F0 nào có nguy cơ cao gặp hội chứng hậu Covid: Nhóm người này khả năng mắc gấp 5-6 lần
Các nhà nghiên cứu đã xem xét một số yếu tố được đánh giá là làm tăng nguy cơ gây ra Covid-19 kéo dài.
Những F0 nào có nguy cơ cao gặp hội chứng hậu COVID-19 cao hơn?
Nhiều người sau khi nhiễm COVID-19 phải trải qua các hội chứng COVID kéo dài tới vài tháng sau khi mắc bệnh.
Trong nghiên cứu được công bố trên trang medRxiv, các nhà nghiên cứu đã xem xét một số yếu tố được đánh giá là làm tăng nguy cơ gây ra COVID kéo dài.
Tham gia nghiên cứu là những người từ 18 tuổi trở lên đã từng mắc COVID-19. Khoảng 455 ứng cử viên đã được tuyển dụng ban đầu, sau khi sàng lọc theo các tiêu chí đã xác định được 338 người đủ điều kiện. Thông qua một số nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram và Twitter, họ được yêu cầu trả lời các câu hỏi liên quan đến tiền sử tâm thần và bệnh lý, triệu chứng, quá trình mắc bệnh và cách điều trị Covid-19 cũng như di chứng hậu COVID.
Họ cũng được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi để đánh giá trầm cảm. Các câu hỏi xoay quanh một số vấn đề như trải nghiệm đau thương trước tuổi 17 như người thân qua đời, tiếp xúc thể chất với bạo lực, ly hôn của cha mẹ, thương tích nghiêm trọng và lạm dụng tình dục… được điều tra dựa trên Thang đo sự kiện chấn thương thời thơ ấu.
Nhóm chuyên gia cũng sử dụng thang đo sự kiện đau buồn để khảo sát về yếu tố gây căng thẳng trong vòng 3 năm gần đây, ví dụ như: Các yếu tố gây căng thẳng mối quan hệ, tấn công tình dục, bạo lực phi tình dục, cái chết của người thân hoặc các sự kiện chấn thương khác.
Kết quả: Người béo phì, có tiền sử chấn thương thời thơ ấu có thể có nguy cơ mắc COVID kéo dàiTrong số 338 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, có 158 người (47%) đã hồi phục hoàn toàn khỏi COVID-19 trong vòng 30 ngày sau khi mắc bệnh. Các ứng cử viên còn lại (53%) phàn nàn về các triệu chứng COVID kéo dài.
Tất cả các đối tượng đều được chẩn đoán mắc COVID-19 từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021. Trước khi mắc COVID-19, hầu hết những người tham gia nghiên cứu nói rằng họ có sức khỏe rất tốt (37,6%) hoặc tốt (51,5%).
Các tác giả lưu ý rằng những người béo phì có tỷ lệ biểu hiện COVID-19 kéo dài cao hơn. Bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài có tỷ lệ cao bị tăng huyết áp, đau nửa đầu, tăng lipid máu, đau đầu, rối loạn tuyến giáp, viêm xương khớp, đau cơ xơ hóa, hội chứng Ehlers-Danlos và dị ứng thực phẩm. Giữa hai nhóm (đã hồi phục và mắc COVID dài), bệnh nhân hồi phục lại có tần suất cao bị rối loạn lưỡng cực II.
Hầu hết bệnh nhân COVID-19 bị bệnh ở mức độ trung bình (32,6%), hoặc nhẹ (40,7%), khoảng 5% bị bệnh nặng và viêm phổi. Trong số các nhóm mắc COVID dài, tỷ lệ nhập viện cao hơn và mức độ bệnh nặng gia tăng đã được quan sát thấy. Đáng chú ý, nhóm đối tượng này thường gặp các các triệu chứng sau đây cao hơn so với người đã hồi phục, bao gồm: Sương mù não, cảm giác nóng rát, đau ngực, khó thở, thiếu oxy, buồn nôn, táo bón, phát ban, đau cơ, đau đầu, ớn lạnh và bạch huyết…
Mức độ trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) trước khi mắc bệnh là tương tự nhau ở hai nhóm nhưng khác nhau đáng kể ở hậu COVID-19. Những bệnh nhân mắc COVID kéo dài có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng cao hơn.
Những người có ít nhất một sự kiện đau thương trong thời thơ ấu có nhiều khả năng phát triển COVID kéo dài gấp 3 lần so với người không có. Những người có 2 sự kiện chấn thương trở lên có khả năng mắc COVID kéo dài gấp 5,6 lần.
Ngoài ra, gặp các triệu chứng như phantosmia (ảo giác khứu giác), đau ngực và sương mù não trong giai đoạn bệnh cấp tính là những yếu tố dự báo nguy cơ F0 có khả năng mắc hội chứng hậu Covid-19.
Từ những dữ liệu này, nhóm tác giả kết luận hơn 50% tình nguyện viên không hồi phục hoàn toàn sau 3 tháng mắc Covid-19 và đa số trường hợp là nữ giới. Hội chứng Long Covid không phải tình trạng hiếm và ảnh hưởng tới hai giới khác nhau. Đặc biệt, chấn thương thời thơ ấu làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này ở các F0.
Hậu Covid-19 gây nên những di chứng nào?
Theo các chuyên gia y tế, Covid-19 có thể gặp ở mọi độ tuổi và tất cả bệnh nhân đều có nguy cơ xuất hiện di chứng hậu Covid-19.
Tại Hội nghị khoa học thường niên Medlatec Group “Quản lý chất lượng và phòng, chống Covid-19” diễn ra chiều 18-2, nói về vấn đề hậu Covid-19 gây ra những di chứng gì, PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Medlatec cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới, chỉ có từ 10-20% người mắc Covid-19 có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19. Hậu Covid-19 có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mắc bệnh và tồn tại kéo dài trên 12 tuần.
Virus SARS-CoV-2 tấn công vào tất cả các cơ quan của cơ thể ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, giai đoạn hậu Covid-19 có thể do di chứng tổn thương của đa cơ quan, nên hay gặp ở những bệnh nhân có nhiều triệu chứng sau khi khỏi Covid-19 như: Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, stress, mất mùi và khứu giác vẫn còn… nhưng hội chứng hệ hô hấp là chủ yếu. Triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục từ đợt mắc Covid-19 cấp tính, hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.
Nguyên nhân gây tình trạng hậu Covid-19 theo PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm – cytokines – xơ hóa – rối loạn đông máu. Do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo. Đặc biệt tổn thương đa cơ quan, xơ hóa phổi, tắc mạch phổi là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nhất ở hội chứng hậu Covid-19. “Những F0 phải nhập viện điều trị, đặc biệt là điều trị Hồi sức tích cực (ICU) hay gặp hội chứng hậu Covid-19, còn bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hầu như ít gặp. Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ phổi hậu Covid là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài và có bệnh phổi kẽ từ trước, mức độ nặng phải thở oxy, thở máy, PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng nhấn mạnh.
Những đối tượng nào nên đi khám hậu Covid-19
Trên thực tế, nhiều người mắc Covid-19 khỏi bệnh rất lo lắng, muốn đi khám hậu Covid-19. Vậy đối tượng nào thì nên đi khám hậu Covid-19?
– Nhóm người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa…).
– Nhóm người từ 60 tuổi trở lên bởi họ có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc Covid-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn.
– Nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện…).