Cuộc làm mới của thầy Park le lói tia hy vọng
Tuy nhiên, trận thua 0-4 trước tuyển Australia cũng mang lại bài học quý cho cuộc cách mạng tất yếu của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo.
Có nhiều lý do khiến thầy Park đi qua 6 trận vòng loại khốc liệt này với lực lượng gần như bất biến. Trước hết, số lượng cầu thủ phù hợp với triết lý hoặc đáp ứng được đòi hỏi của ông là quá ít. Sau nữa, mục tiêu kiếm những điểm số đầu tiên buộc ông luôn phải tung ra đội hình mạnh nhất, hoặc chí ít cũng là quen dùng nhất.
Làm mới đội hình dù muộn còn hơn không
Chính xác là đến trận thứ 4 (gặp Oman), khi tuyển Việt Nam đã “thích nghi” với việc trắng tay, trong đó có thất bại trước đối thủ gần như là duy nhất trong tầm ngắm – tuyển Trung Quốc, thầy Park mới bắt đầu thay đổi cách tiếp cận trận đấu và nhân sự.
Nguyễn Văn Toản, Phạm Đức Huy, Hồ Tấn Tài có cơ hội đá chính, Phạm Tuấn Hải cũng được vào sân từ ghế dự bị. Nhưng thua tiếp Oman 1-3 với rất nhiều hớ hênh trong phòng ngự, nhà cầm quân Hàn Quốc lại trở về với những lựa chọn an toàn. Ông cần làm như vậy vì AFF Cup 2020 lúc đó đã rất gần.
Nhìn lại quá trình để thấy lúc này, khi đã đổ vỡ nốt AFF Cup, ông Park mới toàn tâm cho cuộc cách mạng về lực lượng, về lối chơi mà lẽ ra, nó phải được tiến hành từ khá lâu rồi. Trong lúc chưa có “viện binh” từ Việt kiều hay cầu thủ nhập tịch, cách duy nhất ông có thể làm là tận dụng những gương mặt chưa khai thác hết.
Hàng loạt trụ cột vắng mặt vì chấn thương, thẻ phạt và dịch bệnh là thiệt thòi cho tuyển Việt Nam khi hành quân sang Australia, nhưng ở góc nhìn khác, nó là thời cơ để ông Park triển khai những ý tưởng mới của mình.
Phạm Xuân Mạnh đã có dịp may để chơi trung vệ, sau đó về lại cánh phải sở trường và đều đá tròn vai. Lê Văn Xuân trong lần hiếm hoi được nhấc khỏi cabin kỹ thuật, dù mắc lỗi vị trí ở bàn thua đầu, nhưng đã rất cố gắng chứng tỏ mình trong những lần bọc lót. Phạm Tuấn Hải chơi xông xáo trên hàng công, thể hiện anh là mẫu trung phong có khả năng độc lập dứt điểm, nhưng không ích kỷ và biết làm nền cho đồng đội (pha nhấc chân giúp Công Phượng sút cận thành là minh chứng thuyết phục).
Dĩ nhiên, Australia là đối tượng quá tầm, thật khó để những cầu thủ còn bỡ ngỡ với sân chơi quốc tế bộc lộ được năng lực tốt nhất của họ. Nhưng họ cần, và thầy Park cũng cần thêm nhiều lần thử nghiệm như vậy để tìm ra hơi thở mới cho đội bóng vốn đang phụ thuộc vào buồng phổi cũ mèm.
Trừ trận gặp tuyển Trung Quốc tại Mỹ Đình vào ngày mùng 1 Tết có thể vẫn mang nhiều ý nghĩa, chúng ta còn 2 trận thủ tục chất lượng cao nữa (Oman, Nhật Bản) để thầy Park mạnh tay xáo trộn đội hình.
Hùng Dũng (số 8) thể hiện tốt ở trận đấu đầu tiên trở lại tuyển Việt Nam sau 9 tháng nghỉ vì chấn thương.
Hy vọng gì từ những phép hoán đổi?
Trong “kho” của thầy Park vẫn còn những quân bài tiềm ẩn nữa chưa có dịp ra sân như Tô Văn Vũ, Nguyễn Hữu Tuấn…, nhưng thật khó trông đợi tuyển Việt Nam sớm thay da đổi thịt. Lúc này, chúng ta phải chấp nhận thực tế: Tuyển Việt Nam chưa đạt đến đẳng cấp của đội bóng áp đặt tấn công, trong khi thế mạnh truyền thống là phòng thủ thì đã mai một đi nhiều.
Thầy Park nhập cuộc với Australia vẫn bằng đội hình thấp, chủ trương cầm cự. Nhưng ngay từ những giây đầu, sự bấp bênh đã xuất hiện từ đường chuyền hỏng của Trần Đình Trọng, người xuất sắc trong quá khứ nhưng đã mất cảm giác thi đấu quá lâu. VAR giúp chúng ta thoát thủng lưới quá sớm, nhưng sự chênh lệch trình độ vẫn buộc chúng ta phải chấp nhận 4 bàn thua.
Cả 4 bàn đều là những tình huống cơ bản (phá việt vị đánh đầu, chuyền dài vượt tuyến vào sau lưng trung vệ, thoát pressing trước khu 16,5 m…), nhưng điều khác biệt là Australia tạo ra cơ hội và tận dụng nó một cách đơn giản, trong khi các học trò thầy Park chậm chạp trong phán đoán và hụt hơi khi đeo bám.
Sự trở lại cũng rất được mong mỏi khác là Đỗ Hùng Dũng, nhưng khi anh đá cặp tiền vệ với Lương Xuân Trường, bộ đôi này vẫn để mất khu trung tuyến vào tay đội chủ nhà. Hùng Dũng đã chơi khá thanh thoát, nhưng chỉ đạt 70% phong độ vốn có trước khi bị gãy chân.
Công bằng mà nói, tuyển Việt Nam chỉ chịu trận trong hiệp một, còn ở hiệp 2, chúng ta đã chủ động tấn công và có những khoảnh khắc ở rất gần bàn thắng. Sự xuất hiện của Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Công Phượng, và sau đó là Trần Minh Vương đã mang lại những đường lên bóng đa dạng hơn, tiến gần hơn đến cầu môn của Matt Ryan.
Chúng ta chỉ thiếu một vài centimet nữa là có thể phá lưới Australia, nhưng khoảng cách nhỏ xíu đó sẽ phải đánh đổi bằng rất nhiều năm đẳng cấp – thứ đẳng cấp không bao giờ có nếu chúng ta không tiếp tục được ngồi chung mâm với các ông lớn trong khu vực.