Giới trẻ năm 2021 và loạt trào lưu "khác người" để chạy trốn áp lực cuộc sống, buông bỏ mọi thứ
Thế giới hiện đại ngày nay chứa đựng muôn vàn áp lực từ công việc và vòng quay xã hội, nhiều người đã lựa chọn những biện pháp khác nhau để giải tỏa và giảm tải những mỏi mệt trong tinh thần, thậm chí còn chấp nhận từ bỏ cuộc sống hiện tại.
Ảnh hưởng bởi tư tưởng và văn hóa đa dạng trên thế giới, những cách “buông bỏ” cũng theo đó có “muôn hình vạn trạng”. Đương nhiên, mỗi phương pháp đều có kết quả không giống nhau.
1. Tìm đến thiên nhiên để cứu rỗi tâm hồn
Khi cuộc sống ngày càng trở nên bộn bề và áp lực, con người ta thường có xu hướng đi tìm những con đường, cách thức để có được một tâm hồn “tinh khiết” nhất. Đó là lý do nhiều người phương Tây đã quyết định rời bỏ cuộc sống xô bồ, tìm về thiên nhiên để chữa lành những tổn thương trong tâm hồn, đi tìm giá trị tinh thần đích thực.
Stephanie Theobald là một tiểu thuyết gia và phát thanh viên nổi tiếng người Anh. Bà đã chọn cuộc sống trong hang động sa mạc, tách biệt với thế sự ngoài kia. Cuộc sống trong hang động đã đem đến cho bà “sự im lặng, không gian, cảm giác về ‘Tinh thần’”, xoa dịu những những mệt mỏi sau vụ bê bối vào năm 2004.
Cô Lydia Pang đã bỏ lại sự nghiệp đang thăng hoa ở thành phố New York để trở về sống trong thiên nhiên. Và khi đại dịch Covid-19 ập đến, Pang phát hiện cô giống với nhiều người, dành quá nhiều thời gian để theo đuổi chức vị, danh hiệu trong công ty. Pang nhận ra cô làm việc quá nhiều, trở thành một con người tẻ nhạt, một chiều, tâm hồn cô hoàn toàn trống rỗng.
Gemma Hartley là một nhà văn tự do, cô là cử nhân văn học của Đại học Nevada, Reno. Nữ nhà văn này đã áp dụng loại hình trị liệu “tắm trong rừng”, có nguồn gốc từ Nhật Bản để chữa lành tâm hồn sau khi bị mắc chứng trầm cảm và lo lắng. Cô đã đi đến những cánh đồng và khu rừng rộng lớn để tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm trí, học cách để sống chậm lại và để cảm nhận những gì tinh túy nhất của cuộc sống.
Pang bỏ lại sự nghiệp đang thăng hoa và trở về sống với thiên nhiên.
Đối với những người như Pang, Theobald và Hartley, kết nối lại với vùng hoang dã, trải nghiệm những thứ mình chưa từng, là liều thuốc rõ ràng nhất để xoa dịu tâm hồn đang “ốm yếu”.
Tuy nhiên, “tắm trong rừng” đã là gì, trào lưu phơi hậu môn dưới ánh nắng mặt trời được nhiều người tin rằng đó là một trong những cách “chữa bệnh” hữu hiệu. Một người đàn ông tên Ra of Earth, tự xưng là giáo viên yoga và các phương pháp thực hành huyền bí cổ đại chia sẻ rằng: “Chỉ trong vòng 30 giây phơi hậu môn dưới ánh nắng mặt trời, bạn sẽ nhận được nhiều năng lượng hơn là việc mặc quần áo rồi đón ánh nắng này”.
Trào lưu phơi hậu môn để… chữa bệnh.
Để chứng thực mình nói đúng, ông đã chia sẻ video có người đàn ông hướng về phía mặt trời, tạo ra những âm thanh vui tai trong khi có 3 người đàn ông khỏa thân đang nằm xuống thu hút hơn hơn 35 nghìn lượt xem. Ra of Earth khẳng định, việc khỏa thân, dùng hậu môn đón ánh nắng sẽ giúp cho cơ thể “khỏe mạnh và không có vi trùng”
Không chỉ Ra of Earth mà có rất nhiều người cũng tin tưởng vào phương pháp “chữa bệnh” kì lạ này. Troy Casey, một nhân vật khá nổi trên mạng về các phương pháp “chữa bệnh” đặc biệt cho biết: “Khi để ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào hậu môn chỉ với 30 giây sẽ tương đương với việc bạn phơi nắng cả ngày”.
2. Trào lưu “nằm yên mặc kệ” và xu hướng tìm về nông thôn để chạy trốn áp lực cuộc sống
Trào lưu “nằm yên mặc kệ” được khởi xướng bởi một người đàn ông tên Lạc Hoa Trung ở Trung Quốc – người tự nhận mình không thích làm gì cả, quyết định bỏ nghề công nhân, đạp xe hơn 2.000km từ tỉnh Tứ Xuyên đến Tây Tạng và kiếm sống bằng những công việc lặt vặt cùng mức chi tiêu khoảng 400 NDT (hơn 1,4 triệu đồng) mỗi tháng.
“Nằm yên mặc kệ” có nghĩa là từ bỏ hôn nhân, không sinh con, không tìm việc làm, và trốn tránh các nhu cầu vật chất như nhà cửa, xe cộ.
Trong xã hội hiện đại, mọi người bắt đầu làm việc nhiều giờ hơn, giá nhà đất cũng theo đó tăng nhanh hơn thu nhập. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ không còn muốn chạy theo cuộc cạnh tranh vật chất và bắt đầu có tư tưởng thách thức bằng cách từ chối làm việc chăm chỉ.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng ý tưởng “nằm yên mặc kệ” là mối đe dọa đối với sự ổn định của đất nước. Họ bắt đầu áp dụng các biện pháp mạnh để “dẹp loạn” bằng cách thắt chặt kiểm duyệt nội dung trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, những người nổi tiếng và tỷ phú cũng lên tiếng bác bỏ trào lưu “nằm yên”.
Mặc cho những cấm cản của nhà trước, giới trẻ Trung Quốc vẫn mơ tưởng đến việc “bỏ phố về quê” để chạy trốn áp lực cuộc sống và nhiều người đã thực hiện được điều đó.
Thế nhưng, “đời không như là mơ”, hành trình về quê tìm kiếm cuộc sống an nhàn lại gặp phải rất nhiều cản trở.
Rời khỏi thành phố là việc đơn giản, nhưng để tìm ra việc làm ở nông thôn là một thách thức. Lựa chọn trở về nông thôn phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực địa phương và cơ hội thị trường.
Ở một số vùng nông thôn, việc thiếu cơ sở hạ tầng và quản trị xã hội hiện đại cũng khiến nhiều người cảm thấy thất vọng khi quay về. Nhiều người phải đối mặt với sự khinh thường của cha mẹ và hàng xóm sau khi nghỉ việc trở về quê làm việc.
Đối với những người trẻ chạy trốn khỏi các thành phố, cuộc sống nông thôn không phải là một thiên đường như trong tưởng tượng. Nói đúng hơn, sự tưởng tượng này là một phản ứng tự nhiên khi họ cảm thấy ngột ngạt nơi chốn thành thị.
3. Trào lưu “FIRE” – Phấn đấu nghỉ hưu trước tứ tuần
Nếu ở Thế hệ X (1965 – 1980), người Nhật bất chấp kiên trì công việc vì lương hưu thì tới Millennials (Gen Y – 1980 – 1996) và Gen Z (1997 – 2012), giới trẻ chọn con đường hoàn toàn ngược lại.
Trào lưu FIRE – “Tuổi trẻ nghỉ hưu” là phong trào được khởi xướng sớm nhất của các Millennials Hoa Kỳ vào những năm của thập niên 2010.
Theo đó, giới trẻ kêu gọi nhau đừng hết lòng vì một công việc hay một ông chủ, mà hãy mở rộng lựa chọn và điên cuồng tiết kiệm. Bằng cách này, mọi người sẽ sớm có được khoản tiền riêng khá khẩm, đáng tin gấp nhiều lần lương hưu. Nếu nhanh nhẹn, họ có thể thôi phải “vác mặt đến công ty” từ tuổi 30.
Mặc dù các Millennials Mỹ hiếm người thực hiện thành công FIRE, các Millennials Nhật Bản dễ dàng chinh phục nó. Họ đặt ra mục tiêu và lợi nhuận rõ ràng, 25x và 4%. Trong đó, 25x là tổng số tiền cần tiết kiệm đủ trước khi bỏ việc, còn 4% là lãi suất thu được nếu đem 25x đi đầu tư.
Theo tính toán của giới trẻ Nhật Bản, 1 Millennials cần 25x trị giá tối thiểu 15 triệu yen (tương đương 3,1 tỷ đồng). Với nó, họ có thể 4% ra 50.000 yen/tháng (tương đương 10 triệu đồng), đảm bảo sinh hoạt phí cơ bản và vẫn giữ nguyên được tiền gốc.
Cuối năm 2020, Tập đoàn Tài chính Tiêu dùng SMBC Nhật Bản từng thực hiện 1 khảo sát tài chính trong những người thuộc độ tuổi 20 (tức là khai sinh trong thập niên 1990, 1 nửa thuộc Millennials và một nửa thuộc Gen Z). Họ báo cáo kết quả bất ngờ, 82% có tiền trong tài khoản tiết kiệm.
Gen Z và Millennials đặt mục tiêu trước khi vào tuổi 40 phải “đại công cáo thành”. Theo báo cáo thu nhập vào năm 2020 từ Nhật Bản, GDP bình quân là 4,57 triệu yen/người/năm (tương đương 943 triệu đồng). Chia ra, thu nhập hàng tháng trung bình ở đây rơi vào khoảng 380.000 yen/người/tháng (tương đương 78 triệu đồng).
Giới trẻ Nhật Bản cho biết, chấp nhận mức sống tối thiểu chỉ 30.000 – 50.000 yen/tháng (tương đương 6 – 10 triệu đồng). Nếu nghiêm ngặt tiết kiệm, họ chỉ mất khoảng 4 – 5 năm là được 25x từ 15 triệu yen trở lên, nhờ đó thoải mái nghỉ việc sớm, thậm chí còn trước cả tuổi 30.
(Nguồn: Tổng hợp)
https://afamily.vn/gioi-tre-nam-2021-va-loat-trao-luu-khac-nguoi-de-chay-tron-ap-luc-cuoc-song-buong-bo-moi-thu-20211220121124785.chn