Đứa con đỗ 3 trường đại học của một mẹ điên, bố không nhận, bà ngoại gạt lệ nuôi cháu lớn
Tân sinh viên có mẹ là một người điên
Lê Đức Hiếu, 18 tuổi, người thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi vừa trở thành sinh viên của Trường đại học Kinh tế TP. HCM. Đỗ đại học với các học sinh khác là một sự kiện trọng đại trong đời mình; còn với Hiếu, đó là sự kiện trọng đại của cả em và bà ngoại. Vì Hiếu là “đứa con thông minh của một người điên”.
Tháng 7/2021, Hiếu òa khóc khi biết tin mình đậu 3 trường Đại học. Bà ngoại cũng xúc động, khóc như trẻ thơ. Hiếu mang cơm vào cho mẹ báo tin, mẹ Hiếu chỉ gào lên, vung tay hất đổ bát cơm Hiếu vừa bê vào.
Hiếu chưa từng được mẹ ôm, được mẹ biết đến hay gọi tên mình.
Cũng không lạ, vì từ khi nhận thức được, có chuyện gì buồn vui Hiếu đều đem khoe mẹ. Bên ngoài, cậu nói vọng vào; bên trong, mẹ Hiếu cười những tràng liên miên không ngớt hoặc tự đập đầu vào tường.
Hiếu cứ tự nhâm nhi cảm xúc của mình, đơn độc như thế. Cảm xúc buồn vui, những nỗi đau, chua xót, sự hạnh phúc… chưa bao giờ được san sẻ với người mẹ điên.
Chị Thương, mẹ Hiếu đổ bệnh năm 20 tuổi. Bà Gái nhớ lại, năm ấy từ Sài Gòn về quê thăm nhà, chị Thương cùng bạn đi xem cải lương ở sân bóng rồi tự dưng ngồi bệt xuống giữa ngã ba đường. Chị về nhà, ngồi im trong phòng 7 ngày rồi sau đó chìm vào những cơn điên mê mải.
Bà Gái chạy chữa mãi chẳng có gì chuyển biến. Tiền cạn, bệnh tăng, chị Gái cứ khóc cười, gào thét, có khi đánh người rồi bỏ đi lang thang. Bà gạt nước mắt xích con gái dưới hiên bếp để đi làm kiếm tiền nuôi con.
Năm Thương 29 tuổi, bụng chị bỗng lùm lùm. Bà Gái mới đầu tưởng là tác dụng phụ của thuốc, nhưng đến một đêm nọ, thấy một người đàn ông đi từ phòng con mình ra, bà hiểu nguyên nhân của cái lùm lùm ấy. Bà âm thầm chịu, không tố cáo chuyện con gái mình bị cưỡng hiếp. Cậu bé Hiếu được sinh ra như thế. Người bố, nghe đâu là một người quen biết trong làng, chưa bao giờ nhận con.
Nuôi con tâm thần đã vất vả, bà Gái lại gom từng đồng bán rau, bán lúa… mua sữa cho cháu, có khi được người bán cho nợ tiền trả sau. Hiếu cứ thế mà lớn lên trong vòng tay bà, trong sự đùm bọc cưu mang của những người dưng cho bà Gái vay nợ trả dần.
Còn mẹ Hiếu, không biết con là ai, không nhận ra bất cứ ai ngoài mẹ. Đói bụng, chị gọi “Má ơi, ăn cơm” rồi cứ rú lên cười nói một mình. Việc vệ sinh cá nhân do bà Gái và Hiếu thay phiên nhau vun vén. Một số nhà hảo tâm giúp gia đình xây một gian nhỏ, cửa sổ quây lưới thép để chị Thương ăn ngủ trong đó.
18 năm chông chênh bàn tay mẹ, lấy hơi ấm từ bà
Suốt những năm ấu thơ, Hiếu đã khóc hết không biết bao nhiêu là nước mắt khi bạn hỏi: “Mẹ mày đâu?”. Mẹ của Hiếu là “bà điên” bị xích dưới hiên bếp, là nhân vật khiến lũ trẻ ré lên sợ hãi, nhòm nhòm rồi hò nhau chạy.
Khóc chán, lên cấp hai, Hiếu xông vào đánh nhau với những ai chòng ghẹo mẹ mình. Nhiều lần bà Chế Thị Gái (bà ngoại Hiếu) ôm thân thể đầy thương tích của cháu dỗ dành: “Mẹ vẫn luôn là mẹ. Giờ con phải học giỏi để không ai khinh mình nữa!“.
Hiếu lớn lên nhờ tình yêu thương của bà ngoại và cả những người dưng.
Hiếu vừa đi học vừa làm việc đồng áng phụ ông bà để có sinh hoạt phí, mua sách vở. Năm 2018, ông ngoại Hiếu bị tai biến, ruộng cho thuê, mỗi vụ được trả công vài bao thóc, không thừa thãi chút nào.
Từ đó cả nhà sống dựa vào tiền trợ cấp cho người tâm thần, rau trồng trong vườn vặt làm thức ăn. Nhưng bà Gái vẫn dạy cháu: “Nếu con muốn có một chỗ đứng, một tư cách… phải tự kiếm tiền, tuyệt đối không được ngửa tay xin!”.
Năm 2020, ông ngoại Hiếu mất, bà ngoại được chẩn đoán hở van tim, sức khỏe xuống dốc không phanh, Hiếu gần như quán xuyến hết việc nhà. Hai bà cháu kiếm thêm thu nhập bằng việc nhận gia công bóc vỏ hạt điều.
Nhà nghèo lại còn ngặt, Hiếu định bụng sẽ nghỉ học đi làm sau khi thi cuối cấp. Các thầy cô biết chuyện, động viên em bằng cách luyện thi miễn phí. Cô chủ nhiệm cũng vận động dành học bổng học sinh có hoàn cảnh khó khăn cho Hiếu.
Hiếu đăng ký ba trường đại học, đỗ cả ba. Bà Gái vui đó rồi buồn đó, vì không biết lấy đâu tiền đóng học cho cháu. Hàng cau của nhà nhẩm nhẩm được tầm 3 triệu, chưa kịp hái thì trộm đã lấy cắp.
Sát hạn nhập học, Hiếu thương bà, định viện cớ đi học xa không ai chăm sóc gia đình để gạt ước mơ vào giảng đường. Bà Gái đi chạy vạy khắp nơi vay đủ cho cháu chục triệu, vì người làng không lấy lãi, dặn khi nào có trả sau.
Câu chuyện của Hiếu đã khiến nhiều người cảm động và nhận hỗ trợ em trong chặng đường tương lai.
Thế là, cậu bé con trai của người điên đã trở thành sinh viên. Hiện tại Hiếu vẫn ở nhà học online do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cậu định khi lên thành phố sẽ đi làm thêm, vay ngân hàng để có tiền chi trả cho những năm tháng đại học sắp tới. Cậu cũng xác định, có thể mình sẽ học lâu hơn các bạn vì có thể sẽ gián đoạn để về nhà chăm mẹ, chăm bà. Nhưng con đường ấy, Hiếu sẽ không từ bỏ.
***
Sau khi câu chuyện của Hiếu được lan tỏa, cậu sinh viên đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Các sư cô tại một ngôi chùa đã hứa giúp Hiếu tiền hàng tháng để trang trải sinh hoạt phí 4 năm đại học. Một doanh nghiệp cũng tặng Hiếu học bổng, nhưng cậu thấy mình đã có đủ nên xin phép nhường cho người khác.