Em bé 3 tuổi nặng chỉ bằng một đứa trẻ sơ sinh: Những hình ảnh đau xót của Afghanistan về cơn bão đói nghèo đang trầm trọng hơn bao giờ hết
Kamila 3 tuổi rồi, nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 5kg – nghĩa là ngang một em bé sơ sinh vài tháng tuổi. Làn da cô bé nhăn nheo, chảy xệ, tay chân gầy tong teo, trong khi chiếc bụng phình to bất thường.
Bilqiz, bà của Kamila cho biết cô bé đã bị suy dinh dưỡng 8 tháng nay. Vừa nói, bà vừa đưa tay vỗ về, xoa dịu cô bé trong khu điều trị của một bệnh viện, nơi có nhiều đứa trẻ tiều tuỵ hốc hác khác đang ở đó. Còn Kamila, bé yếu đến mức chẳng thể khóc nổi, chỉ biết vò lấy đôi tai trong đau đớn.
“Mẹ cháu ốm, mà nhà thì nghèo. Mẹ cháu cố gắng cho bú nhưng làm gì có sữa đâu.”
Kamila – cô bé 3 tuổi với cân nặng chỉ như trẻ sơ sinh, là nạn nhân của cơn khủng hoảng đói nghèo tại Afghanistan
Tình cảnh của gia đình Kamila giống như hàng triệu người Afghanistan khác đang vật lộn để sống sót giữa cơn bão thiếu thốn thực phẩm do mùa đông khắc nghiệt và nền kinh tế sụp đổ. Các tổ chức nhân quyền đang kêu gọi trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, khi nhóm rủi ro nhất là phụ nữ và trẻ em đang khổ sở nơi đây.
Dẫu vậy, lực lượng điều hành đất nước vào lúc này – Taliban – chỉ thừa nhận về “rắc rối kinh tế” đang xảy ra mà chối bỏ đi cơn khủng hoảng đói nghèo, thẳng thừng tuyên bố mọi thông tin đều là sai lệch.
“Chẳng ai chết đói cả vì không có nạn đói, còn các thành phố thì đầy thức ăn,” – trích lời người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid.
Trên thực tế thì trước cả khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8, nguy cơ đói nghèo đã lan rộng do nhiều lý do khác nhau – từ hạn hán, suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang, và dịch bệnh. Nhưng 3 tháng sau khi Taliban xuất hiện, cơn khủng hoảng trầm trọng đi rất nhiều. Hàng tỉ dollar từ các tổ chức hỗ trợ quốc tế bị đóng băng, khiến ngân khố quốc gia cạn kiệt và ảnh hưởng khủng khiếp đến mọi mặt của nền kinh tế.
Mùa đông năm nay, gần 23 triệu người – hơn 1/2 dân số của Afghanistan – đang phải đối diện với đói nghèo cùng cực. Liên hợp Quốc (LHQ/ UN) đánh giá có ít nhất 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ chết đói.
Bán mọi thứ để né tránh tuyệt vọng
Mùa đông khắc nghiệt ùa đến không chút thương xót với những người khốn khổ, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực của Afghanistan.
Vốn là đất nước phụ thuộc rất nhiều vào nông nghiệp, Afghanistan lại mất tới 40% sản lượng lương thực trong năm qua vì hạn hán. Khi nguồn cung không đủ, chi phí cho các loại ngũ cốc và bánh mì tăng phi mã.
“Chúng tôi chỉ có nước và bánh mì để sống. Mà thỉnh thoảng thôi, vì có lúc còn chẳng được ăn gì,” – Musafer, một người lao động tại Afghanistan cho biết.
Đầu tháng 12, Musafer đưa con gái Razia tới bệnh viện tỉnh Ghor thuộc Chagcharan. Razia mới gần 3 tuổi, nhưng gầy gò đến mức xương sườn lẫn sống lưng lộ hẳn ra một cách thương tâm. Đó là lần thứ 3 cô bé phải vào viện trong vòng 8 tháng qua, mà chẳng có gì tiến triển.
“Không có gì cả. Không việc làm, không thu nhập, không thức ăn để nuôi con,” – Musafer đau đớn nói. “Mỗi lần nhìn con là một lần tôi đau lòng.”
Razia cũng chịu tình cảnh tương tự với Kamila
Richard Trenchard từ Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp tại Afghanistan nhận định tình cảnh này thực sự là thảm họa từ tháng 11/2021.
“Mọi nông dân chúng tôi trò chuyện đều gần như mất trắng hoa màu trong năm qua. Họ buộc phải bán đi gia súc, nợ thì ngày một đầm đìa. Cơ bản, họ không có đồng nào cả.”
Trước khi Taliban tới, đói nghèo đã là một vấn đề khá phổ biến tại các vùng nông thôn. Còn giờ, đến giới trung lưu và dân thành thị cũng khổ sở.
Nhân viên chính phủ và giáo viên các trường, nhiều người đã không được trả lương suốt nhiều tháng qua. Họ đứng xếp hàng chung với dân nghèo, chờ đợi cứu trợ thực phẩm và y tế. Khắp đất nước, các gia đình bán đi mọi thứ từ quần áo, nội thất, gia súc, thậm chí là cả ngôi nhà của mình để đổi lấy đồ ăn sống qua ngày.
Giờ đây, 10 trên 11 thành thị đông dân nhất Afghanistan đang đứng trước nguy cơ rơi vào nạn đói bùng phát, theo cảnh báo của Deborah Lyons, giám đốc Phái bộ Hỗ trợ của LHQ.
Tại các khu trại tái định cư, tình hình còn bi đát hơn. Có những người nghèo đến mức chẳng còn gì để bán, buộc phải bán con theo diện tảo hôn. Một số gia đình thậm chí phải đau đớn thừa nhận rằng đó cũng là con đường duy nhất để con của họ sống sót được trong tình cảnh này.
Bệnh viện quá tải
Trong khi hệ thống y tế các nước chịu áp lực vì dịch bệnh, thì bệnh viện ở Afghanistan cũng đang quá tải. Nhưng là vì các bệnh nhân đang đói khát.
Trước kia, các chương trình y tế của Afghanistan được cấp vốn bởi Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng nguồn tiền đã bị cắt kể từ lúc Taliban lên nắm quyền vào tháng 8. Không có tiền đồng nghĩa với việc 2300 cơ sở y tế không thể mua thêm vật tư hay trả được lương cho công nhân viên.
Cuối tháng 9/2021, hầu hết các bệnh viện đã phải đóng cửa, chỉ còn 1/5 cố gắng duy trì.
Kể từ ngày Taliban lên nắm quyền, nạn đói của Afghanistan trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết
Trước khi Taliban tới, có 39 bệnh viện tại Afghanistan chuyên để điều trị Covid, còn giờ thì chỉ có 3 hoặc 4 nơi còn hoạt động – theo thống kê của Tiến sĩ Paul Spiegel từ ĐH Johns Hopkins.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nằm trong số những cơ quan khôi phục lại hỗ trợ trang thiết bị y tế quan trọng cho Afghanistan. Trong khi đó, chương trình phát triển của LHQ chấp nhận cấp 15 triệu USD cho nền y tế nước này, qua đó giúp chi trả phần nào cho 23.000 công nhân viên y tế.
Nhưng theo các tổ chức nhân quyền và bác sĩ hoạt động tại hiện trường, chừng đó là chưa đủ. Như tại bệnh viện tỉnh Ghor, có hơn 100 bà mẹ đưa con đến mỗi ngày để điều trị suy dinh dưỡng. Ngoài ra còn nhiều chứng bệnh liên quan như sởi, tiêu chảy, cảm lạnh, cảm cúm…
Các chứng bệnh này có liên quan đến nhau. Việc không đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé khiến họ dễ nhiễm bệnh hơn. Ngoài ra do còn quá ít bệnh viện, họ phải di chuyển rất xa để khám chữa bệnh và vô tình khiến tình trạng trở nên trầm trọng.
Nhiều gia đình phải bán đi mọi thứ, kể cả con của mình
Thê lương là vậy nhưng nguồn cung vật tư lẫn thuốc men đang giảm đi nhanh chóng. Như khu điều trị suy dinh dưỡng giờ chỉ còn sữa cho bệnh nhân mà thôi.
“70% các ca đều là nghiêm trọng, mà còn là ở thành phố. Thử tưởng tượng các tỉnh xa xôi hơn sẽ như thế nào. Nếu không ai quan tâm, mọi chuyện sẽ là rất kinh khủng,” – Farjad nhận xét.
Trong số các bệnh nhân của Farjad có bé Nasrin, 1 tuổi, bị suy dinh dưỡng trầm trọng đến mức phân nửa thời gian kể từ khi ra đời bé phải nằm trong bệnh viện. “Tần suất 20 ngày, rồi 10 ngày, chúng tôi ở trong viện,” – cha cô bé, ông Abdul Rauf chia sẻ.
Nguồn: CNN Đọc Chậm
xem chi tiết