F0 tại nhà tắm gội bị "bão cytokine", các bác sĩ phân tích gì?

Nhiều người cho rằng khi đang mắc Covid-19 (F0) thì bạn không nên tắm gội vì có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ, di chứng hậu Covid-19; thậm chí có dấu hiệu ‘bão cytokine". Thực hư thông tin này thế nào?

Sau khi mắc Covid-19, đến 5 ngày sau bà Nguyễn Thị Hải (Thanh Oai, Hà Nội) mới dám đi gội đầu. Tuy nhiên, sau khi gội đầu xong hai tiếng, bà Hải tự nhiên thấy mình khó thở, chân tay bủn rủn, mồ hôi vã ra.

Con dâu bà Hải phải lấy nước chanh, mật ong cho bà uống và 1 tiếng sau mới có thể trở lại bình thường. Bà Hải cho rằng do gội đầu khiến bệnh trở nặng hơn.

Không chỉ bà Hải, nhiều F0 cho rằng không nên tắm hay gội đầu khi đang theo dõi Covid-19 vì có thể gây ra cơn bão Cytokine nguy hiểm cho tính mạng.

Chị Vũ Thị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết trong cộng đồng chung cư nhà chị chia sẻ chóng mặt câu chuyện về người bệnh (F0) nguy hiểm sau tắm.

Chia sẻ 1 điều quan trọng góp phần chuyển nặng để anh chị em lưu ý nha. Ông xã mình bị tầm 7 ngày triệu chứng nhẹ chỉ ho và nghẹt mũi, tối của ngày thứ 7 đi tắm cái vào sốt lên 38.8 độ sau đó SpO2 giảm 2 ngày liên tục, còn 90-92 có lúc xuống 88,89. Mình lo lắng gọi Y tế phường kêu không sao đến ngày thứ 2 sau ngày trở năng đầu tiên, mình đưa ông xã vào bệnh viện luôn, trong vòng 2 ngày ổng chuyển nặng liên tục thở từ oxy râu sang mask rồi sang dòng cao hơn tới 50-60ml mới thở nổi, phổi bị viêm và có chuyển biến nặng, bác sĩ kêu có dấu hiệu ‘bão cytokine" nên phải tìm thuốc ngăn chặn chuyển biến nặng hơn.

Trong phòng điều trị các bệnh nhân chuyển nặng khi nói chuyện với một số anh chị thì đa số đều chuyển nặng sau 1 trận tắm. 1 cô thì đi gội đầu vì sau 5 ngày hơi mệt do triệu chứng nhẹ tưởng không sao. 1 anh thì điều trị trong viện chuẩn bị ra viện tranh thủ tắm cái rồi về, anh khác điều trị tại nhà test nhanh thấy âm tính rồi đi tắm cái sốt lên, mệt không thở được nhà có bình oxy tự thở nhưng không ăn thua được người nhà gọi cấp cứu đưa vào viện. Hiện tại mọi người vẫn đang phải thở oxy bao gồm cả ông xã mình‘.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng việc tắm gội không cần thiết phải kiêng, quan trọng là F0 luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ. BS Phúc cho biết hàng ngày trong quá trình điều trị cho các F0, điều dưỡng của bệnh viện vẫn luôn phải tắm gội cho bệnh nhân để tránh bội nhiễm.

Các thông tin về việc người bệnh sau khi điều trị Covid-19 trong 7 ngày rồi trở nặng sau 1 trận tắm không phải do tắm gây ra.

Ảnh minh hoạ. 

Ông Nguyễn Việt Hoàng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, cho biết Covid-19 theo quan điểm của y học cổ truyền là gọi là chứng ‘Ôn dịch" của học thuyết ‘Ôn bệnh học" và có tên ‘Cảm mạo ôn bệnh". Covid-19 là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan.

Theo nguyên lý Y học cổ truyền thì vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng ‘Phế, Tỳ" (hô hấp, tiêu hoá), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là ‘thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp).

Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm,… mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.

Khi nhiễm Covid-19 có phải kiêng tắm hay gội đầu, TS. Hoàng chia sẻ, người bệnh hãy lắng nghe cơ thể mình. Khi có bệnh mà cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường thì vẫn tắm, gội đầu. Khi tắm nên tắm nhanh, tắm trong phòng kín, có đèn sưởi càng tốt.

Ngoài ra, nguyên tắc tắm gội đó là dùng nước ấm, gội nhanh, gội trong phòng kín gió, có thể dùng các loại lá thảo dược như hương nhu, sả, bồ kết… để gội. Không nên gội đầu khi quá muộn hoặc vào sáng sớm. Không nên tắm gội cùng lúc.

Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt, nguyên giảng viên Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên, người đã từng điều trị cho hàng trăm F0 trong đợt dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và trong đợt dịch này tại Hà Nội, trong điều trị cho các bệnh nhân, anh chưa thấy có ai có hiện tượng mắc Covid-19 nhẹ mà khi tắm bệnh trở nặng.

BS Đạt lưu ý, trong quá trình điều trị, anh luôn lưu ý bệnh nhân nên vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bị bệnh, nhất là ngày thứ 5-7 (thời gian bệnh bùng phát mạnh) thì nên lau rửa người nhanh bằng nước ấm, không gội đầu bằng nước lạnh.

Trong trường hợp thông tin lan truyền trên mạng mà nhiều người đang chia sẻ hiện nay cho rằng, tắm vào sốt cao và có dấu hiệu ‘bão cytokine", theo bác sỹ Đạt, có thể bệnh nhân này bị ‘cơn bão cytokine" không may tắm trùng hợp với ngày bệnh bùng phát, chứ hoàn toàn không có cơ sở để kết luận do tắm mà bị ‘cơn bão cytokine".