Làng phật thủ vào vụ Tết: ‘Nếu không có dịch chắc kiếm được nhiều hơn’
Cận Tết, các nhà vườn tại làng phật thủ ngoại thành Hà Nội lại tất bật phục vụ người dân mua về đặt lên bàn thờ hay bày mâm ngũ quả.
Bán gấp 10 lần ngày thường
Phật thủ là loại quả được nhiều người lựa chọn bày lên bàn thờ gia tiên ngày Tết, mang ý nghĩa nhiều may mắn, tài lộc.
Bà Bùi Thị Năm (55 tuổi, chủ vườn phật thủ ở H.Hoài Đức) cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá sẽ tăng hơn mọi năm. Cũng vì dịch bệnh nên dân buôn đến mua tại vườn không đông. Nhiều người ưa chuộng phật thủ xanh nên những quả này sẽ đắt hàng, dễ bán.
“Người dân thích quả phật thủ còn xanh. Nếu không có dịch bệnh thì còn đắt hàng nữa. Năm nay không có quả mấy nên nhà nào có hàng đẹp sẽ bán nhanh. Khách ở các tỉnh mua qua điện thoại rồi chuyển tiền vào tài khoản của chủ vườn. Nhờ trời, nhà tôi năm nay phật thủ không chín sớm, cả nhà mừng, phấn khởi, nếu không dịch bệnh chắc kiếm được thêm nữa”, bà Năm cho biết.
Bà Năm trồng 2 mẫu cây phật thủ với hơn 700 cây. Giá bán mỗi quả phật thủ bán tại vườn dao động khoảng 30.000 – 100.000 đồng/quả. Vì chủ yếu bán cho khách buôn nên bà mong quả phật thủ xanh, không chín vàng quá sớm.
“Nhiều vườn trồng nhưng đa số chín vàng sớm, nhà tôi may mắn nên quả vẫn xanh. Vì dịch nên lượng quả bán cho khách buôn cũng ít, đáng lẽ mỗi khách mua 1.000 quả nhưng giờ chỉ mua khoảng 500 quả. Người buôn thích quả xanh, người dùng thích quả màu vàng, quả phật thủ để được lâu”, bà Năm nói.
Ông Nguyễn Văn Chiến (43 tuổi, chủ vườn phật thủ ở H.Hoài Đức) cho biết, năm nay hàng đẹp không nhiều, quả nhỏ vì từ tháng 9 đến nay thời tiết không có mưa. Từ ngày 20 – 27 tháng Chạp sẽ đắt hàng. Trồng phật thủ có hai vụ thu hoạch chính là rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán.
“Những ngày này vườn nhà tôi bán khoảng 1.000 – 2.000 quả/ngày, nhiều hơn gấp 10 lần ngày thường. Nhân công ở vườn không đủ phải nhờ thêm người bọc gói để kịp trả hàng cho khách. Nhà tôi chủ yếu bán cho khách buôn theo vườn, giá khoảng 50.000 – 60.000 đồng/quả, hàng đẹp từ 70.000 – 80.000 đồng/quả”, ông Chiến cho hay.
Theo ông Chiến, phật thủ để được khoảng 3 – 5 tháng, để lâu càng thơm, càng đẹp. Quả có nhiều dáng, nhiều người thích dáng bông cúc, có người thích quả nhiều ngón tay…
Là một trong những nơi trồng phật thủ nhiều nhất tại Hà Nội, các hộ gia đình luôn cố gắng chăm sóc, thu hoạch đúng dịp để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ tiêu thụ ở thủ đô, phật thủ tại đây được đóng gói, vận chuyển đến nhiều tỉnh thành khác.
“Cây phật thủ tôi cứ chăm sóc, bón phân, mấy tháng đầu chăm sóc giống nhau, khá dễ, tháng cuối năm trời lạnh nên chăm sóc khó hơn. Khi đất khô phải tưới tiêu thêm nước, thường xuyên cắt bỏ những cành nhỏ, cành xấu để cây ra quả đều”, ông Chiến nói.
Khách buôn nhập hàng “cầm chừng”
Chị Nguyễn Thị Hồng (38 tuổi, khách buôn phật thủ) cho biết, chị đi buôn phật thủ tại vườn đã lâu. Chị bán ở chợ Long Biên, được nhiều người giới thiệu nên đến tận vườn lựa chọn và mua với số lượng nhiều.
“Năm nay tôi thấy thị trường phật thủ đắt hơn nhưng lượng hàng không có nhiều. Tôi đến tận vườn mua cả loại to, vừa, nhỏ để bán theo nhu cầu mua của khách. Tôi bán về vùng quê nên chắc quả nhỏ sẽ bán được hơn”, chị Hồng nói.
Cũng theo chị Hồng, chị mua phật thủ từ 17 – 27 Âm lịch, khách thường thích quả xanh. Với những quả to có giá 500.000 – 700.000 đồng, chị nhập ít vì khách không chuộng bằng những quả bé.
“Tôi cũng chưa rõ năm nay lượng khách tiêu thụ nhiều hay ít, tôi cứ lên xem, lấy dần về nếu khách yêu cầu mua nữa thì quay lại. Nay tôi nhập mỗi loại một ít, chắc khoảng 1.000 quả. Khách thường thích những quả vừa vừa vì chín quá không đẹp, thích quả già nhưng vẫn còn chút màu xanh”, chị Hồng chia sẻ.!.