Hà Nội: Bé trai tử vong do bị hút vào ống tuần hoàn bể bơi chung cư cao cấp, cảnh báo an toàn với cả chủ đầu tư và cha mẹ
Nguyên nhân vụ việc đau lòng vẫn đang được cơ quan chức năng làm làm rõ, tuy nhiên xét thấy đây là tình huống cần phải cảnh báo về an toàn khi sử dụng bể bơi và đây cũng là tình huống khó lường trước, khiến các bậc cha mẹ hết sức lưu tâm.
Thông tin ban đầu cho thấy, trong lúc bé trai lặn xuống, chân của bé bị hút vào ống nước tuần hoàn của bể bơi.
Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, người thân của nạn nhân khẳng định, cháu bé đã biết bơi rất giỏi.
Tai nạn chết người đến trong tích tắc
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, người mẹ vẫn luôn theo dõi con từng giây từng phút, nhưng khi thấy con lặn xuống lâu hơn bình thường liền gọi huấn luyện viên và mọi người đến cứu. Lúc này một chân của cháu đã bị cuốn vào ống tuần hoàn của bể.
Theo như mô tả thì phải 4 người nhảy xuống để cố gắng kéo cháu lên, trong khi một số người cũng phải luống cuống chạy đi tìm khu vực kỹ thuật để tắt máy bơm. Dù đã cố gắng hết sức nhưng cháu bé không qua khỏi trên đường đi cấp cứu sau sự việc nghiêm trọng.
Trước sự việc trên, sáng 7/12, chúng tôi đã liên hệ với công an phường sở tại để tìm hiểu, lãnh đạo phường này cho biết, vụ việc đang được điều tra và yêu cầu chúng tôi liên hệ với lãnh đạo quận theo đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên trong cuộc trao đổi trước đó, một cán bộ nói rằng; “Lúc công an phường đến thì nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu. Tôi chỉ nắm được qua là cháu bị hút vào ống nước. Ngay sau đó, bể bơi được tháo nước để phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường”, vị này nói.
Tiếp theo, chúng tôi cũng đã trực tiếp liên hệ với cấp quận để làm việc, tuy nhiên cũng như trình tự, vị cán bộ phụ trách tiếp nhận thông tin yêu cầu phóng viên để lại câu hỏi và sẽ có trả lời sau.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại khu vực bể bơi xảy ra vụ việc đau lòng đã tạm dừng hoạt động để chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc khi có kết luận của cơ quan điều tra.
Nguyên nhân đến từ đâu?
Đuối nước thường xảy ra với trẻ nhỏ tại các khu vực ao, hồ, sông… Để giảm thiểu điều này, từ nhiều năm nay phong trào đầu tư xây dựng bể bơi phát triển, nhất là các khu chung cư đa phần đều có bể bơi như một điều kiện tối thiểu về tiêu chí. Tuy nhiên, nếu các chủ đầu tư không tính toán kỹ lưỡng đến các phương án an toàn, thì khó tránh khỏi tai nạn đáng tiếc.
- Vụ chung cư cao cấp ở Hà Nội gặp sự cố bồn cầu “phun như núi lửa” vào tận phòng ngủ: Chủ đầu tư lên tiếng về nguyên nhân
- Hà Nội: Tranh cãi chuyện vé xe, nhóm bảo vệ đánh cư dân nhập viện
Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.
Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.
Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, thì do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.
Các biện pháp phòng tránh đuối nước
Để phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ, thầy cô cần có những biện pháp:
Cần đảm bảo sức khỏe con em mình có đảm bảo để có thể tham gia hoạt động bơi lội hay không? Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi. Ví dụ như những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng…không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sĩ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.
Bên cạnh đó, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi…
Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, một giải pháp đó là các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc.
Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.
Dậy trẻ tập bơi sớm là một trong những biện pháp chống đuối nước cần thiết
Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ đi bơi cần phải luôn có người lớn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Cần đảm bảo trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
Hà Nội: Làn sóng trả mặt bằng lan rộng vì dịch “leo thang”, hàng loạt đơn vị đang “tháo chạy” khỏi các chung cư, tòa cao ốc