Liên tiếp có 5 trẻ nhập viện vì uống nhầm dầu thắp đèn
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận 5 ca bệnh có dấu hiệu nguy kịch sau khi uống nhầm dầu thắp đèn tại nhà. Điều đáng nói khi xảy ra sự việc, gia đình không đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế mà tự ý gây nôn không đúng cách khiến tình trạng của trẻ trở nên trầm trọng.
Tuyệt đối không được móc họng gây nôn khi đường thở của trẻ chưa được bảo vệ
Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây đã tiếp nhận và điều trị cho 5 trường hợp bệnh nhi uống phải dầu thắp đèn dẫn đến tình trạng suy hô hấp đe dọa tính mạng.
Điển hình bé V.A (20 tháng, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, phải thở oxy vì uống nhầm dầu thắp đèn. Sự việc diễn ra khi bé trèo lên tầng 2 để chơi và thấy chai nước ngọt để trên cửa sổ. Sau khi uống bé hét lên, gia đình mới phát hiện đó là dầu thắp đèn để trong vỏ chai nước ngọt.
Bệnh nhi 17 tháng nhập viện vì uống nhầm dầu thắp đèn Ảnh:BVCC
Do chủ quan, thấy trẻ không có biểu hiện gì nên gia đình chưa cho trẻ đến cơ sở y tế. Sau đó vài giờ, trẻ bắt đầu có biểu hiện nôn trớ kèm theo ho, xuất hiện tình trạng sốt nên gia đình mới đưa đến viện tỉnh. Sau 3 ngày điều trị, con viêm phổi nặng, khó thở hơn nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Một trường hợp khác là bệnh nhi P.D (17 tháng,Quảng Ninh) cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tự lấy dầu thắp đèn ban thờ để dưới đất uống. Ngay sau đó, gia đình đã cho trẻ uống nhiều nước và móc họng để trẻ nôn rồi đưa đến bệnh viện điều trị vì trẻ khó thở, nhưng sau đó do tình trạng viêm phổi nặng hơn nên bệnh viện tỉnh đã chuyển bé lên tuyến Trung ương.
BSCKII Lê Thanh Chương – Trưởng Khoa Hồi sức Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, biến chứng nặng nề nhất và nguy cơ gây tử vong cao nhất của uống nhầm dầu thắp sáng là suy hô hấp. Việc xử trí uống nhầm dầu thắp sáng không giống xử lý khi uống một số chất lỏng khác: tuyệt đối không được móc họng gây nôn khi đường thở chưa được bảo vệ.
Dầu thắp sáng bản chất là một hydrocarbon dễ bay hơi, có sức căng bề mặt thấp nên rất dễ trào vào đường thở khi uống, đặc biệt là khi gây nôn. Khi vào đường thở dầu sẽ lan rất nhanh trong phổi gây hoại tử niêm mạc, làm xẹp phổi và viêm phổi.
“Chỉ rửa dạ dày ở trẻ uống số lượng lớn dầu thắp và phải tiến hành tại cơ sở y tế sau khi đường thở của trẻ đã được bảo vệ tránh dầu xâm nhập, ví dụ như phải đặt nội khí quản trước khi rửa”- BS Chương nói.
Theo các bác sĩ, về cơ bản những trường hợp này trẻ sẽ có thể phục hồi hoàn toàn. Một số ca sặc dầu có biến chứng nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sau này cần được bác sĩ tiếp tục theo dõi.
“Mặc dù cả 5 bệnh nhi đều đến viện với tình trạng suy hô hấp phải thở oxy, có nguy cơ đe dọa tính mạng, nhưng sau quá trình điều trị phù hợp, toàn bộ trẻ đã ổn định, hết suy hô hấp, hết nhiễm trùng, tổn thương phổi đã hồi phục, lần lượt đã và sẽ ra viện”- BS Chương nói.
Phòng tránh và sơ cứu khi trẻ uống nhầm dầu thắp sáng bằng cách nào?
Theo các chuyên gia nhi khoa, việc trẻ uống nhầm dầu thắp gây sặc vào phổi, viêm phổi là một tai nạn thường đến từ sự bất cẩn của người lớn trong gia đình, do thói quen thắp đèn dầu ở các bàn thờ và đựng dầu thắp đèn trong các vật dụng uống nước như chai nước, cốc, bát…làm trẻ dễ uống nhầm.
Hậu quả của việc này gây ra cũng rất khó lường, có thể khiến trẻ ngộ độc tiêu hóa, rối loạn nhiều chức năng cơ quan trong cơ thể, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng sặc dầu vào phổi gây hoại tử, xẹp phổi, nhiễm khuẩn dẫn đến suy hô hấp đe dọa tính mạng và có thể để lại di chứng nặng nề lâu dài.
Khi trẻ uống nhầm dầu thắp, gia đình không được cho uống nước, uống sữa và móc họng để trẻ nôn, mà phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, cấp cứu và điều trị phù hợp.
Điều quan trọng nhất để tránh tai nạn uống nhầm dầu thắp: các gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, không nên dự trữ dầu trong nhà.
Nếu cần phải dự trữ, không đựng dầu trong chai, vật dụng dễ nhầm lẫn như chai đựng nước uống, cốc, bát; cần phải để dầu thắp ở nơi tránh tầm tay trẻ em: để trên cao, trong tủ có khóa..