Lần đầu tiên một quận trung tâm Hà Nội chuyển "nguy cơ cao", liệu có siết chặt hoạt động dịch vụ?
Theo đánh giá cấp độ dịch của UBND TP. Hà Nội ngày 10/12, quận Đống Đa được xếp vào “vùng cam”, tức nguy cơ cao, “dẫn đầu” số ca nhiễm với gần 2.200 ca kể từ đợt dịch thứ 4. Trong vòng 14 ngày gần đây, quận Đống Đa ghi nhận 1.336 F0 cộng đồng. Đây là lần đầu tiên một quận/ huyện của Hà Nội được đánh giá nguy cơ cao.
Quận này cũng chiếm 7 trên tổng số 13 phường, xã cấp độ 3 (Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng, Thổ Quan).
Trước đó, Hà Nội cho phép các quận, huyện, thị xã căn cứ cấp độ dịch tại xã, phường, thị trấn, có thể hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người…).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân thắc mắc liệu quận Đống Đa có siết chặt hoạt động?
Nhiều người dân thắc mắc liệu quận Đống Đa có siết chặt các hoạt động dịch vụ?
Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021, nếu ở cấp độ 3, các hoạt động dịch vụ, biện pháp được áp dụng như sau:
1. Các hoạt động được phép:
– Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh.
– Sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng.
– Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối.
– Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống.
2. Không tổ chức/hạn chế, có điều kiện đối với:
– Hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời.
– Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải.
3. Ngừng hoạt động/Hoạt động hạn chế:
– Cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định.
– Bán hàng rong, vé số dạo,…
4. Hoạt động hạn chế:
– Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao,…
– Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch.
– Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
– Hoạt động cơ quan, công sở.
– Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp.
Trên thực tế, ngày 11/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gửi thông báo, cho phép quận Đống Đa cho học sinh lớp 9 và 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 13/12 cho đến khi có thông báo mới.
Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục “leo thang”, gần “chạm” mốc 1.000 ca/ngày. Điển hình, ngày 12/12, thành phố “phá” kỷ lục với 895 ca Covid-19. Cộng dồn số mắc trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4): 18.448 ca trong đó 6.902 ca cộng đồng và 11.546 người đã được cách ly.
Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục leo thang nhiều ngày qua (Nguồn: CDC Hà Nội)
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trước diễn biến dịch bệnh, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ liều vaccine. Tốc độ lây nhiễm tăng nhanh cùng các hoạt động kinh tế xã hội của cả nước và hoạt động đi lại của người dân tăng cao những tháng cuối năm khiến số ca nhiễm trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng nhanh.
Thành phố đã chỉ đạo ngành Y tế, chính quyền các địa phương chuẩn bị các phương án cao trong cách ly, thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 với khả năng đáp ứng đến 100.000 ca nhiễm. Sẵn sàng chuẩn bị oxy y tế (25/32 bệnh viện với khoảng 3.200 giường bệnh có hệ thống oxy y tế), thuốc và các vật tư tiêu hao đáp ứng các mức độ, cấp độ dịch trên các địa bàn.
Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đã xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, nhấn mạnh chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, huy động tối đa nguồn lực từ các cơ sở y tế Trung ương, ngoài công lập cho công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi. Xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại.
Sự kiệnDiễn biến dịch Covid-19 tại Việt NamCập nhật 2021-11-1 10:54:3212 tin bài
- Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam