Hí hửng mua chiếc áo khoác mới về, cô gái tái mặt khi nhìn vào mác áo

Phát hiện khó hiểu chứa “thuyết âm mưu” đáng sợ bên trong chiếc áo khoác đã khiến hàng loạt tổ chức phải lên tiếng.

Mới đây, một người phụ nữ 24 tuổi đến từ Norwich, Anh đã chủ động liên hệ với truyền thông, chính quyền và nhiều tổ chức nhân quyền để chia sẻ câu chuyện kỳ lạ mình vừa gặp phải.

Cô gái cho biết gần đây mình đã đặt mua trên mạng một chiếc áo khoác mùa đông mới của hãng Brave Soul với giá là 49.99 bảng Anh (khoảng 1,5 triệu đồng).

Chiếc áo khoác không có vấn đề gì, cho đến khi cô gái mở bên trong ra xem

Chất lượng và kiểu dáng áo khi nhận được đều không có vấn đề gì. Thế nhưng khi cô mở áo ra xem bên trong thì phát hiện một thứ vô cùng khó hiểu. Đó là một chiếc tag áo được may đính vào lớp vải lót. Bên trong nó là một mảnh giấy giống như chứng minh nhân dân và viết bằng tiếng Trung Quốc. Khi tra cứu, người phụ nữ biết được thông tin kỳ dị: đây là giấy tờ tùy thân của một tù nhân.

Dựa vào vị trí và cách may, cô gái tin rằng chiếc tag bất bình thường này đã được cố tình may vào áo. Cô nghi ngờ rằng chiếc áo khoác đã được sản xuất bởi người lao động trong một nhà tù ở Trung Quốc và việc người này lén lút may tấm tag lạ có thể là một lời kêu cứu với thế giới bên ngoài.

Một tấm tag chứa giấy tờ tùy thân tù nhân được may vào áo một cách kỳ lạ

“Đây có thể là lời kêu cứu của một người lao động đang bị bóc lột, vì vậy tôi hy vọng công ty may mặc và chính quyền có thể vào cuộc điều tra”, cô gái chia sẻ suy đoán của mình.

Người phụ nữ cũng tự giới thiệu mình là một nhân viên làm việc tại NHS (National Health Service) – tổ chức dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe quốc gia tại Anh. Cô có mối quan tâm sâu sắc đến vấn đề nhân quyền và phát hiện kỳ lạ đã khiến cô lo lắng rằng có một ai đó đang cần giúp đỡ. Theo thông tin từ nhãn mác, chiếc áo khoác của cô quả thật được gia công tại nhà máy ở Trung Quốc nên càng củng cố suy luận này.

Được biết, người phụ nữ đã gửi mail tới công ty sản xuất và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền. Trước mắt, người đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Anh đã đưa ra tuyên bố: “Các doanh nghiệp cần có trách nhiệm bảo vệ, tôn trọng quyền con người khi thuê người lao động tại Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi kêu gọi chính quyền đưa ra những quy định bắt buộc với doanh nghiệp hoạt động tại nước ngoài để đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người lao động, tránh những trường hợp nô lệ lao động thời hiện đại”.

Một số tổ chức, chiến dịch có liên quan cũng đã chia sẻ câu chuyện của cô gái trẻ và đặt ra nghi vấn cũng như kêu gọi một cuộc điều tra cụ thể. Tuy nhiên công ty may mặc đã từ chối đưa ra lời phản hồi trước sự việc.

Vào năm 2015, một số khách hàng của thương hiệu thời trang Primark cũng từng đồng loạt tìm thấy những mảnh vải viết lời cầu cứu của các nạn nhân đang bị bóc lột lao động may kín ở trong áo. Tuy nhiên nhãn hàng này đã phản bác lại những lời cáo buộc và khẳng định đó chỉ là trò chơi khăm của đối thủ.