Cụ bà 80 tuổi bán từng rổ trái cây để chạy thận: Cầu xin bác sĩ cho thuốc vì không có tiền

Bà Bảy bị suy thận mãn tính đã 5 năm, hàng ngày bà mang những rổ trái cây ra đường bán kiếm sống. Nhiều lần không có tiền, bà phải xin bác sĩ cho dùng thuốc miễn phí.

Giữa dòng xe cộ tấp nập, bên vỉa hè trên đường Huỳnh Tấn Phát, sạp trái cây nhỏ chỉ vài thứ trái cây của bà Bảy như bị lãng quên nơi Sài Gòn xô bồ, ồn ã.

– 5 ký 2 lấy con 5 ký thôi. Của con 70 ngàn.

– Thôi bà, lời được bao nhiêu đâu mà vừa bán vừa cho mãi như thế!

Ấy là những lời chuyện trò thân mật của bà Phạm Thị Bảy với anh khách quen. Anh hay ghé qua chỗ bà để ủng hộ, lần nào anh cũng mua nhiều và đưa dư tiền để cụ bà có tiền chi trả viện phí, 2 lần chạy thận mỗi tuần.

Cầu xin bác sĩ cho thuốc vì không có tiền

Bà Bảy cười móm mém. Ở tuổi 80, răng bà không còn, nụ cười cũng vì vậy mà khắc khổ hơn. Bà gầy đét, làn da nhăn nheo, nhiều đồi mồi. Cánh tay bà Bảy vì nhiều lần mổ, tiêm thuốc, chạy thận mà nổi lên vô số lằn gân.

Bà Bảy quê Tiền Giang, goá bụa đã hơn hai chục năm. Bà có ba người con, hai gái một trai, nhưng hai người con gái thì đã đi lấy chồng rồi. Chỉ còn bà, con trai, con dâu và cháu sống trong một căn phòng trọ ở Quận 7.

Những người con vẫn thường đỡ đần bà chuyện tiền nong, lúc người này, lúc người kia, nhưng sức mấy cho vừa. “Tụi nó vẫn có phụ bà. Nhưng mà đứa nào cũng có con nhỏ, nên bà phải tự ra đây bán trái cây.”, bà Bảy chia sẻ.

Bà Bảy kể, bà bị suy thận mãn tính cách đây 5 năm rồi. Trước đó bà dùng thuốc. Mỗi đơn thuốc ấy giá hơn 1 triệu đồng. Bà cứ uống như vậy cho đến khi bác sĩ lắc đầu, bảo không thể tiếp tục uống thuốc mãi được, bà phải mổ để chạy thận.

Lần đầu bác sĩ rạch ngay ngực, rồi sau đó là ở tay. Nghĩa là bệnh tình của bà ngày càng nặng. Mỗi tuần bà Bảy phải đi chạy thận hai lần, mỗi lần 600 ngàn. Mà cứ 3 tuần bà lại phải thay ống lọc, lại hết thêm 600 ngàn nữa.

Cứ như vậy, bà đi chạy thận suốt 5 năm trời. Tiền buôn bán có bao nhiêu cũng đổ dồn vào tiền thuốc men, chạy thận hết cả.

Đưa tôi coi tờ hoá đơn lọc máu tại bệnh viện rồi nở nụ cười móm mém, bà kể: “Có một cô trên mạng đến quay clip, mấy hôm sau cô ấy quay lại cho bà tiền, nói là của bà con gần xa, bà cảm ơn nhiều lắm. Có tiền là bà đi lọc máu liền. Lọc máu xong là thấy đỡ hẳn. Bác sĩ cũng bảo bà đi lọc máu thường xuyên, nhưng mà trước đó bà đâu có tiền đâu. Với lại, máu đâu phải lúc nào cũng có đâu con.”.

Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành năm ngoái, bà Bảy cũng “dính”. Hôm bà đi chạy thận, người ta phát hiện bà nhiễm bệnh, thế là bà vừa đi cách ly, vừa đi chạy bệnh. Bà Bảy cách ly 1 tháng, tiền viện hơn 10 triệu đồng. Lúc xuất viện, bà kiệt quệ trên những tờ hoá đơn.

Bà Bảy kể, lúc đó con cái mỗi người một chút xoay cho bà đủ trả viện phí. Còn sinh hoạt phí, bà sống bằng tiền trợ cấp từ địa phương, một tháng 1 triệu đồng, cứ như vậy trong suốt 3 tháng. Bà chắt chiu từng đồng chứ không buôn bán gì được.

Rổ trái cây của ngoại

Mỗi ngày, bà Bảy lại đem vài rổ quà quê, khi xoài, khi mận, khi chuối bà nhờ người ta đem từ dưới quê lên bán. Bà dọn hàng ngay số 382 Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP. HCM). Bà kể, ngày trước bà bán chỗ kế bên, giờ dời qua đây tại người ta không cho phép. Ngồi ở đây cũng khó lắm, “người ta không thấy bà, do bị các biển quảng cáo che khuất. Có mấy người chạy qua rồi lại phải vòng lại mua cho bà. Thương lắm.”.

Bà bán đã được 3 năm. Trước đó, do bệnh tình hành hạ, bà chỉ có thể nằm trên giường, trông cậy vào con trai, con gái. Nhưng bệnh tình ngày càng nặng, gánh nặng kinh tế cũng oằn lên đôi vai gầy nhỏ của bà, nên bà phải lặn lội ra đường để kiếm từng đồng chạy thận.

Bà Bảy dọn hàng từ 14 giờ chiều rồi ngồi ở góc đường đến tận 21 giờ tối. Hỏi, sao bà không bán buổi sáng, bà cười: “Buổi sáng bà có dậy nổi đâu. Đau đầu, chóng mặt lắm con. Bà phải nghỉ đến chiều mới có thể ra bán.”

Trái cây dưới quê gửi lên theo mùa, có gì bà bán đó. Mỗi ký bà chỉ lời 3 – 5 ngàn đồng. Có những lúc chẳng ai ghé sạp trái cây của bà cụ, mà trái cây cũng chẳng chờ bà được, chín rục. Thế là coi như hôm đó bà về tay không.

Miền Nam đã vào mùa mưa. Có mấy hôm bán không được, bà Bảy bán luôn giá vốn.“Rổ này hôm qua bà bán 20 ngàn, nay bán 15 ngàn thôi, không bán lẹ nó hỏng thì lỗ hết.”. Đối với những người khách quen thuộc, bà thường làm tròn xuống vì “Người ta thương mình người ta mới mua cho”.

Gần 8 giờ tối, người đi đường ngày càng đông mà người ghé hàng trái cây của bà Bảy vẫn thưa. Giữa phố xá đông đúc, có một bà cụ còm cõi, trên vai là gánh nặng viện phí, bên hông là những rổ trái cây.

Trước đó, hình ảnh về người phụ nữ mặc áo mưa đứng bán rau được một tài khoản tên N.N chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Theo chia sẻ của chủ bài đăng, cô bán rau năm nay đã 60 tuổi và còn phải nuôi một người cháu trai.

Đáng nói, người phụ nữ lại mang trên mình bệnh hiểm nghèo thế nhưng suốt bao năm không dám phẫu thuật để chạy chữa. Tất cả chỉ vì suy nghĩ duy nhất: “Sợ không qua khỏi ai nuôi cháu cô”. Hàng ngày, cứ từ 13h chiều là có thể bắt gặp cô đang bán rau muống ở ngã 3 đường Vũ Tùng.

Mỗi bó rau chỉ có giá 10 nghìn nhưng được cô nhặt rất sạch sẽ. Cứ thế chắt chiu từng chút một cô mới đủ tiền sinh hoạt chăm lo cho cuộc sống hai bà cháu. Cuối bài đăng, bạn N.N cũng không quên kêu gọi mọi người nếu ai có tiện đường đi qua, hãy mua đỡ cho cô bó rau để có thể sớm hết hàng về với cháu.

Hoàn cảnh của cô tuy khó khăn, mang trên người bệnh tật song thay vì ủ rũ, buông bỏ vì không có tiền chữa bệnh, người phụ nữ này vẫn kiên cường sống và làm việc vì vẫn còn cháu trai cần nương tựa.

Ngay khi câu chuyện nhỏ này được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có rất nhiều người mong muốn được làm điều gì đó ý nghĩa để giúp đỡ cô bán rau. Cũng có người nghi ngờ độ xác thực nhưng chủ bài đăng đã khẳng định không hề bịa đặt và chính họ cũng đã mua ủng hộ cho cô, vậy thì cũng đâu có mất gì nếu tin tưởng một lần.

Hoài Phương (T/H)