Đại gia lập dị dành 6 năm đào núi xây lăng mộ cho mình, đi khắp thế gian tìm thuật ướp xác
Các đại gia có những thú tiêu khiển, xài tiền rất khác biệt với người thường. Có người mua đồ hiệu, đi du lịch khắp thế gian, tận hưởng những cao lương mỹ vị ở đời. Còn với một số người khác, dàn xếp cho hậu sự của mình lại là điều đáng lưu tâm, như đại gia “Đức Gấu” chẳng hạn.
Ông tên thật là Nguyễn Công Đức, người gốc Hà Nội nhưng ở ẩn tại Sơn Lâm, Lương Sơn, Hòa Bình nhiều năm nay.
Ly kỳ chuyện đại gia tìm thuật ướp xác
Sở dĩ ông có biệt danh “Đức Gấu” là bởi đại gia này có một trang trại nuôi gấu đẻ, cá và cá sấu. Nhưng ông được biết đến nhiều hơn là bởi khu lăng mộ kỳ công ông xếp đặt để đợi ngày ướp xác mình.
Đại gia Nguyễn Công Đức
Ông Đức ấn tượng với việc các vị vua Ai Cập xưa đều được tẩm liệm cẩn thận, ướp xác và xây lăng tẩm cho đời sau. Vì thế, ông nảy ra ý tưởng làm điều tương tự. Ông Đức dành nhiều thời gian để nghiên cứu bí thuật ướp xác qua các tài liệu trong và ngoài nước.
Ông cũng “đốt” hàng chục nghìn đô vào các chuyến đi thăm thú các bảo tàng, trung tâm nghiên cứu về ướp xác ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập… để thu lượm kiến thức.
Đại gia này không biết tiếng Anh nên phải thuê phiên dịch viên đi theo mình thời gian dài. Tổng kết những chuyến đi, ông ghi chép thành một quyển sổ dày đặc những thông tin
Ông “Đức Gấu” và vợ.
Khi đã có các công thức, ông bắt tay vào việc thu gom các nguyên vật liệu, dụng cụ để có thể ướp xác mình. Có những công thức khác nhau dùng những hương liệu khác nhau, ông đều đi gom.
Ông đến núi Bà Đen để tìm mua tinh dầu cổ am, tinh dầu gù hương; đến Ninh Thuận để mua than trai – một loại than rất hiếm. Những vật dụng khác như bột gạo nếp rắc lên thi thể, áo quan làm từ gỗ quý, tinh dầu ướp xác và cả 6 tấn muối… cũng được chuẩn bị đầy đủ.
Cổng vào trang trại nơi có lăng mộ ông Đức tự xây cho mình.
Đại gia này đã đã tự mình mày mò và thử nghiệm việc ướp xác bằng các công thức khác nhau trên xác các loài động vật, cho đến khi tìm thấy công thức mà ông tin rằng phù hợp nhất với mình.
Mọi vật dùng cần thiết cũng như cách thức ướp xác này đã được ông ghi chép cẩn mật trong di chúc, chỉ đợi ngày vợ chồng ông từ giã trần gian để thực hiện.
Lăng mộ độc nhất vô nhị rộng 10ha
Đại gia nuôi gấu từng chia sẻ rất tỉ mỉ về khu lăng mộ khiến ông rất đỗi tự hào này. Ông mất 3,5 năm thuê 30 thợ lành nghề kỳ công đẽo đục đá trên núi thành hầm mộ sâu cả chục mét để chứa xác ướp.
Mất 6 năm thi công ròng rã, từ 2000 đến năm 2006, đội ngũ thi công của ông mới hoàn thành công trình với những chi tiết tỉ mỉ theo tính toán từ các pháp sư, từ hướng, độ cao cho đến số bậc thang dẫn lên hầm mộ.
Phần nổi của hầm mộ là 2 khối bê tông kiên cố, dài 12m, rộng 7,5m, chiều cao tính từ nền đất trang trại là 25m. Trên bề mặt đặt thêm tấm bê tông lớn mô phỏng hình một bàn cờ tướng, được làm thêm năm 2007.
Phần nổi của hầm mộ.
Ông Đức tiết lộ, vị trí đặt xác của ông sẽ nằm sâu 18m trong lòng đất và nằm sâu trong các ngóc ngách trong lòng núi, không thể tiết lộ. Khi ông mất, máy cẩu sẽ nhấc nắp bê tông này ra và đưa thi thể vào.
“Do được tiếp cận và xem tận mắt các kiểu kiến trúc và cách thức thi công đảm bảo an toàn, độ bảo mật cho xác ướp ở Ai Cập và cả Trung Quốc nên tôi đã tính đến việc thiết kế hầm mộ của mình theo nhiều tầng, nhiều lớp.
Để làm sao khi mà đưa quan tài có chứa thi thể mình vào thì sẽ có một hệ thống ròng rọc tự động chạy và tác động vào cái chốt khóa đã bố trí sẵn. Sau khi có tác động ngược lên khối đá tự nhiên ở phía trên sẽ tự rơi xuống và đóng kín lăng mộ“, đại gia Nguyễn Công Đức trả lời báo Kiến Thức.
Ông đã đầu tư mua thêm 2 đoạn đường ray xe goòng mỗi đoạn dài 20m men theo đường hầm trên núi đã đào sẵn vào khu “mật thất” cuối cùng để tiến hành ướp xác. Riêng quá trình lắp thử nghiệm đường ray xe goòng này, ông và những người thợ phải vất vả suốt 2 năm.
Để lăng mộ được an toàn, vững bền với thời gian, ông cũng dặn dò con cháu tuyệt đối không chôn theo bất cứ một thứ tài sản gì có giá trị như vàng bạc, trang sức… để tránh trộm mộ.
Số kinh phí ông Đức đã bỏ ra để tạo dựng lăng mộ của chính mình không được ông tiết lộ vì “nhiều người sẽ nghĩ tôi khùng, lãng phí, khoe mẽ“. Ông có tâm nguyện để toàn bộ trang trại, lăng mộ khi ông qua đời sẽ được để lại cho đời sau.
Để “những ai đi ngang Hòa Bình có thể ghé tham quan và biết rằng tất cả những thứ này đã được gây dựng bởi một người Hà Nội bình thường, thế là đủ. Tôi muốn ngay cả khi tôi chết đi, con cháu tôi cũng phải thấy cha mình ngày trước không phải tầm thường“, như lời ông tiết lộ.