F0 ho nhiều lo ngại virus lan nhanh xuống phổi: Bác sĩ chỉ rõ ho thế nào mới cần đi khám

Rất nhiều trường hợp F0 gặp phải triệu chứng ho nhiều nên sợ virus sẽ lan nhanh xuống phổi. Theo các bác sĩ ho khi mắc Covid-19 do nhiều nguyên nhân.

Chị Lê Nga (32 tuổi tại Thanh Oai, Hà Nội) có triệu chứng rát họng chị test nhanh Covid-19 dương tính với 2 vạch rõ nét. Chị Nga không bị sốt nhưng lại có triệu chứng ho nhiều. Đặc biệt, sau mỗi bữa cơm chị thường ho.

Để giảm ho chị đã áp dụng theo các biện pháp dân gian ngậm gừng, mật ong. Tuy nhiên, trị chứng ho không thuyên giảm khiến cho chị Nga lo lắng virus xuống phổi gây viêm phổi. Chị Nga còn được một số bạn bè mắc nên dùng kháng sinh sớm để giảm nguy cơ viêm phổi.

Cùng chung tâm trạng lo lắng như chị Nga đó là trường hợp của anh Đỗ Văn Hòa (46 tuổi tại Long Biên, Hà Nội) anh cũng có triệu chứng ho, đau rát họng. Anh Hòa đã dùng tới thuốc ho nhưng không hiệu quả. Do ho nhiều anh Hòa lo lắng Covid-19 có đang ảnh hưởng tới phổi hay không?

BSCKII Nguyễn Thu Hường – Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, với biến thể Omicron hiện đang chiếm đa số ca bệnh tại Hà Nội thường có triệu chứng ở đường hô hấp trên như: ho, đau rát họng, xổ mũi… Do vậy, triệu chứng ho ở bệnh nhân Covid-19 gặp ở phần lớn bệnh nhân.

“Nhiều F0 lo ngại việc ho là triệu chứng ảnh hưởng tới phổi là chưa đúng”, bác sĩ Hường nói.

Bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng ho do nhiều nguyên nhân như: Viêm họng, trào người dịch dạ dày từ dưới kích thích lên cũng khiến bệnh nhân ho; Một số trường hợp có tổn thương tại phổi, tại tim (bệnh nhân ứ huyết ở tim kích thích phổi gây ho…).

Ho do mắc Covid-19 không quá đáng ngại, ảnh minh hoạ.

Nếu trường hợp bệnh nhân có ho nhiều lưu ý: Nên uống nhiều nước, uống đủ 2 lít nước/ ngày; súc miệng với nước muối sinh lý hoặc nước sạch; Dùng các biện pháp dân gian gừng, tỏi, đường phèn, mật ong để giảm ho… Nếu triệu chứng ho không giảm có thể uống thuốc ho theo đơn kê của bác sĩ.

Trường hợp ho như thế nào thì cần đi khám?  Theo bác sĩ Hường, các trường hợp F0 có ho nhiều, ho húng hắng vài tiếng thì không sao. Nhưng nếu ho làm bệnh nhân khó chịu, thức giấc giữa đêm hoặc khó thở thì bắt buộc bệnh nhân phải vào viện thăm khám.

Bác sĩ Hường cũng cảnh báo thêm, hiện nay không ít người sợ Covid-19 ảnh hưởng tới phổi khi mắc đã vội dùng thuốc kháng sinh. Việc dùng kháng sinh lạm dụng là hoàn toàn không đúng. Ho ở bệnh nhân Covid-19 là do hội chứng trào ngược hoặc tổn thương xơ phổi (gặp ở bệnh nhân Covid-19 nặng) do vậy việc dùng kháng sinh sẽ không có hiệu quả.

Bệnh nhân Covid-19 chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm trùng và phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu F0 ho nhiều, bất kỳ triệu chứng gì cũng cần gặp bác sĩ, thăm khám và chỉ định, không nên tự ý mua kháng sinh.

Thuốc kháng sinh là con dao hai lưỡi, nếu không nhiễm trùng mà dùng sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí gây dị ứng, tổn thương men gan, chức năng thận“, bác sĩ Hường khuyến cáo.

Covid-19 là bệnh diễn biến có thể tự khỏi sau từ 5-7 ngày mà không phải dùng thuốc. Do vậy, khi mắc Covid-19 người bệnh chỉ cần dùng thuốc theo triệu chứng.

Trong đó, cần phải chuẩn bị nhóm thuốc điều trị cảm cúm thông thường với các loại thuốc như: Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau điều trị triệu chứng; Nhóm thuốc histamin giúp giảm các triệu chứng chảy nước mũi và các triệu chứng của cúm. Các loại thuốc còn lại ngoài nhóm thuốc kể trên cần phải uống theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.