng với cá dốc ở sông Mã. Cá dốc sông Mã có tên trong sách đỏ Việt Nam, còn ở mó Ngọc, cả ngàn con tự do tự tại, tuyệt đối không ai dám mạo phạm. 

Cá ở đây có hình thù kỳ lạ, đặc biệt là màu vây và miệng.

Từ nhiều năm nay, nỗi sợ hãi với loài cá thần này được truyền từ đời này đến đời khác, như một “sấm truyền”‘ của người Mường. Không một người bản địa nào dám mạo phạm, chứ đừng nói là bắt cá thần lên ăn.

Sở dĩ có chuyện ấy, theo lời một người bán hàng quanh suối, là vì cá ở suối này không phải cá thường, có linh khí rất mạnh, ai ăn nó hoặc bắt nó sẽ bị báo ứng. 

Ngày xưa ở đây nghèo lắm, làm gì có gì ăn. Có suối cá thế này chả sẵn quá, nhưng có người bắt ăn thì bị vận rủi, có người bị điên, ăn rồi ốm đau, làm ăn sa sút ai cũng sợ, không ai dám động vào nữa. 

Cá ở đây chắc không có độc, nhưng có bí ẩn tâm linh nào đó, những người mạo phạm đều gặp tai họa nên người ta mới sợ mà tránh ra. Có cậu thanh niên bê cá lên bờ nghịch, tróc vẩy, sau đó về bị tai nạn tông xe nữa. Không phải người ta muốn bảo vệ cá mà truyền miệng đâu, mà chuyện có thật đấy.” – chị quả quyết.

Người dân không dám mạo phạm cá thần, vì sợ bị quở phạt.

Người này cũng kể, không chỉ cá mà mó nước và ngôi chùa nhỏ được dựng cạnh suối cũng rất linh thiêng. 30 Tết năm nào người dân cũng đến xin nước suối về dâng cúng.

Có người đàn ông tiểu bậy ở chùa, vừa xong thì ngất xỉu tại chỗ không biết gì, ai cũng tưởng là say rượu ngủ quên. Người nhà phải nhờ thầy cúng kêu thay lạy đỡ, dội sạch chỗ phóng uế ấy, người đàn ông mới dần hồi phục. 

Chính vì sợ bị quở phạt, người dân rất tôn trọng suối cá. Có một điều lạ là nhiều năm trôi qua, không ai thực sự trả lời được những câu hỏi như: Cá ăn gì để sống? Tại sao chúng không đi xa hơn đoạn suối? Tuổi thọ của cá là bao nhiêu? Khi chết, xác cá trôi về đâu? Tại sao cá ken đặc mà nước không tanh?

Đàn cá ở suối thiêng có “giác quan thứ 6”?

Rất nhiều người đã từng ghé thăm suối cá thần ở Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa đều có chung một sự tò mò: Liệu đàn cá có một khả năng đặc biệt hay tập tục kỳ bí nào không? Trong miệng hang nhỏ mà đàn cá thường trở về vào ban đêm có cất giấu bí mật gì không?

Bảo vệ suối cá tiết lộ, cá ở đây không như ở sông hồ, chưa bao giờ thấy chuyện chúng ăn cá bé, tôm sống ở suối mà sống hòa thuận ôn nhu với nhau, thứ tự nề nếp. Đêm thì cá tự vào hang, từ 5 – 6h chiều là bắt đầu quay về hang;  sáng 3 – 4h hoặc muộn lắm là 5 – 6h sáng lại bơi ra ăn, tùy thời tiết.

Lũ cá sống quanh quẩn ở mó nước và hang.

Một người bản địa sống nhiều đời tại suối cá thì khẳng định, lũ cá thích tụ tập ở gần cầu bắc ngang suối vì chỗ đó có cây sung, cây vả lâu năm. Quả sung, quả vả rơi xuống, cá tụ tập đớp ầm ầm cả đêm.

Từ khi anh còn nhỏ đến tận lúc trưởng thành, ngoài 30 tuổi, anh chưa bao giờ thấy cá ở đây chết, khiến anh còn nghĩ chúng trường sinh bất lão (?!) Đặc biệt, chúng không bao giờ rời suối, ngay cả mùa mưa lũ, nước ngập tràn bờ suối, lũ cá vẫn không đi. 

Anh này khẳng định, đàn cá ở đây có giác quan thứ sáu, thông minh như chó mèo. Với người dân sống quanh suối, chúng cho vuốt ve, cho sờ, có khi người tacnâng được cả đầu cá lên; nhưng với những khách có ý đồ xấu hoặc vung tay mạnh, chỉ sờ được một lần, không bao giờ có lần hai.

Dù cá rất đông và bạo dạn, nhưng không dễ để sờ hay bắt được chúng.

Anh này tiết lộ, khi nhà có cỗ, anh mang gà ra suối làm, nếu không để ý, lũ cá sẽ nhảy lên đớp bộ lòng kéo xuống, tranh nhau ăn sạch. Chúng cũng ăn các loại thịt khác nữa. Nhiều khi một con gà thả xuống, chẳng mấy mà lũ cá xử gọn. Nhưng chúng không ăn cá con bao giờ. 

YouTuber Hoàng Nam đã cất công kiểm chứng chuyện này. Anh thả cá rán xuống cho lũ cá ăn. Cả bầy nghìn con, lạ thay bơi qua mà không có phản ứng gì. Duy chỉ có một con ăn, nhưng sau đó lại “nhè” ra. Đó là giác quan thứ 6 hay tập tục của chúng, không ai giải thích được.

Nhiều bí ẩn xung quanh đàn cá ở mó nước này vẫn bỏ ngỏ, chưa ai lý giải được.

Có rất nhiều sự tích kỳ bí được kể về suối cá thần Thanh Hóa, nổi tiếng nhất là chuyện về thần rắn. Có đôi vợ chồng già không có con, nuôi nấng một con rắn. Để bảo vệ dân làng, con rắn đã giao chiến cùng thủy quái trong một đêm mưa gió bão bùng.

Người dân đã mang rắn đi chôn cất dưới núi Trường Sinh và lập đền thờ. Bỗng dưng, suối Ngọc (mó Ngọc) dưới chân núi xuất hiện từng đàn cá với số lượng ngày một đông đúc, quanh quẩn bên cạnh đền thờ.

Dù cho mực nước dâng cao hay cạn đi, thì những đàn cá này vẫn bơi quanh quần đó mà không chịu rời đi. Người ta tin, đàn cá ấy là thuộc hạ, chầu quanh để xưng tụng uy nghiêm của rắn thần. Vì thế, dân Mường tuyệt đối không dám kinh động đến đàn cá trong suối Ngọc.

https://soha.vn/ven-man-ky-bi-mo-nuoc-o-lanh-dia-nguoi-muong-nghin-con-ca-boi-chen-nhau-khong-ai-dam-bat-20220102013619493.htm