Dùng cá robot để gieo rắc kinh hoàng cho cá gây hại
Vào đầu những năm 1900, muỗi trở thành một vấn đề lớn và thuốc chống muỗi vẫn còn phải nửa thế kỷ nữa mới xuất hiện, vì vậy một loài cá có tên khoa học là Gambusia affinis đã được đưa đến nhiều khu vực trên khắp thế giới để kiểm soát số lượng muỗi, vì loài cá này rất thích ăn ấu trùng muỗi, do đó, nó còn được biết đến với cái tên cá ăn muỗi.
Tuy nhiên, không có giải pháp nào là hoàn hảo và đôi khi, nó lại tạo ra một vấn đề khác nghiêm trọng không kém. Hóa ra, loài cá ăn muỗi này không chỉ ăn ấu trùng muỗi, những con cá nhỏ bé này thích ăn ấu trùng của tất cả các loài, bao gồm cả những loài lưỡng cư quý hiếm và quan trọng về kinh tế, có nguồn gốc nội địa tại những con sông mà loài cá ăn muỗi được đưa vào.
Như vậy là từ một loài được cho là có ích, chúng đã trở thành loài xâm lấn, tạo ra mối nguy với môi trường, nhưng các nhà khoa học có thể đã tìm ra giải pháp.
Một robot có ngoại hình và cách bơi giống như con cá vược miệng rộng đã được các nhà nghiên cứu tạo ra để ngăn cản loài cá ăn muỗi tiêu diệt ấu trùng các loài quan trọng khác và giúp con người chuộc lỗi với hệ sinh thái.
Cá vược miệng rộng là thiên địch của cá ăn muỗi, các nhà khoa học tích hợp cho nó “thị giác máy tính”, là cảm biến để phát hiện cá ăn muỗi khi chúng tiến đến gần nòng nọc, sau đó con robot sẽ di chuyển đến để dọa cá và ngăn cản chúng ăn các loài nòng nọc bản địa.
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã thiết lập bể chứa cá ăn muỗi và nòng nọc, sau đó đưa robot vào. Họ phát hiện ra rằng robot có hiệu quả trong việc xua đuổi cá ăn muỗi. Robot đã khiến cá ăn muỗi lo lắng, làm thay đổi hành vi, sinh lý và khả năng sinh sản của chúng, về cơ bản khiến chúng kém hiệu quả hơn trong việc săn nòng nọc trong 5 tuần nghiên cứu.
Những con cá tiếp xúc với robot trở nên tập trung vào việc chạy trốn hơn là sinh sản. Trong khi đó, do thị lực của nòng nọc rất kém, chúng không nhìn rõ robot nên không bị ảnh hưởng như cá ăn muỗi, vốn là loài có thị lực tốt.
Một trong những người dẫn đầu nghiên cứu, Maurizio Porfiri, cho biết: “Mặc dù thành công với việc ngăn chặn cá ăn muỗi trong thử nghiệm, cá robot vẫn chưa sẵn sàng để thả vào tự nhiên”. Nhóm vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật cần khắc phục, nhưng robot này có thể chính là cách để chấm dứt những tác hại mà cá ăn muỗi gây ra, những tác hại mà chúng ta đã mang đến với hệ sinh thái.