Cuộc sống của cha con "người rắn" ở Quảng Nam giờ ra sao
Căn bệnh lạ khiến chân tay của 2 cha con ở Quảng Nam co quắp, toàn thân xuất hiện nhiều vảy sừng cứng và liên tục lột da như rắn rất đau đớn.
2 cha con lột vảy như da rắn đã có một ngôi nhà ấm áp
Bỏ sau lưng cái nắng gay gắt, khó ưa của miền Trung những ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm về thôn An Lương (xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, Quảng Nam) để thăm lại hai cha con được nhiều người dân địa phương gọi với cái tên đầy chua xót: “Người rắn”.
Gần 10 năm trước, hoàn cảnh của cha con ông Nguyễn Đình Nhi (SN 1966) và Nguyễn Đình Vương (SN 2002) đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Căn bệnh lạ khiến tay chân 2 cha con co quắp, toàn thân nổi vảy, da nứt nẻ khắp người và lột như rắn… Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm, cuộc sống của họ đã vơi bớt nhọc nhằn, khốn khó.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang, ông Nhi nghẹn ngào kể về cuộc đời mình gói gọn trong một từ “khổ”. Là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, lúc mới lọt lòng, ông đã bị gán ghép cho hai từ “quái nhân” và lớn lên trong sự kỳ thị, xa lánh của người đời.
“Khi sinh ra, màu da của tôi đã khác với cả nhà, cơ thể có một vết lằn màu hồng nhỏ rồi bắt đầu lan dần ra từ mặt xuống đến chân. Hồi đó, gia đình nghèo khổ quá, không có tiền chữa trị nên tôi đành chấp nhận sống chung với bệnh tật. Cứ thế các vết đốm ngày càng to dần và da bắt đầu lột như rắn, lúc đầu da lột rất mỏng, sau này dày lên dần và rất ngứa mỗi khi chuyển trời…”, ông Nhi ngậm ngùi kể.
Năm 31 tuổi, ông Nhi may mắn được chị Lê Thị Phượng (SN 1967), một cô thôn nữ nghèo, hiền lành, chất phát ở xã bên đồng ý kết duyên chồng vợ. Ba năm sau ngày cưới, bà Phượng sinh đứa con đầu lòng. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi Vương mới 2 tháng tuổi đã có biểu hiện của căn bệnh di truyền từ bố. Cũng trong thời gian này, bệnh tình của ông Nhi trở nặng hơn, toàn thân nổi vảy, da bắt đầu rỉ máu kéo dài từ mặt xuống đến chân, chân tay co quắp, bắt đầu rút co lại và không thể lao động được nữa.
Quá sốc khi thấy chồng và con cùng lúc mắc phải căn bệnh quái dị, bà Phượng phát bệnh tâm. Ông Nhi bán sạch tài sản có giá trị trong nhà để chạy chữa cho vợ nhưng bất thành. Sau đó, bà Phượng được mẹ đẻ đón về nhà chăm sóc và qua đời vì bạo bệnh.
Từ đó, 2 cha con ông Nhi nương tựa vào nhau để sống bằng số tiền trợ cấp hộ nghèo và khuyết tật, cùng tình thương, sự đùm bọc của bà con làng xóm.
Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi xót xa và thấu hiểu sự khổ sở mà anh Nhi và con trai phải chịu đựng suốt mấy chục năm qua. Căn bệnh lạ khiến các ngón tay, ngón chân của họ co quắp, dính chặt vào nhau. Mỗi khi trái gió trở trời, đặc biệt vào mùa khô, các vết nứt trên da lại rỉ máu, ngứa ngáy khắp thân thể, từ chân đến mặt đều bị bong tróc như rắn vào mùa thay da.
“Mình bị đã đành nhưng đau lòng hơn là đứa con duy nhất cũng mắc căn bệnh quái ác này. Thương con, tôi cũng vay mượn để nhiều lần đưa con đi khắp các bệnh viện để xét nghiệm nhưng tới đâu các bác sĩ cũng lắc đầu vì không tìm ra nguyên nhân…”, ông Nhi thở dài nói.
Ông Nhi thật thà biết thêm, trước đây, hai cha con cực lắm, đến cái ăn cũng không đủ. Nhưng những năm gần đây, họ may mắn được các mạnh thường quân và địa phương chung tay hỗ trợ, xây dựng cho ngôi nhà mới khang trang. Không chỉ vậy, nhiều nhà hảo tâm còn hỗ trợ cả tủ lạnh, tivi, máy giặt, máy lọc nước,… giúp cuộc sống của hai cha con bớt nhọc nhằn hơn.
“Em sẽ học thật giỏi để kiếm thật nhiều tiền nuôi ba”
Bây giờ, Vương đã là cậu thanh niên 19 tuổi, nhưng do nhập học muộn nên hiện em đang học lớp 8 trường THCS Lương Thế Vinh.
Sinh ra đã là một đứa trẻ bất hạnh, lại thiếu vắng bàn tay, hơi ấm của người mẹ khiến tuổi thơ của Vương là chuỗi ngày mặc cảm, tự ti… Lúc còn nhỏ, hằng ngày Vương chỉ biết quanh quẩn trong nhà, không dám tiếp xúc với người lạ. Mỗi khi buồn, vui, em chỉ thu mình lại một góc sau nhà, dùng những cành cây khô, vẽ lên đất những bức tranh trong trí tưởng tượng.
Đến năm Vương 7 tuổi, thấy con ham học, ông Nhi khăn gói đến trường xin cho con vào lớp 1, nhưng hết lần này đến lần khác đều bị từ chối. Ông cũng hiểu vì mọi người sợ bệnh của con lây cho các bạn nên đành bất lực, mua cho con một hộp chì màu để con thỏa mãn sở thích vẽ tranh của mình. Kể từ ngày có được giấy bút, Vương càng mê vẽ và vẽ đẹp hơn…
Năm 2014, sau khi dư luận lên tiếng, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, “cậu bé người rắn” đã được nhận vào học lớp 1. Tại đây, Vương bắt đầu nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô và bạn bè. Biết hoàn cảnh đặc biệt của Vương, nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để em được hòa nhập và theo đuổi giấc mơ con chữ.
Suốt 8 năm học qua, Vương đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và luôn thuộc top đứng đầu trường. Không chỉ vậy, Vương đã đạt được nhiều giải thưởng và giấy khen tại các cuộc thi mỹ thuật cấp huyện, tỉnh.
Nhìn những tấm bằng khen đang dán dày trên tường rồi quay sang nhìn con trai, anh Nhi tự hào nói: “Tội nghiệp thằng nhỏ, bệnh tật những ham học và có hiếu lắm… Thương con lắm, cả đời mình bệnh tật nên cái chữ cũng không biết, chỉ mong cho cho con được đi học đầy đủ, sau này có cái nghề để tự nuôi sống bản thân là mừng lắm rồi”.
Giữa trưa nắng oi bức, vẩy trên người Vương bắt đầu bong ra, các ngón tay cũng dần khó cử động. Thế nhưng, đam mê vẽ tranh của Vương thì chưa bao giờ dừng lại.
Hàng ngày, ngoài việc học và phụ giúp bố làm các công việc nhà, hễ có thời gian rảnh, Vương lại mang giấy bút ra tập vẽ. Các bức tranh em vẽ thường về chủ đề cảnh đẹp quê hương, người lao động, cánh đồng, biển đảo,… Tất cả đều mang gam màu tươi sáng, như chính mơ ước về cuộc sống tươi đẹp và khát khao vượt lên số phận lúc nào cũng hiện hữu trong em.
Khi được hỏi về tương lai và những ước mơ, “cậu bé người rắn” nhỏ nhẹ đáp: “Từ nhỏ em đã mê vẽ nhưng vì nhà nghèo lại bệnh tật nên không dám mơ được đến trường. Được các cô chú mạnh thường quân giúp đỡ, 8 năm qua con được đi học. Lúc đầu, các bạn thấy con đều hoảng sợ bỏ chạy. Nhưng giờ, nhiều bạn chơi thân với em lắm, còn thầy cô thì luôn quan tâm, động viên…
Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không làm các cô chú đã giúp đỡ em thất vọng. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một họa sĩ để thỏa niềm đam mê được đi đây đó và em sẽ vẽ lại cuộc đời của em bằng chính đôi tay của mình, kiếm thật nhiều tiền để có thể chăm sóc cho ba lúc về già”.
Dẫu biết rằng, con đường trở thành họa sĩ của “cậu bé người rắn” vẫn còn rất dài và gian nan, khi bệnh tật ngày một nặng hơn. Nhưng với ước mơ giản đơn của mình, Vương đã và đang không ngừng nỗ lực để vượt lên số phận. Mong sao cho tương lai em sẽ tươi đẹp như những bức tranh em vẽ vậy!.