Gom bánh kẹo dư của các nhà làm món quà ý nghĩa tặng trẻ em vùng cao
Đây là dự án đưa những thứ thừa thãi với người này thành món quà ý nghĩa tặng trẻ vùng cao. Nếu gia đình có, hãy quyên góp.
Mùng 4 Tết, chị Nguyễn Hồng Tú, nhân viên công sở, đăng một dòng trạng thái đặc biệt lên trang Facebook cá nhân. “Cả nhà ăn Tết xong còn dư bánh kẹo, nước ngọt, cho mình xin lại để gửi tặng trẻ em nghèo vùng cao nhé”. Lời kêu gọi này sau đó được đăng tải trên Fanpage của E2K – “dự án 2.000 đồng, chia sẻ yêu thương” mà chị Tú đã tham gia 3 năm qua.
Sau 5 ngày, các thành viên của E2K liên tục nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn từ những người mong muốn đóng góp bánh kẹo dư sau Tết. Nhóm học sinh trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) cũng hưởng ứng, cùng nhau kêu gọi bánh kẹo, sữa, nước ngọt, gấu bông và một khoản tiền mặt, gửi đến nhóm E2K.
“Đây thực sự là một điểm sáng tích cực mà chương trình có được, khi lan tỏa sự sẻ chia tới thế hệ trẻ. Người ta nói rằng khi tập trung nhìn vào điểm tích cực, các điểm tiêu cực khác sẽ bị lu mờ đi”, chị Tú nói.
Có những thứ thừa thãi, vô giá trị với người này, nhưng lại cực ý nghĩa với người khác
E2K (Everything from 2K – mọi thứ từ 2.000 đồng) là nhóm thiện nguyện hoạt động vì cộng đồng được thành lập từ tháng 8/2016 với số lượng tình nguyện viên ban đầu khá khiêm tốn. Đến nay, nhóm có khoảng 10 thành viên “cốt cán”, hoạt động chủ yếu trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh xung quanh.
Biểu tượng của E2K là chú voi trắng ngẩng cao đầu trên nền trời xanh, tượng trưng cho sự cần mẫn, hiền lành, thông minh, vững vàng và mạnh mẽ, đồng thời là biểu tượng của sự may mắn, trách nhiệm và chân thành.
Một trong những hoạt động chính của nhóm là chuyển những đồ dùng, vật dụng, quần áo từ “những người có nhưng không dùng đến nữa”, cho “những người cần nhưng không có”, như người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thu nhập thấp.
Không giống với cách làm của những nhóm thiện nguyện thông thường, E2K khác biệt ở chỗ sau khi tiếp nhận, phân loại đồ dùng, quần áo cũ, các tình nguyện viên sẽ tặng hoặc bán rất rẻ với giá tượng trưng từ 2.000 đồng. Khoản tiền thu được dành tổ chức các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, xây trường học, xây nhà lưu trú, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, mua sách truyện, đồ dùng học tập, trồng cây phủ xanh, bảo vệ môi trường…
Chương trình gom bánh kẹo dư sau Tết tặng trẻ em vùng cao của E2K xuất phát từ thực trạng sau Tết, rất nhiều bánh kẹo thừa và lãng phí. Trong khi đó, nhiều trẻ em vùng cao cả dịp Tết không được một chiếc bánh, cái kẹo nào.
Bản thân nhóm cũng không muốn dùng tiền hay kêu gọi tiền để mua bánh kẹo cho trẻ em vùng cao. Bởi trên thực tế, đó không phải đồ dùng thiết yếu, đặc biệt là khi những hoàn cảnh thiếu cơm ăn, áo mặc còn rất nhiều. Do đó, E2K đã kêu gọi góp bánh kẹo dư thừa.
2019 là năm đầu tiên chương trình gom bánh kẹo dư sau Tết được E2K phát động. Nhóm rất bất ngờ khi số lượng kẹo, bánh nhận về nhiều “kinh khủng”, đến mức chị Tú vừa cảm thấy may mắn, vừa tiếc vì sau Tết tình trạng bánh kẹo quá lãng phí. Tất cả đều được chuyển cho 5 điểm trường ở Hà Giang, Thái Nguyên, Hoà Bình và Lai Châu.
“Có những thứ thừa thãi, vô giá trị với người này, nhưng lại cực ý nghĩa với người khác”, chị Tú nói.
Hai năm 2020-2021, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình được gói gọn trong khuôn khổ các gia đình thành viên. Đến năm 2022, khi Việt Nam chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn với dịch bệnh”, E2K một lần nữa lan rộng chương trình và nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng. Có người đứng ra làm điểm nhận bánh kẹo, có bạn học sinh ngỏ ý muốn gom bánh kẹo trong trường, rồi cũng có bạn ở xa gửi bưu điện.
Hiện tại nhóm có 9 điểm gom/nhận bánh kẹo đến hết tháng 2 và trong đợt đầu tiên sẽ chuyển tới học sinh tại 3 điểm trường mầm non, tiểu học ở xã Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc), xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) và huyện Quản Bạ của tỉnh Hà Giang.
“Với người làm thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn là một niềm vui. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ lòng tốt, sự tử tế đến mọi người, giống như một cách “gieo duyên”. Đón nhận sự hưởng ứng của các bạn, E2K rất vui và hạnh phúc”.
Tiêu từng đồng tiền của người ủng hộ, sẽ phải cân nhắc nhiều hơn là tiêu tiền cá nhân
Chị Nguyễn Hồng Tú gia nhập “gia đình” E2K năm 2018 sau sinh em bé thứ hai, sắp xếp được thời gian giữa công việc và gia đình. Chị phụ trách Quỹ học bổng của E2K, đã hỗ trợ tổng cộng được gần 40 học sinh nghèo vượt khó học khá, giỏi và hiện đang hỗ trợ cho 28 em.
Chị nhớ lại, chương trình đầu tiên tham gia cùng E2K với tư cách thành viên chính thức, là trao quà cho học sinh nghèo ở xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên hồi tháng 9/2018. Nhóm đã chuẩn bị 260 suất quà, kèm một số suất khác để tặng những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Khi đó, căn nhà mái lá dột nát của em Nông Văn Động khiến chị Tú nghẹn ngào và xót xa. Chị không ngờ, chỉ cách Hà Nội 120km, vẫn có những nơi không có điện, không có nước. Cô giáo dẫn nhóm vào một khu gọi là bếp, cạnh chỗ giường ngủ, chỉ có một cái nồi mèn mén (cơm ngô) và nồi canh lõm bõm rau. Động và các thành viên trong gia đình không có cơm ăn. Khi đói, em xúc một thìa mèn mén, chan với nước canh, thế là xong bữa.
Tối hôm đó, chị Tú liên hệ với cô giáo, đề nghị cá nhân sẽ bỏ ra mỗi tháng 300.000 đồng tặng 5 thành viên trong nhà Đậu 20 cân gạo. Ngay sau chuyến thiện nguyện này, Quỹ học bổng của E2K ra đời.
Dự án chính thức bắt đầu từ tháng 10/2018, nhằm tạo điều kiện tốt hơn, khuyến khích, tiếp sức các em học sinh yên tâm đến trường. Số tiền 300.000 đồng/1 tháng/1 học sinh được dùng mua nhu yếu phẩm, sách vở, đồ dùng học tập,… tuỳ theo thực tế.
Nhờ quỹ học bổng của E2K, nhiều em nhỏ vùng cao có cơ hội đổi đời, được học con chữ, lên cấp 2, rồi trường nội trú cấp 3. Với những người bình thường, học cấp 3 là câu chuyện quá bình thường. Nhưng với học sinh miền núi, thì đấy là cả một sự nỗ lực và cố gắng vượt bậc.
“Các em sẽ có cơ hội thay đổi cuộc sống, chỉ cần học hết cấp 3 để có thể đi làm công nhân thì cũng đã tốt lắm rồi và nếu lên được Đại học thì còn tuyệt vời hơn nữa. Quỹ học bổng mới chớm bước sang năm thứ 4 và con đường học tập là một hành trình dài hơi. Chúng tôi vẫn đang chờ những điều tuyệt vời trong tương lai”, chị Tú nói.
Bên cạnh quỹ học bổng, E2K kết hợp cùng các nhà tài trợ xây trường, nhà lưu trú, các công trình tiện ích cho trẻ em vùng cao tại Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái. Trong tổng số tiền xây dựng, E2K luôn bỏ ra một khoản, sau đó kêu gọi số còn lại. Chị Tú gọi đây là niềm tin mà nhóm muốn nói với cộng đồng, rằng “chúng tôi luôn có sự đóng góp và nỗ lực”.
“Hoạt động của nhóm hướng đến đối tượng chính là trẻ em miền núi, tập trung nhiều vào học hành, để các con có kiến thức và có cơ hội thay đổi cuộc đời. Đấy là lý do nhóm dành nhiều tâm huyết xây trường và trao học bổng”, chị Tú tâm sự.
Kể cả hoạt động trồng cây của E2K cũng hướng đến hai việc: Bảo vệ môi trường và hỗ trợ các hộ gia đình nghèo bằng cách trao tặng cây cho họ để đảm bảo cây có người chăm sóc và họ có thể gặt chính những thành quả mà họ gieo.
“Những sự thay đổi mà chúng tôi chứng kiến, những hiệu quả của các dự án, đủ lớn để chúng tôi có thêm động lực tiếp tục hành trình này”, thành viên E2K cho hay.
Sau hơn 5 năm hoạt động thiện nguyện, E2K chia sẻ rằng một trong số những khó khăn lớn nhất của nhóm là vấn đề nhân sự. Nhóm chỉ có 10 thành viên cốt cán, độ tuổi 30-40, đều đã có công việc ổn định, chín chắn và trưởng thành. Những “trụ cột” chính hoạt động thường xuyên, tham gia gần như tất cả các hoạt động của nhóm. Số lượng tình nguyện viên biến động theo mỗi dự án, đến rồi đi, khiến không ít dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch do thiếu người.
“Bản thân tôi đã có gia đình, công việc, không thể dành toàn bộ thời gian cho E2K, so với những nhóm chính quy hay những nhóm có người sẵn sàng bỏ toàn bộ thời gian phụ trách. Chúng tôi đã phải nỗ lực hơn rất nhiều để có thể duy trì những hoạt động thường xuyên của nhóm”, chị Tú kể.
Công tác vận chuyển cũng là một trở ngại đối với nhóm thiện nguyện, khi mà quãng đường xa, địa hình hiểm trở và chi phí lớn. Nếu kêu gọi được các lái xe hỗ trợ, E2K tin rằng có thêm nhiều cơ hội trao tặng nhiều đồ hơn nữa đến nhiều người, nhiều vùng xa hơn.
Đặc biệt, dịch bệnh là khó khăn khiến nhóm cảm giác “bất lực” khi không thể giúp đỡ cộng đồng được nhiều như mong muốn. Những gì nhóm có thể làm giữa lúc giãn cách toàn xã hội là hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền mặt cho vài chục hoàn cảnh khó khăn. Nhóm cũng tiếp sức cho các trung tâm y tế tại Hà Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, tặng khẩu trang cho học sinh Lào Cai, Hà Giang,…
“Những người ủng hộ nhóm trong thời điểm dịch bệnh không phải vì họ giàu có. Đơn giản họ có lòng tốt, phải co kéo chi tiêu để ủng hộ. Do đó, việc tiêu từng đồng tiền của người ủng hộ, sẽ phải cân nhắc, thậm chí cân nhắc nhiều hơn là tiêu tiền cá nhân”.
Người tin sẽ tiếp tục ủng hộ, còn người không tin sẽ ra đi
Dù công việc thường xuyên bị quá tải, nhưng chưa bao giờ, các thành viên của E2K chán nản hay muốn từ bỏ. Khi mệt mỏi, các thành viên chia sẻ bớt công việc với nhau. Mỗi người cùng cố gắng một chút.
“Bản thân tôi thấy mọi người đều đã cố hết sức, nên không có lý do gì để phải chùn bước hay muốn dừng lại”, chị Tú khẳng định. Động lực của E2K, đơn giản là khi nhận được bức ảnh hay những tin nhắn yêu thương của các cô giáo vùng cao gửi về, trong đó là những ánh mắt sáng rực của trẻ nhỏ khi được nhận sách vở cũ.
“Đó giống như “nước tăng lực” giúp chúng tôi đứng lên tiếp tục con đường của mình khi mệt rã rời, muốn nghỉ ngơi sau mỗi dự án. May mắn là, ba năm hoạt động thiện nguyện, tôi chưa bao giờ muốn dừng lại, vì làm sao hết được những hoàn cảnh khó khăn ngoài kia”, chị Tú nói.
Trước những lùm xùm từ thiện thời gian vừa qua, E2K cũng từng đặt câu hỏi “nhóm sẽ tiếp tục hoạt động như thế nào?”.
“Chúng tôi tiếp tục hoạt động theo đúng pháp luật, vẫn kêu gọi, làm việc và hoạt động dựa trên sự tin tưởng của mọi người. Với một nhóm thiện nguyện, thì tất cả những gì chúng tôi cần ở cộng đồng là sự tin tưởng. Và đến bây giờ, chúng tôi đã có sự tin tưởng đó rồi, đã và đang giúp được nhiều người.
Người tin sẽ tiếp tục ủng hộ, còn người không tin sẽ ra đi. Đó sẽ là mối lương duyên, là quyền quyết định của người ta mà chúng tôi không thể can thiệp được”.
Trong năm mới, E2K mong muốn có thêm tình nguyện viên nhiệt huyết hỗ trợ vận chuyển đồ từ thiện đến các vùng xa và đặc biệt, làm đầu mối ở các tỉnh có nhiều người dân nghèo để mở thêm các điểm bán hàng giá rẻ… Tất cả sẽ đồng hành với E2K gieo thêm nhiều mầm xanh hạnh phúc./.